Tin vui là: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một số phương pháp có thể kiểm soát tình trạng cận thị ở trẻ và thiếu niên. Mặc dù chưa tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh cận thị, nhưng bác sĩ nhãn khoa hiện có thể đưa ra một số phương pháp điều trị giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Những phương pháp này có thể tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc của mắt. Nhờ đó, giảm căng thẳng và mệt mỏi của mắt. Hiện tại, bốn phương pháp điều trị cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc kiểm soát cận thị bao gồm: Thuốc nhỏ mắt Atropine; Kính áp tròng thấm khí; Kính áp tròng đa tiêu cự; Kính đa tròng.
Thuốc nhỏ mắt Atropine
Thuốc nhỏ mắt Atropine đã được sử dụng để kiểm soát cận thị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc sử dụng loại thuốc nhỏ mắt này cũng có một số hạn chế. Atropine là một loại thuốc được sử dụng để làm giãn đồng tử.
Đồng thời, tạm thời làm tê liệt và thư giãn hoàn toàn cơ chế tập trung của mắt. Atropine thường không được sử dụng trong quá trình khám mắt định kỳ. Bởi, tác dụng của loại thuốc này thường kéo dài một tuần hoặc lâu hơn. Công dụng phổ biến của Atropine ngày nay là giảm đau mắt gây ra bởi viêm màng bồ đào.
Các nghiên cứu cho thấy, cận thị ở trẻ em có thể liên quan đến sự mệt mỏi khi tập trung. Do đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét việc sử dụng Atropine để vô hiệu hóa cơ chế tập trung của mắt, nhằm kiểm soát độ cận thị.
Kết quả của các nghiên cứu về Atropine trong việc kiểm soát độ cận cho thấy, thuốc này mang lại hiệu quả ít nhất là một năm. Bốn nghiên cứu ngắn hạn được công bố từ năm 1989 - 2010 cho thấy, Atropine làm giảm sự tiến triển cận thị trung bình ở trẻ em lên 81%.
Tuy nhiên, nghiên cứu bổ sung đã chỉ ra rằng, tác dụng kiểm soát cận thị của Atropine không được duy trì sau năm điều trị đầu tiên. Việc sử dụng Atropine trong thời gian ngắn có thể không kiểm soát độ cận thị về lâu dài.
Điều thú vị là, một nghiên cứu cho thấy, khi ngừng sử dụng Atropine sau hai năm, những trẻ sử dụng thuốc nhỏ nồng độ thấp nhất (0,01%) có khả năng kiểm soát cận thị tốt hơn. Ngoài ra, nhiều bác sĩ nhãn khoa không muốn kê đơn Atropine cho trẻ em.
Bởi, tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc lâu dài chưa được làm rõ. Những hạn chế khác của điều trị Atropine bao gồm khó chịu và nhạy cảm với ánh sáng do giãn đồng tử kéo dài. Thậm chí, người dùng có thể thấy mờ khi nhìn gần.
Kính áp tròng thấm khí
Đây là phương pháp sử dụng kính áp tròng thấm khí được thiết kế đặc biệt. Trẻ sẽ đeo loại kính này vào ban đêm khi ngủ. Nhờ đó, tạm thời điều chỉnh cận thị và các vấn đề về thị lực khác.
Do đó, trẻ sẽ không cần đeo kính và kính áp tròng khi thức dậy. Một số bác sĩ nhãn khoa sử dụng kính áp tròng thấm khí để kiểm soát độ cận ở trẻ em. Bằng chứng cho thấy, những đứa trẻ cận thị trải qua vài năm sử dụng loại kính này có thể ít tăng độ cận khi trưởng thành.
Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản đã trình bày một nghiên cứu đánh giá tác động của kính áp tròng thấm khí đối với sự giãn đồng tử ở trẻ em. Đây là một yếu tố liên quan đến sự tiến triển của cận thị. Tổng cộng 92 trẻ cận thị đã hoàn thành nghiên cứu kéo dài hai năm.
Trong đó, 42 trẻ đeo kính áp tròng thấm khí qua đêm và 50 trẻ đeo kính thông thường vào ban ngày. Vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu, trẻ em tham gia có độ tuổi trung bình khoảng 12. Trẻ em ở cả hai nhóm về cơ bản có cùng độ cận thị và cùng trục cũng như chiều dài nhãn cầu (24,7 mm).
Vào cuối nghiên cứu, trẻ em trong nhóm đeo kính cận có sự gia tăng đáng kể chiều dài trục trung bình của mắt. Các tác giả nghiên cứu kết luận, phương pháp đeo kính áp tròng thấm khí có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị so với đeo kính thông thường.
Vào tháng 3/2014, các nhà nghiên cứu ở Đài Loan đã công bố kết quả của một nghiên cứu so sánh việc sử dụng kính áp tròng thấm khí với thuốc nhỏ mắt Atropine để kiểm soát cận thị ở trẻ em từ 7 - 17 tuổi. Họ kết luận, hai phương pháp điều trị này có hiệu quả tương đương.
Kính áp tròng đa tiêu cự
Kính áp tròng đa tiêu cự có khả năng điều chỉnh viễn cũng như cận thị. Vào tháng 11/2013, các nhà khoa học ở Mỹ đã công bố kết quả của một nghiên cứu kéo dài hai năm. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ cận thị đeo kính áp tròng đa tiêu cự hằng ngày có khả năng bị cận thị ít hơn 50% so với bạn cùng lứa đeo kính áp tròng mềm.
Các tác giả nghiên cứu kết luận, cần có một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, dài hạn. Từ đó, giúp nghiên cứu thêm về tiềm năng của kính áp tròng đa tiêu cự trong việc kiểm soát bệnh cận thị ở trẻ em.
Kính đa tròng
Kính đa tròng cũng đã được thử nghiệm để kiểm soát độ cận thị ở trẻ em. Tuy nhiên, hiệu quả từ phương pháp này được cho là kém ấn tượng. Tháng 3/2014, các nhà nghiên cứu ở Australia và Trung Quốc đã công bố kết quả của thử nghiệm lâm sàng kéo dài 3 năm.
Qua đó, nhằm đánh giá sự tiến triển của bệnh cận thị ở 128 trẻ từ 8 - 13 tuổi. Tất cả người tham gia đều tăng ít nhất 0,5 độ cận trước khi bắt đầu nghiên cứu. Trẻ được chia làm hai nhóm. Một nhóm đeo kính mắt thông thường. Nhóm còn lại đeo kính đa tròng. Sau ba năm, trẻ em đeo kính đa tròng có mức độ tiến triển cận thị trung bình thấp hơn đáng kể.