1.
“Ba hôm sau, ông cụ già chết thật.” Một lời thông báo ngắn gọn, lạnh lùng, chua chát. Nếu như trước đây, thuốc thánh đền Bia được chưng cất bởi nước ao, rau thài lài, rau sam đã trở thành liệu pháp tinh thần giúp cụ cố tổ khỏe lại, thì giờ đây, lời thông báo vô tình của Xuân Tóc Đỏ về cái tội hoang dâm của cô Hoàng Hôn – cháu nội cụ cố tổ lại trở thành liều thuốc độc mang hương vị của nỗi nhục nhã ê chề góp phần hiện thực hóa giấc mơ mà bấy lâu nay lũ con cháu trong cái nhà này ao ước, đưa người cha, người ông trong gia đình ấy đi đến một cái đích cuối cùng – nghĩa địa.
Bởi vậy, những thanh âm trong buổi sáng hôm ấy ở căn nhà của cụ cố tổ sao mà náo nức, vui vẻ tấp nập đến lạ lùng. Người ta nô nức đi gọi biết bao nhiêu ông lang băm Đông, lang băm Tây, lang băm già, lang băm trẻ, cụ lang Tì lẫn cụ lang Phế ... khi sinh khí đã tắt hẳn trên nhân hình của cụ cố tổ.
Hành động ấy đơn giản chỉ để lòe bịp với thiên hạ rằng, lũ con cháu nhung nhúc ấy đã và đang hết lòng chăm lo cho sức khỏe của người cha, người ông thân yêu. Trong cái không gian náo nức, vui vẻ như hội hè đình đám ấy, ta nghe thoảng bên tai một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu gắt: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng – người con trưởng. Một điệp khúc vô nghĩa cất lên từ khuôn miệng của một kẻ kì quặc, dị hợm, vô nghĩa lí.
Đâu đó, người ta còn thoáng nghe những thanh âm trong suy nghĩ, trong dự cảm của ông Phán mọc sừng – đứa cháu rể quý hóa của cụ cố tổ. Không nằm ngoài dự liệu của đứa cháu rể đầy mưu mô, thủ đoạn ấy, cái câu chào mà chính ông Phán đã thiết kế, mở mồm ra và đặt vào miệng Xuân Tóc Đỏ theo một thỏa thuận làm ăn: “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!” đã trực tiếp tiễn cụ cố tổ của mình ra bãi tha ma.
Giờ đây, trong cái sung sướng, hân hoan lạ lùng vì số tiền mà cụ cố Hồng – bố vợ hứa chia cho sau khi cụ cố tổ chết, ông Phán mọc sừng đã lên ngay một kế hoạch làm ăn mới. Ông tưởng tượng sẽ thỏa thuận với Xuân một lời giới thiệu khác: “Thưa ngài, thứ hàng này tốt nhất, buôn ở Tây phương” sẽ mang lại cho ông biết bao nhiêu là lợi nhuận. Một cuộc doanh thương, một hợp đồng làm ăn được soạn thảo và sửa soạn được kí kết ngay trước quan tài của người đã chết.
Trong khi đó, cụ cố Hồng, đứa con cả lại không được tỉnh táo và rành mạch trong tư duy như ông Phán. Trong cái đê mê của khói thuốc phiện đang quẩn quanh hai lá phổi, cụ mơ màng gặm nhấm âm thanh của thiên hạ xì xào, chỉ trỏ: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!” cho dù lúc này, cái đám ma của bố cụ mới chỉ thực sự diễn ra trong ... trí tưởng tượng.
Trong niềm lâng lâng khoái cảm của đứa con trưởng và đứa cháu rể quý hóa là biết bao tiếng la ó của bọn dâu con. Như một lũ kền kền háu đói, lũ người nhung nhúc ấy đang muốn nhanh chóng chôn chặt cụ cố tổ trong ba thước đất hoang lạnh để thỏa mãn cơn thèm khát đã lên tới cực điểm của họ: cậu tú Tân thì thèm được khoe tài chụp ảnh trong đám ma, bà Văn Minh thèm khoe bộ đồ tang tân thời, ông Typn khát khao được lắng nghe giới báo chí đánh giá, phê bình về những mốt đồ đưa ma khoe da thịt ... Thật là rộn ràng, thật là náo nức, đúng với không khí của một ngày báo hiếu cha mẹ trong một đại gia đình vô phúc, bất hiếu, mất hết tính người!
