Những ông thợ "bịp"

Những ông thợ "bịp"

(GD&TĐ) - Thời đại công nghệ hiện nay, ngay cả những gia đình nghèo cũng có một vài thiết bị điện tử, máy móc trong nhà, chí ít là cái ti vi, quạt điện… Không có đồ vật gì là vĩnh cửu. Dùng mãi thì phải hỏng. Nhà có điều kiện, với những thiết bị không đắt tiền, có khi hỏng hóc là thay thế mới luôn. Nhưng đa phần là mang sửa, dù ra thợ hay tự mày mò làm lấy. Có những câu chuyện bi hài trong sửa chữa đồ điện tử mà có lẽ chỉ cánh thợ mới biết với nhau…

Để tránh bị biến thành “gà”, người dùng nên đưa các thiết bị, máy móc bị hỏng vào các trung tâm sửa chữa, bảo hành có tên tuổi
Để tránh bị biến thành “gà”, người dùng nên đưa các thiết bị, máy móc bị hỏng vào các trung tâm sửa chữa, bảo hành có tên tuổi

“ Chú gà “ tự nguyện

Anh Thường ở khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể câu chuyện bị “bịp” cách đây chưa lâu: vốn ham thích âm nhạc nhưng lại không nhiều tiền, anh mày mò lên mạng mua sắm bộ âm thanh hàng bãi, tức là chỉ sử dụng điện áp 110v (trong khi hiệu điện thế nước ta là 220v); người nhà đến chơi không biết, cắm thẳng amply (thiết bị khuyết đại âm thanh) vào ổ điện mà không qua cục biến thế. Đương nhiên amply hỏng. Chưa có kinh nghiệm, anh Thường đành mang ra thợ sửa chữa trên phố Định Công. Hỏi sơ qua nguyên nhân (mà không mở ra kiểm tra), thợ “phán” cứ để máy đấy để sửa, lúc nào xong sẽ gọi điện qua lấy. Chiều hôm sau anh Thường đến lấy máy, được thông báo do cắm nhầm điện nên cháy tụ, hỏng sò…, phải quấn lại tụ và thay linh kiện hết hơn một triệu.

Mang máy về chưa lâu thì một người bạn đến chơi. Anh này không những có cùng sở thích âm nhạc mà còn khá am hiểu các thiết bị điện tử. Nghe nói amply của bạn phải đi sửa, anh mở ra xem qua và đưa ra kết luận làm anh Thường muốn ngã ngửa: “Ông bị bịp rồi, chẳng có quấn tụ hay thay sò gì sất; mấy hàng đời sau này cái nào chả có cầu chì; cắm nhầm điện áp là nó ngắt ngay, lên chợ Giời mua cái khác cắm vào, mấy chục nghìn”.

Cũng là “nạn nhân” của cánh thợ, chị Hoa (quận Long Biên, Hà Nội) lại mất tiền theo cách mà đáng ra không bao giờ gặp phải trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Số là chị mới sắm được một chiếc smartphones (điện thoại thông minh) của hãng Samsung, chạy hệ điều hành Android. Một lần để quên điện thoại ở nhà, đứa con lớn mang ra để nghịch nhưng không biết mã khoá mở điện thoại, quá 20 lần mở, điện thoại “tê liệt” không hoạt động. Chị Mai đành mang ra cửa hàng sửa chữa. Thợ sửa hỏi lại địa chỉ email và mật khẩu, sau đó kết nối điện thoại vào máy tính, hý hoáy rất lâu với giải thích phải bẻ khoá, chạy lại phần mềm, cố gắng can thiệp để giữ nguyên các giữ liệu đã lưu trên điện thoại. Hơn 20 phút sau, chị nhận lại máy với hoá đơn 500 ngàn đồng.

Hôm sau lên công ty, kể lại câu chuyện thì được một đồng nghiệp nam cho biết chị đã thành “gà” chính hiệu. Lẽ đơn giản, muốn mở thiết bị đã bị khoá bằng tài khoản gmail thì phải bật tín hiệu mạng cho điện thoại, bằng cách ấn giữ phím bật tắt nguồn của máy, màn hình sẽ hiện lên thanh công cụ với các danh mục: tắt nguồn, chế độ mạng dữ liệu, chế độ máy bay và chế độ khởi động lại; bấm vào chế độ mạng dữ liệu là thiết bị được kết nối mạng; sau đó nhập địa chỉ gmail, mật khẩu tài khoản là xong. Còn việc thợ sửa điện thoại cắm thiết bị vào máy tính, mày mò cài đặt chỉ là “xảo thuật” lừa người không biết mà thôi.

