Phong tục tập quán chính là một trong những nét đẹp riêng của mỗi nền văn hóa. Bên cạnh đón năm mới hay xua đuổi vận đen, đám cưới có thể được xem là một phần không thể thiếu khi nhắc tới nền văn hóa nào đó. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia lại có những tập tục đặc trưng nhưng vô cùng có ý nghĩa vào ngày lễ trọng đại nhất của cuộc đời.
1. Cô dâu phải khóc như mưa trước ngày theo chồng về dinh
Ý nghĩa của tập tục này là để chứng minh nỗi buồn vì sắp xa gia đình của cô dâu. Ngoài ra, việc họ hàng cũng tham gia khóc lóc thảm thiết là cách mà họ chúc phúc cho cô dâu khi sắp bước vào cuộc sống mới.
2. Tắm trong hỗn hợp bột mì nhớp nhúa
Ở một số vùng tại Scotland, cô dâu và chú rể phải tắm mình trong một hỗn hợp gồm bột mì, tro và mật đường một ngày trước khi diễn ra lễ cưới. Thậm chí, người thân và bạn bè họ còn dùng cả thức ăn thiu, cá chết hay nước sốt để đổ lên khắp người cặp đôi sắp cưới.
Người ta cho rằng, hành động này sẽ giúp cặp đôi trẻ loại trừ hết tà ma. Đồng thời, tập tục này còn có ý nghĩa là nếu cô dâu chú rể vượt qua được thử thách này thì họ cũng sẽ vượt qua được mọi rắc rối trong đời sống hôn nhân. Khi đó, tình cảm gia đình sẽ được bền lâu mãi mãi.
3. Nhổ nước bọt vào người cô dâu
Tại Kenya, mọi cô dâu ở tộc người Masai sẽ được bố của mình phun nước bọt vào mặt và ngực trước khi cưới. Nước bọt của người cha tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cha mẹ có thể dành cho con gái. Đây chính là lời chúc phúc mà mỗi ông bố đều phải làm trước khi tiễn con gái về nhà chồng.
Ngoài ra, khi rước dâu, cô dâu không được ngoáy đầu nhìn lại nếu không sẽ bị hóa thành đá. Không những thế, chú rể cũng phải là người do bố cô dâu chỉ định chứ không phải do cô lựa chọn.
4. Đập vỡ bát đĩa để chúc phúc
Nếu một số nước phương Đông cho rằng việc đổ vỡ đồ đạc vào ngày cưới là một điềm gỡ báo hiệu sự rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân thì ở Đức, đây lại là một lời chúc phúc. Vào đêm trước hôn lễ, các vị khách sẽ đến trước nhà cô dâu hay chú rể và đập vỡ thật nhiều chén đĩa sứ còn mới tinh.
Tập tục này có tên là Polterabend và là lời chúc mừng ngày vui của các cặp đôi. Theo quan niệm ở đây, âm thanh của chén đĩa vỡ sẽ giúp xua đuổi ma quỷ và mang lại điềm lành cho cô dâu chú rể.
5. Đánh đòn vào đôi chân chú rể
Ở Hàn Quốc, sau khi mọi nghi thức kết thúc, chú rể sẽ phải chịu đựng một trận đòn trước khi có thể động phòng với cô dâu. Bạn bè, người thân sẽ sử dụng một sợi dây hay thắt lưng da buộc hai chân chú rể lại, sau đó họ sẽ thay phiên nhau đánh bằng gậy hoặc cá khô.. Không những thế, họ cũng sẽ liên tục cù vào lòng bàn chân để chú rể vừa đau đớn vừa nhột không chịu được.
Hành động kỳ cục này nhằm chúc cho chú rể có sức khỏe thật tốt vào đêm tân hôn đầu tiên. Bên cạnh đó, đây còn là cách các anh chàng chúc chiến hữu của mình luôn hài lòng với cuộc hôn nhân của mình.
6. Không được đi vệ sinh sau khi cưới
Cô dâu chú rể người Tidong không được phép đi vệ sinh trong 3 ngày sau khi cưới.
Cộng đồng người Tidong ở Indonesia sở hữu khá nhiều phong tục kỳ lạ. Một trong số đó phải kể đến việc các cặp đôi mới cưới thuộc bộ tộc này không được phép đi vệ sinh trong 3 ngày liên tiếp sau khi cưới.
Họ cũng sẽ không được phép bước ra khỏi nhà trong khoảng thời gian này. Do đó, họ chỉ được ăn và uống rất ít để không phải đi vệ sinh.
Người ta cho rằng phá vỡ tục lệ này có thể khiến hôn nhân đổ vỡ hoặc sinh con chết non.Vì vậy, mọi cặp đôi đều phải tuân theo tập tục có phần quái dị và khó khăn này để các con mình sinh ra được khỏe mạnh. Sau khi hoàn thành, họ sẽ được sinh hoạt như bình thường.
7. Cấm cười trong ngày cưới
Mặc dù đám cưới có thể xem là ngày vui nhất của một đời người, cô dâu và chú rể ở Congo không được phép nở một nụ cười nào trong suốt thời gian tiến hành hôn lễ.
Không những vậy, những người tham gia đám cưới cũng không nên hé môi cười vì hành động này được xem là bất lịch sự và khiếm nhã.
Theo người dân ở đây, kết hôn là một dịp vô cùng quan trọng và nghiêm túc nên một nụ cười cũng không được phép. Nếu bạn lỡ cười trong đám cưới của người khác thì chắc chắn lần sau sẽ không ai dám mời bạn đến ngày vui của họ nữa.
8. Hẹn thề bằng trò bắn tên
Tục bắn tên vào cô dâu của người Dụ Cố, Trung Quốc.
Ở tộc người Dụ Cố, Trung Quốc, chú rể sẽ dùng cung bắn tên vào người cô dâu 3 lần. Tuy vậy, hành động này không hề nguy hiểm gì, vì các mũi tên đều có đầu tù và chỉ mang tính tượng trưng. Sau đó, chính chú rể sẽ tiến đến gỡ mũi tên ra và bẻ gãy nó.
Hành động khó hiểu này được xem là lời hẹn thề mãi yêu thương nhau của chú rể dành cho vợ mình. Ngoài ra, nếu chú rể có thể bắn trúng cả 3 mũi tên vào người cô dâu thì đây là một điềm lành. Người ta tin rằng, cặp đôi đó sẽ bên nhau trọn đời.
9. Tụ tập quậy phá ầm ĩ trước phòng tân hôn
Nghi thức Charivari hay còn biết đến với tên gọi shivaree của người Pháp có nghĩa là những tiếng ồn ào huyên náo. Đúng như tên gọi của mình, đây có lẽ là nghi thức gây khó chịu vô cùng cho các cặp vợ chồng mới cưới.
Vào đêm tân hôn, bạn bè cũng như những người thân trong gia đình cô dâu, chú rể sẽ tụ tập bên ngoài phòng tân hôn để hát hò, nhảy múa... Họ gây ra đủ mọi tiếng ồn và sử dụng mọi phương pháp để phá rối cặp đôi.
Tuy nhiên thì ý nghĩa của tục lệ này cũng là sự mong đợi hạnh phúc. Họ tin rằng, những âm thanh càng khó chịu, càng gây rối cho đôi vợ chồng trong đêm tân hôn thì họ sẽ càng hạnh phúc sau này. Bởi vậy, nên cũng thật khó trách móc những người chỉ mong điều tốt đến với đôi vợ chồng.