2.
Trong cái đám ma cụ cố tổ buổi sáng hôm ấy, giữa đại đa số cái hữu thanh thì xen kẽ vào đó là những hình nhân vô thanh, lặng lẽ. Đó là hai viên cảnh binh Min Đơ, Min Toa với khuôn mặt buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ vì vốn lâu nay họ đang thất nghiệp, không có việc gì để làm, chẳng có ai để mà phạt. Ấy vậy mà hôm nay, họ lại được thuê giữ trật tự cho đám ma.
Thật là vinh hạnh, thật là sung sướng. Bởi thế, hai viên cảnh binh ấy đã rất hết lòng trông nom đám ma để lặng lẽ gặm nhấm nỗi khoái cảm của những kẻ đi canh xác chết. Hình nhân vô thanh thứ hai chính là cô Tuyết – đứa cháu gái của cụ cố tổ. Giữa đám ma, trong bộ đồ tang tân thời hở hang, khoe da thịt, với cái tráp trầu cau và thuốc lá, cô nhanh nhẹn đi lại mời các quan khách với vẻ mặt buồn rất lãng mạn của một người trong gia đình đúng vào lúc đang có “tang gia bối rối”.
Đằng sau cái vẻ mặt buồn rầu rất lãng mạn ấy, dường như cô cháu gái quý hóa của cụ cố tổ muốn khoe cho cả thiên hạ thấy một điều rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Không biết cái mong muốn của cô Tuyết có thành hiện thực hay không, nhưng đám quan khách tai to mặt lớn đi sát linh cữu thì thật là xúc động, thật là ao ước, thật là thèm khát khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết. Không ai bảo ai, mỗi người trong cái đám ma ấy đều đang theo đuổi những ý nghĩ riêng, những toan tính riêng, những thèm muốn của riêng mình.
Trong cái miên man của biết bao nhiêu suy nghĩ, nỗi niềm, đám ma bất chợt ngân lên những âm thanh lạ: lốc bốc xoảng, bú dích, kèn Xuân nữ ... được thi nhau tấu lên bản hòa ca lạ lùng của ba xứ: Ta, Tàu, Tây. Và sau những thanh âm ấy là cảnh tượng của một đám ma kì dị, khác người: có kiệu bát cống, có lợn quay đi lọng, ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa với biết bao tài tử chụp ảnh đang thi nhau kiếm tìm những bức ảnh đẹp như ở một hội chợ vô cùng náo nhiệt, đông vui.
Những thanh âm náo nức cứ cất lên từ cửa miệng, từ nỗi lòng của một lũ con cháu trong ngày báo hiếu, trả nghĩa. Cụ bà, vợ cụ cố Hồng, trước sự xuất hiện long trọng của Xuân Tóc Đỏ đã sung sướng kêu: “Ấy giá không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi!” Thì ra, cái đám ma to tát là một dịp, một cơ hội không thể nào tốt hơn để đám con cháu trong cái đại gia đình ấy khoe khoang sự giàu sang trước thiên hạ. Một cái đám ma thật vui vẻ: “Đám ma đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy”.
Đó thực sự là một đám hội, một đám rước, một đám cưới hơn là một đám ma với kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thi nhau mà rộn lên. Giữa cái lễ hội Các na van thật là náo nhiệt ấy, những con người tham gia đều vui vẻ đeo trên mình một chiếc mặt nạ da người, nhưng cũng ở đó, biết bao khuôn mặt đã bị lột mặt nạ để phơi bày ra trước thiên hạ. Mảng màu của da người nhanh chóng bị cất đi, chỉ còn lại cái vô lương của thú vật.
Hóa ra, tất cả những con người đi trước, đi sau hay đi bên cạnh linh cữu của người quá cố đều đang tận hưởng những nỗi niềm sung sướng của riêng mình. Cụ cố Hồng vui vì đám ma to, ông Typn và bà Văn Minh vui vì những kiểu quần áo tang của tiệm may Âu hóa được người ta chú ý, cụ bà vợ cụ cố Hồng sung sướng vì một cái đám ma danh giá, những cư dân trong thành phố thì cũng náo nức, nhốn nháo lên khen đám ma linh đình ...