Anh Phương ở phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) kể lại câu chuyện đầu hè này, cây quạt điều khiển từ xa hiệu Mitsubishi nhà anh tự nhiên không hoạt động được, đèn tín hiệu cũng không sáng. Mang ra thợ kiểm tra, được biết chết tụ, tiền thay, công thợ (cả tra dầu và vệ sinh) mất tròn 600 ngàn (cây quạt trị giá 1.500.000 đồng). Thấy đắt, anh từ chối và mang quạt về nhờ người quen có kinh nghiệm về máy móc kiểm tra hộ. Hoá ra chỉ là đứt dây nguồn bên trong, chấm mỏ hàn lại là xong.

Nghìn cách “luộc” đồ

Là người ưa thích công nghệ lại có điều kiện, anh Hiểu (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) luôn tìm mua những thiết bị công nghệ mới nhất vừa xuất hiện trên thị trường, thậm chí có những loại chưa phổ biến ở thị trường trong nước. Bởi vậy mới xuất hiện “sự cố”. Câu chuyện cũng khá lâu nhưng giờ nhắc lại anh Hiểu vẫn bực mình.

Hồi đó anh nhờ người nhà ở nước ngoài mua giúp một chiếc laptop hiệu Dell gửi về. Dùng được một thời gian, anh truy cập vào mạng để nâng cấp phần mềm thì máy treo, cố can thiệp lại hệ điều hành thì máy tắt hẳn. Mang ra Lý Nam Đế (phố sửa chữa máy tính lớn nhất Hà Nội những năm 2004 – 2005) thì được biết phần mềm mà anh cài không đúng bản quyền nhà sản xuất, lại có sự can thiệp trái phép hệ điều hành nên khi vào mạng, tra đúng mã số thiết bị để nâng cấp thì nhà sản xuất nhận ra và vô hiệu hoá thiết bị anh đang dùng. Thợ cho biết để “bẻ khoá” và cài đặt lại phải mất mấy hôm nên đành để thiết bị lại.

Đến hơn tuần sau quay lại, thợ trả lời bất lực; nhưng khi trả lại máy thì thiếu pin, lý do “thất lạc chưa tìm thấy, sẽ trả sau”. Cả tháng sau, cửa hàng cũng không tìm thấy pin, lại đề nghị anh bán lại máy với giá rẻ. Anh Hiểu không đồng ý, cộng thêm sự bực tức nên tuyên bố “cho luôn” viên pin “thất lạc”, rồi mang máy về. Ít lâu sau anh gửi máy sang nước ngoài cho người nhà sửa giúp, mới biết bên trong máy đã bị thay ram (bộ nhớ trong), ổ cứng, ổ đĩa… Chiếc laptop trị giá gần 2000 USD (thời giá hồi đó) thành đồ bỏ đi, mà bắt đền cũng không được vì khi giao nhận máy với nơi sửa chữa, không hề có kiểm tra hay chứng nhận gì.

Cũng liên quan đến laptop, anh Trường ở phường Đại La (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết mới đầu năm 2013 thôi, chiếc laptop hiệu Sony Vaio của anh bị lỗi màn hình. Do đã hết hạn bảo hành của hãng nên anh mang ra phố Lê Thanh Nghị (con phố tập trung nhiều cửa hàng sửa chữa và mua bán thiết bị máy tính lớn nhất Hà Nội hiện nay). Kinh phí được báo là hết 900 ngàn, để máy lại mai lấy. Hôm sau quay lại, thợ lại bảo lỗi cả ổ cứng, chết ram…, nếu muốn thay phải hết hơn 3 triệu nữa. Anh không đồng ý, đòi lại máy (cũng chưa thay được màn hình) mang cho người bạn làm ở bộ phận phần mềm máy tính của hãng FPT xem giúp.

Người bạn vừa mở máy ra đã tá hoả thông báo ổ cứng và ram (những thiết bị quan trọng nhất của laptop) gắn trong máy đều là đời cũ, nghĩa là bị đánh tráo rồi, còn màn hình thực chất chỉ lỏng chân, cắm lại là xong.

Quay lại hàng sửa chữa để bắt đền thì thợ khẳng định không hề thay thế gì, hơn nữa bằng chứng cũng không có nên đành đuối lý mua đồ mới thay thế, hết hơn 2 triệu. “Không những mất tiền, thêm ức chế mà tiếc nhất các dữ liệu bên trong mất theo ổ cứng mà không bắt đền được ai” - Anh Trường bức xúc cho biết.n

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.