Tuy nhiên, theo tôi, nếu muốn đem nhân vật Xuân Tóc đỏ để so sánh với một hình tượng văn học thế giới thì có thể nói, nhân vật Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” của Kim Dung mới là đối tượng thú vị nhất, bởi hai nhân vật này có những điểm giống nhau đến kinh ngạc.
1.
Trước hết phải khẳng định rằng giữa “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng và “Lộc đỉnh ký” của Kim Dung vốn chẳng có quan hệ gì với nhau, bởi “Số đỏ” được sáng tác năm 1936 khi “Lộc đỉnh ký” chưa ra đời. Còn Kim Dung? Ông là nhà văn lớn của nhân loại trong thế kỉ XX, người đã sáng tạo ra một thế giới võ lâm làm say lòng cả tỉ người trên thế giới, được đánh giá là một “thiên tài tiểu thuyết vô tiền khoáng hậu” (theo dịch giả chuyên dịch tiểu thuyết Kim Dung - Nguyễn Duy Chính).
Xét ở góc độ tác phẩm, hai tiểu thuyết này khác nhau quá xa ở nhiều phương diện: quy mô tác phẩm, phương pháp sáng tác, quan điểm văn học…, vả chăng, ai cũng biết rằng không nên so sánh một tiểu thuyết hiện thực phê phán với một bộ tiểu thuyết kiếm hiệp. Cách đây vài chục năm nhiều người còn cho rằng hai thể loại này thuộc hai đẳng cấp văn học khác nhau: bác học và bình dân, nghiêm túc và giải trí, tích cực và tiêu cực. Ngày nay tuy khái niệm đẳng cấp này đã xóa bỏ, tiểu thuyết Kim Dung đã được giảng dạy ở Trung Quốc đại lục và được ca ngợi trên toàn thế giới song định kiến này vẫn còn tồn tại. Ở đây tôi không làm công việc của người nghiên cứu về hai tiểu thuyết. Tôi chỉ nói về những điểm giống nhau vô cùng thú vị của hai nhân vật chính: Xuân tóc đỏ và Vi Tiểu Bảo.
Xuân tóc đỏ là một nhân vật đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Cái tên vô lại hạ lưu này nhờ cái số đỏ lạ lùng đã len vào được giới thượng lưu trí thức của xã hội Việt Nam những năm 1930. Và mặc dù hoàn toàn vô học, hắn vẫn được ca ngợi là thượng lưu trí thức, được phong danh hiệu đốc tờ, giáo sư; dù bản chất lưu manh hư hỏng nhưng hắn lại được xem là biểu tượng của văn minh, được ca ngợi là anh hùng cứu quốc…
Hẳn bạn đọc Việt Nam không thể ngờ rằng, trong thế giới võ lâm trứ danh của kiếm hiệp Kim Dung lại có một Vi Tiểu Bảo giống anh Xuân nhà ta đến thế.
2.
Về xuất thân, Vi Tiểu Bảo sinh ra trong động điếm Lệ Xuân thành Dương Châu vào cuối đời Thuận Trị, đầu đời Khang Hy. Mẹ y là kỹ nữ Vi Xuân Phương chẳng nhớ rõ bố y là ai nên đành lấy họ mẹ đặt cho con. Y lớn lên trong kỹ viện nên hoàn toàn lưu manh. Sở học của y là nhớ được nét “nhất” trong tên của mình, hát thuộc bài Thập bát mô của khách làng chơi “một ta sờ, hai ta sờ, ba ta sờ… sờ trúng đùi nàng”. Thời thế loạn lạc, y theo tráng sĩ Mao Thập Bát trốn khỏi kỹ viện, lưu lạc đến thành Bắc Kinh, tình cờ giết thái giám Tiểu Quế Tử và cũng tình cờ, gặp và trở thành bạn thân của vua Khang Hy - bước chân đầu tiên đưa y trở thành một nhân vật lớn như Xuân tóc đỏ của chúng ta.
Vi Tiểu Bảo qua nét vẽ của họa sĩ Hiền Trí |
Về tính cách, Vi Tiểu Bảo và Xuân đúng là một cặp… song sinh. Hai người giống nhau từ bản tính dâm dật hư hỏng cho đến các thói dối trá lưu manh. Vừa vào thành Bắc Kinh, Vi đã gạ gẫm và quan hệ với Kiến Ninh công chúa - em gái vua Khang Hy mắc bệnh cuồng dâm. Y vào Mộc vương phủ ôm ấp quận chúa và cợt nhả với Phương Di hơn mình hai tuổi. Khi đã có quyền và có tiền, y càng lăng loàn và có lúc, đã quan hệ một hơi với bốn người: Tô Thuyên - vợ giáo chủ Thần Long giáo Hồng An Thông, A Kha- con của Ngô Tam Quế, Song Nhi - nữ tì, Tăng Nhu - Thiên Địa Hội. Tổng kết lại thành tích của y là đã có được bảy cô vợ sắc nước hương trời khiến mẹ y là kĩ nữ cũng phải thán phục. So với Xuân tóc đỏ gạ tình cô hàng nước mía, nhìn trộm các cô gái thay quần, đong đưa với bà Phó Đoan, làm hại đời cô Tuyết… thì họ Vi quả là anh cả!
