TS. Vũ Thu Hương chỉ ra 4 sai lầm cơ bản, nhiều bố mẹ mắc phải, là căn nguyên sản sinh ra một đứa trẻ thụ động và ỉ lại.
Trẻ thụ động luôn là áp lực đối với những người chăm sóc, dạy dỗ chúng. Những đứa trẻ này khi trưởng thành sẽ gặp nhiều khó khăn. Những lúc đó, “những em bé phóng to” ấy sẽ rên rỉ, khóc lóc mà không biết cách để tự giải quyết vấn đề.
Nhận diện những đứa trẻ thụ động
Theo TS. Vũ Thu Hương, trẻ thụ động thường sẽ lười học (cũng có bạn không lười), lười suy nghĩ trong học tập, không chủ động mọi công việc nên hay bị mắng.
Những đứa trẻ này thường nhát, thiếu tự tin. Vì thế, thường lẩn trốn hoạt động trong tập thể , không dám xung phong phát biểu ý kiến trong giờ học. Việc gì cũng tìm cách đùn đẩy cho người khác.
Trong gia đình, trẻ thụ động thường ngồi ì ra để đợi có người nhắc việc mới làm. Từ ăn, ngủ, sinh hoạt đến các công việc của bản thân, những đứa trẻ luôn cần sự nhắc nhở của người khác.
Vậy sai lầm nào của bố mẹ hình thành nên những đứa trẻ thụ động? TS. Vũ Thu Hương chỉ ra 4 sai lầm cơ bản cha mẹ của những đứa trẻ thụ động thường mắc phải trong quá trình dạy con.
1. Không tin tưởng giao việc cho con. Thường thì các bé này được chăm sóc tận răng với suy nghĩ: con còn bé. Hầu hết các bé này sẽ có bố mẹ khó tính, kĩ tính nên thường không yên tâm để con làm. Dần dà, bé sẽ yên trí với suy nghĩ: mình không thể làm, không biết làm, nên bé sẽ đợi hướng dẫn của bố mẹ.
Trẻ luôn tìm ra cách để giải quyết rắc rối của mình, thông minh và sáng tạo hơn bố mẹ thường nghĩ (Ảnh minh họa) |
2. Luôn nghĩ rằng phải hướng dẫn con tử tế. Cha mẹ thường quên rằng, việc con nghĩ ra cách giải quyết đôi khi còn thông minh và sáng tạo hơn chúng ta nhiều.
Các bố mẹ mà luôn nghĩ phải hướng dẫn, tạo nếp, thường con sẽ dễ rơi vào trạng thái thụ động vì con dần dần cũng sẽ nghĩ: mình không nghĩ ra đâu, phải bố mẹ mới nghĩ ra.
Hãy bình tĩnh nói “mẹ không biết, việc đó là việc của con mà” khi con chưa thực sự để tâm suy nghĩ đã hỏi cách giải quyết một vấn đề cá nhân.
Chính câu trả lời và thái độ dứt khoát của bố mẹ sẽ thôi thúc con phải tự mình tìm hiểu và nghĩ ra cách giải quyết tình huống, dần dần hình thành và phát huy tính chủ động.
3. Bố mẹ hay nhắc. Liên tục nhắc nhở là một trong những nguyên nhân lớn khiến con thụ động và ỉ lại. Đừng nghĩ đến hậu quả gần xịch kiểu: “không nhắc thì nó không học”...
Hãy nghĩ xa hơn, con không học, cô phạt thì sẽ rút kinh nghiệm và học hành tự giác hơn. Hãy tạo cơ hội để con tự biết lo cho bản thân và chủ động làm mọi việc thay vì chờ được nhắc nhở.
4. Bố mẹ quá xót con. Đây là lỗi rất phổ biến của các bậc cha mẹ. Nhưng xót con thường gây ra hậu quả và ít mang lại điều tốt lành. Đơn giản, với những đứa trẻ, nếu cha mẹ xót con mà không cho con làm việc gì thì con sẽ vụng về, thụ động.
Những đứa trẻ thụ động lớn lên trong sự “xót xa” thường xuyên của cha mẹ chắc chắn sẽ càng lúc càng tạo ra nhiều cơ hội cho đấng sinh thành phải “xót lòng” vì chúng.
Đừng quá sẵn sàng trợ giúp trẻ, đừng coi thường khả năng của chúng, càng không nên biến con thành cái máy và mình là người điều khiển. Bởi tự lập, tự giác chính là thái cực đối ngược của sự thụ động và ỉ lại.