Chữa cận thị không cần mổ: Đừng để tiền mất tật mang

GD&TĐ - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một trong những căn bệnh học đường phổ biến nhất hiện nay là các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị… 

Chữa cận thị không cần mổ: Đừng để tiền mất tật mang

Việc xuất hiện ngày một nhiều các trung tâm tập mắt, yoga mắt, hồi phục thị lực học đường… đã đánh đúng vào tâm lý của các bậc phụ huynh không muốn con đeo kính khi tuổi còn nhỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo, hiện chưa có kiểm chứng khoa học về phương pháp kể trên, vì vậy các bậc phụ huynh đừng để “tiền mất, tật mang”.

Tiền mẹ mất tật con mang

Chị Hoàng Nhật Linh (39 tuổi, phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng lo lắng khi cậu con trai vừa mới vào lớp 1 đã phải đeo cặp kính cận và loạn dày cộp 3 độ. Theo lời mách bảo của bạn bè, chị lên mạng tìm kiếm thông tin về phương pháp chữa cận thị không cần phẫu thuật.

Sau giờ làm việc, chị đã đưa con tới địa chỉ cơ sở chữa cận thị không cần phẫu thuật này ở đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để test thử và nhận tư vấn trực tiếp từ tư vấn viên: “Nếu tham gia khóa tập này, chắc chắn thị lực của trẻ sẽ cải thiện, hoàn toàn có thể bỏ kính và nhìn xa với thị lực 10/10.

Nhiều trẻ chỉ cần theo 6 - 8 buổi tập là có thể không phụ thuộc vào kính”. Sau khi biết con chị mới bị cận thị thì tư vấn viên lại khẳng định, nếu cháu mới bị cận thì khả năng thành công rất cao. Để lấy lòng tin của khách hàng, con chị được tham gia một lớp học “miễn phí”.

Để kiểm tra thị lực, con chị được một người bảo bỏ kính và đứng vạch gần nhất đọc to các hàng chữ trong bảng thử thị lực. Nhưng con chỉ đọc được dòng chữ to nhất, trên cùng. Sau đó, con được cho uống một cốc nước và ngồi làm theo hướng dẫn viên lấy hai bàn tay xát thật mạnh để gan bàn tay thật nóng sau đó đưa lên mắt chớp chớp và lặp đi lặp lại động tác nhiều lần. Sau đó, cháu được ra kiểm tra thị lực lần nữa.

Lần này, vẫn ở vạch lúc đầu nhưng nhìn rõ đến 5 hàng... Thấy con tiến bộ nhanh quá, chị Linh không ngần ngại rút 3 triệu đồng đóng tiền đặt cọc đăng ký ngay khóa học gồm 18 buổi học, tuần 3 buổi, mỗi buổi 1 tiếng. Cứ thế đều đặn tuần 3 buổi chị kiên trì đưa đón con với hy vọng rằng con sẽ không phải phẫu thuật chữa bệnh cận thị.

Trước mỗi buổi học con được kiểm tra thị lực một lần, sau buổi học con được kiểm tra lại và mỗi lần như thế, con lại đọc thêm được vài hàng chữ phía dưới trong bảng thử thị lực. Thế nhưng, kết thúc khóa học 18 buổi đó, khi bỏ kính ra con vẫn không nhìn rõ các hàng chữ trong bảng kiểm tra thị lực. Chị Linh đưa con đi kiểm tra lại mắt ở Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ khẳng định, con chị cận thị vẫn hoàn… cận thị.

Trường hợp “tiền mất tật mang” như gia đình chị Linh không phải cá biệt, bởi có rất nhiều bậc phụ huynh đóng tiền để tham gia khóa tập luyện chữa cận thị không cần mổ cũng "ngã ngửa" vì chứng bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị… của con không đỡ mà thậm chí còn mắc thêm các chứng bệnh về mắt khác hoặc mỏi mắt, nhức mắt, chảy nước mắt...

Đừng quá tin vào quảng cáo

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thời gian vừa qua, họ nhận được không ít câu hỏi của các bậc phụ huynh rằng, các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị… có thể phục hồi thị lực tự nhiên bằng tập luyện không? Câu trả lời là không vì các tật khúc xạ hình thành là do sự bất thường cấu trúc nhãn cầu như chiều dài nhãn cầu dài quá mức bình thường, bề mặt giác mạc không đều, cong dẹt quá mức bình thường, đục thể thủy tinh.

GS.TS Đỗ Như Hơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định sử dụng các biện pháp như mát-xa mắt, thiền, yoga hay bấm huyệt có thể chữa được cận thị.

Các bác sĩ khuyến cáo, thiếu thông tin cũng như sự chủ quan trong chăm sóc sức khỏe đôi mắt đã khiến nhiều bậc phụ huynh đưa con đến khám tại các cơ sở y tế thiếu chuyên khoa về tật khúc xạ bởi những người không có chuyên môn về nhãn khoa. Chính điều này đã càng làm hỏng đôi mắt con trẻ.

Theo phân tích của các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, ở các cơ sở đó, những người hướng dẫn tập luyện không có kiến thức chuyên môn về khúc xạ, đặc biệt lĩnh vực khúc xạ nhi khoa là một mảng rất khó ngay cả đối với các bác sĩ nhãn khoa.

Thêm nữa, mỗi loại tật khúc xạ đều có những cơ chế bệnh lý khác nhau nhưng lại được đánh đồng là giống nhau và cho tập các bài tập giống nhau đối với tất cả các loại tật khúc xạ. Những bệnh nhân chênh lệch khúc xạ, lác, nhược thị cần phải đeo kính để lập lại cân bằng thị giác thì lại bỏ kính ra để tập, sẽ khiến trẻ mất cân bằng thị giác hai mắt và sẽ quay lại tình trạng lác và nhược thị.

Những bệnh nhân cận thị cần đeo kính để nhìn rõ hơn và mắt có thể điều tiết bình thường, nhưng lại tháo kính ra để tập luyện sẽ khiến mắt dần buông lỏng chức năng điều tiết và độ cận thị sẽ tăng nhanh hơn.

“Để con có đôi mắt khỏe các bậc phụ huynh cần: Vệ sinh mắt thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng; Cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng/lần; Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, quả chín; bổ sung vitamin A, Omega thiết yếu để tăng sức đề kháng cho đôi mắt của trẻ; Khi ra ngoài, đội mũ, che khăn và đeo kính chống nắng để tránh tác động của các tác nhân gây hại cho đôi mắt của trẻ” - GS Đỗ Như Hơn đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.