Về ngôn ngữ, cả hai nhân vật này đều sở hữu một kho những ngôn ngữ lưu manh phải nói là giống nhau đến kì lạ. Đọc “Số đỏ”, hẳn bạn đọc không thể quên những mẹ kiếp, chẳng nước mẹ gì, chẳng nước non gì… của Xuân thì sang “Lộc đỉnh ký”, chúng ta lại bắt gặp ngôn ngữ của Vi với những câu cửa miệng: tổ cha nó, quân rùa đen, phường chó đẻ… Y gọi Hải Lão Công là Hải Lão con rùa, gọi thái hậu (giả) là mụ điếm già… Nếu Xuân đã đem ngôn ngữ hạ lưu đường phố vào giới thượng lưu và được hội Khai trí Tiến Đức đề nghị đưa vào từ điển, thì Vi đã đưa ngôn ngữ của kỹ viện vào hoàng thành Bắc Kinh và được Hoàng đế Khang Hy công nhận. Có thể nói, dưới góc nhìn trào phúng của Vũ Trọng Phụng và Kim Dung, hạ lưu và thượng lưu, động điếm và hoàng thành thì cũng đều như nhau cả.
Về số đỏ, vâng, có thể nói điểm thú vị nhất về sự trùng hợp của hai nhân vật trào tiếu này chính là cái số đỏ đến kì lạ của họ. Đọc “Lộc đỉnh ký”, chúng ta không thể nhịn cười về tình huống Vi Tiểu Bảo tình cờ có được lương duyên với công chúa Kiến Ninh cuồng dâm, có khác gì Xuân vì nhìn gái thay quần mà lọt vào mắt xanh của bà Phó Đoan dâm đãng? Võ công của Vi chỉ đáng hạng đuổi gà bắt chó vậy mà chỉ nhờ ném bát tàn hương, y đã may mắn giết được lộng thần Ngao Bái - thiên hạ đệ nhất võ công. Y đã lập đại công giúp vua Khang Hy nắm lại binh quyền. Có khác gì đoạn tay Xuân ngu dốt nhờ thuốc thánh đền Bia làm bằng bùn đen và phân trâu mà chữa khỏi bệnh cho cụ cố Tổ khiến cho Lang Tì và Lang Phế tròn mắt kính phục?
Tên tiểu tốt như Vi mà lại có thể ép Ngô Tam Quế tạo phản rồi trừ khử y, có thể phá tan hang ổ của Thần Long giáo, bình định quân Nga…, thật chẳng khác gì cảnh Xuân tóc đỏ lừa gạt hai tay vợt Hải và Thụ để đứng ra tranh tài với quán quân quần vợt Xiêm La, qua đó trở thành anh hùng cứu quốc. Đọc đoạn Vi Tiểu Bảo một chữ cắn đôi không biết mà dám đứng ra nhận dịch quốc thư của Nga hoàng gửi Khang Hy khiến triều thần kinh sợ (thực ra hắn đọc bừa một đoạn ca của Thần Long giáo), chúng ta không thể không nhớ đến cảnh Xuân tóc đỏ trèo lên nóc xe hơi diễn thuyết cho hàng vạn quần chúng lắng nghe những lí lẽ của bậc anh hùng cứu quốc là y mà thực chất là đang nói lại những lời nhắc vở của ông Văn Minh ngồi dưới… Đấy quả thực đều là những pha đại hài kịch, đưa đến cái số đỏ kì lạ của hai nhân vật này.
Tất nhiên, Xuân tóc đỏ và Vi Tiểu Bảo là hai kiểu nhân vật khác xa nhau: một người thuộc về thế giới hiện thực của dòng văn chương phê phán xã hội, một thuộc về thế giới võ lâm của dòng văn chương giải trí (có thể đây là lí do khiến cho trước nay không ai so sánh hai vị này với nhau chăng?). Tuy vậy, theo tôi, so sánh sự giống nhau của hai nhân vật này sẽ đem lại cho chúng ta nhiều cảm nhận thú vị: hóa ra cái rởm đời, cái lố lăng luôn tồn tại trên cõi đời này dù ở thời đại nào, thế giới nào và nhìn qua lăng kính nào. Khi nào trong xã hội vẫn còn tồn tại những bất công, khi con người ta còn háo danh, ham lợi, cuồng dâm thì những Xuân tóc đỏ, Vi Tiểu Bảo vẫn còn tồn tại và thăng tiến. Phải vậy chăng?