Những ông Tây không sợ phong ba bão táp

Những ông Tây không sợ phong ba bão táp

(GD&TĐ) - “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” - nói đến tiếng Việt là nghĩ đến khó! Tuy nhiên, có rất nhiều người nước ngoài đã chấp nhận đương đầu với bão táp để học Tiếng Việt. Họ là những người có tình yêu lớn đặc biệt dành cho Việt Nam.

Học tiếng Việt qua vỉa hè

Joe học tiếng Việt…từ các bác xe ôm
Joe học tiếng Việt…từ các bác xe ôm

Có lẽ không ai còn xa lạ với Joe, còn gọi là Dâu, một “chàng tây” đến từ Canada viết blog bằng tiếng Việt cực hay. Giọng văn hài hước cùng khả năng sử dụng tiếng lóng thuần thục và chuẩn xác, blog của Joe đã gây sốt cho cộng đồng mạng từ nhiều năm nay. 

Vào năm 2006, Joe viết blog bằng tiếng Việt với những bài hài hước, vui nhộn dưới góc nhìn của một người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam đã thu hút hàng triệu lượt truy cập. Joe nổi tiếng từ đó.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Việt của mình, Joe cho biết: Anh có hai quyển vở, một quyển chuyên ghi từ “xịn”, là những từ được học trong trường. Còn quyển kia là tập hợp những gì anh lượm lặt được từ bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí của cả các bác xe ôm, rồi cô chủ quán trà chanh vỉa hè.

“Học ở trường, nhiều thầy cô dạy hay lắm. Thêm vào đó, Joe còn học tiếng Việt qua bạn bè và nhất là học ở vỉa hè. Riêng vỉa hè Hà Nội thì có thể nói là một trường học tiếng Việt miễn phí hoàn hảo, từ chị bán hàng nước đến anh xe ôm đều tình nguyện, vui vẻ và hào phóng dạy tiếng Việt cho mình. Có lẽ không đâu trên thế giới có những con người nhiệt tình và thân thiện đến vậy”.

Joe gọi thời điểm đến Việt Nam và bắt đầu học tiếng Việt là "những ngày đầu tiên vụng dại”. Joe cho rằng, ở Việt Nam mà không nói được tiếng Việt, không ăn được thức ăn của người Việt Nam là “có tội”. Joe lân la học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi mà vẫn thấy "choáng" vì nó còn phong phú hơn... giá cả ngoài chợ, bởi mỗi lần đi chợ Joe thấy mỗi người, mỗi ngày bán mặt hàng ấy với một giá khác nhau. 

Tình yêu là động lực để học tiếng Việt

Kyo York hát tiếng Việt như một ca sĩ “xịn”
Kyo York hát tiếng Việt như một ca sĩ “xịn”

Còn Kyo York, chàng ca sĩ đang nổi đình đám trong giới showbiz đến Việt Nam từ năm 2009 trong một dự án dạy tiếng Anh. Kyo cho biết, quá trình dạy tiếng Anh ở Việt Nam là một trải nghiệm mới lạ, sâu sắc. Nhờ thời gian đứng lớp, anh nhận thấy nếu biết tiếng Việt sẽ tốt hơn, có thể hiểu về văn hóa và con người Việt Nam nhiều hơn. 

Trước kia, Kyo đã từng học tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha... nhưng đều bỏ cuộc giữa chừng. “Chỉ tiếng Việt là thứ duy nhất tôi quyết tâm làm và theo đến cùng. Tôi thấy tiếng Việt rất hay, với nhiều âm điệu biểu cảm. Có lẽ kiếp trước tôi đã là người Việt Nam nên tôi yêu quý đất nước này vô cùng”.

Kyo đã từng quen và yêu một cô gái Việt Nam. Tình yêu này càng giúp Kyo thêm động lực học tiếng Việt, thích thú lắng nghe những bài hát Việt và ngân nga theo các giai điệu đó dù chưa biết và chưa hiểu hết ý nghĩa.  

Tình yêu với âm nhạc Việt khởi nguồn vào một lần anh vô tình được nghe một ca khúc của Ngô Thụy Miên. Anh cảm thấy mê mẩn và tìm lời ca khúc, về nhà tự học theo. Không được đào tạo bài bản về thanh nhạc, anh chỉ tự mua các album về nghe, tự đánh dấu lời và hát theo. Cứ thế, sau một thời gian miệt mài luyện tập, Kyo hát được thành công một ca khúc Việt với lời ca rất chuẩn và giàu cảm xúc.

Nghe Kyo nói tiếng Việt, không ai nghĩ chàng trai “mắt xanh mũi lõ” chỉ mất hơn 1 năm để học thành công môn ngoại ngữ “siêu khó” này. Kyo chia sẻ về bí quyết học tiếng Việt: Đừng sợ người ta cười khi mình nói sai. Nếu cứ ngượng ngùng, không chịu giao tiếp thì mãi mãi không học được ngoại ngữ. Cứ thật thoải mái và đừng ngại gì cả.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.