Đằng sau những khuôn mặt đang cố làm ra vẻ nghiêm chỉnh rất xứng đáng với những người đi đưa ma, sự thật thì họ đang thì thầm với nhau chuyện về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may. Họ vui vẻ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma …
Đó quả thực là một xã hội kim tiền, lạnh lùng, tàn nhẫn đến đáng sợ! Và lũ người đi sau, quả thực, đó chính là những hình nhân dị dạng, những quái thai của một thời kì mưa Âu, gió Mĩ làm đảo điên những giá trị trong một thời lịch sử đáng buồn đã qua của dân tộc Việt Nam!
3.Đám cứ đi ...
Đám gì? Đám cưới, đám ma, đám hội, đám rước ... Thôi thì, trong cái đám đông ồn ào buổi sáng hôm ấy có tất cả. Rồi đến lúc hạ huyệt, cái đám đông ấy đang kẻ cúi, người gục đầu; kẻ cong lưng, người lau mắt; kẻ chống gậy, người chít lại khăn tang ... tất cả họ đang tuân theo sự bắt bẻ của cậu tú Tân để chụp những bức ảnh sao cho đẹp, cho ưng ý nhằm làm kỉ niệm khoảnh khắc quan trọng nhất của đám ma – khoảnh khắc chôn người chết.
Bạn hữu của cậu cũng rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác để chụp ảnh cho khỏi giống nhau. Giây phút thật cảm động. Họ đang hắt những nắm đất lên quan tài, đang chôn vùi một người thân, vĩnh biệt một người ruột thịt bằng những tư thế và góc ảnh không thể nào đẹp hơn. Đúng lúc cụ cố Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi thì ông Phán mọc sừng cũng khóc to “Hứt! ... Hứt! ... Hứt! ...”
Ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy.
Tiếng khóc xót xa, ai oán vang lên cả tang trường nhưng không hiểu sao, người ta chú ý đến nó với cảm giác hiếu kì nhiều hơn là động lòng xúc cảm. Bởi cái âm thanh ấy sao mà rõ ràng quá, dứt khoát quá, rành mạch quá ...
Vì thế, nó cũng giả tạo quá. Và chúng ta hãy cùng nhìn lại một lần nữa phân cảnh kịch kinh điển của một kẻ táng tận lương tâm đang diễn trò trong đám ma của cụ cố tổ: “Ông khóc quá, muốn lặng người đi thì may có Xuân đỡ khỏi ngã. Nó chật vật mãi cũng không làm cho ông đứng hẳn lên được. Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng trắng lòe xòe, ông Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.
Hứt! ... Hứt! ... Hứt! ...
Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư ...
Màn hài kịch đã đến lúc hạ màn. Ông Phán mọc sừng quả là một diễn viên siêu hạng, xuất sắc hóa thân thành một đứa cháu rể đang xót thương và không nỡ rời xa cụ cố tổ để nhanh chóng thanh toán một phi vụ làm ăn, giữ chữ tín và sự hợp tác lâu dài với Xuân Tóc Đỏ. Như một hiệu ứng của lá bài đô mi nô, tất cả những con người khác trong đám ma sáng hôm ấy đều nhất loạt bị gỡ bỏ mặt nạ.
Họ đến đây vui vẻ, cười đùa, chim nhau, ghen tuông nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau hay cảm động, xót thương ... hóa ra đều không phải vì người nằm trong quan tài mà vì chính những ham muốn của họ. Họ đang tận hưởng cái cảm giác tê mê của những nỗi niềm hoan lạc riêng. Trên thân xác người chết, trên mồ mả của những người quá cố, cả lũ người ấy đang toan tính, đang dự định, đang tưởng tượng, đang làm việc và cả đang trả tiền cho một quan hệ làm ăn.
Tiếng khóc của ông Phán mọc sừng vang lên ở cuối đoạn trích quả thực là một khúc vĩ thanh đa tầng nghĩa. Đó có thể là tiếng khóc thật sự của nhà văn Vũ Trọng Phụng về sự băng hoại và xuống cấp đạo đức trầm trọng trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX; đó cũng có thể là lời thúc giục hất cho nhanh, chôn cho chóng cái hình hài cụ cố tổ để về với hiện thực hóa cái chúc thư, và biết đâu, đó cũng có thể là phát súng lệnh vang lên của nhà văn để chôn vùi cả một xã hội nhơ nhớp ấy xuống mồ. Khúc vĩ thanh ấy quả thực đã gieo vào lòng người đọc những ấn tượng và lay động sâu xa về tình người, tình đời và những ám ảnh không dứt về một thời lịch sử đáng buồn đã qua!