(GD&TĐ) - Gần 40 học sinh của Đăk Nông và Hà Nội đã hào hứng tập dượt trở thành nhà nghiên cứu thông qua trại hè trải nghiệm thực tế được tổ chức bới Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ một dự án. Báo cáo sản phẩm của mình tại lễ tổng kết diễn ra ở Trường tư thục Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), các em đã thể hiện nhiều kỹ năng nghiên cứu cần thiết trong quá trình thực hiện một dự án và năng lực trình bày vấn đề trước công chúng, nhận thức rõ hơn quyền và trách nhiệm công dân tương lai của mình.
8 dự án tức 8 vấn đề đã được thực hiện ở 2 trại hè: Khuôn viên chùa Láng, Môi trường sông Tô Lịch, Giao thông phố Chùa Láng, Rác thải xung quanh trường Nguyễn Văn Huyên, Thổ cẩm Mơ nông, Rượu cần Mơ Nông, Cà phê Đăk Song, Rừng thông Đăk N’DRung. Từ nghiên cứu thực trạng, rất nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc đã được đặt ra trong các dự án trên. Và cũng thông qua công việc này, nhiều vấn đề về hiện thực hóa quyền thông tin của trẻ em đã được đặt ra trong một hướng tiếp cận mới và thiết thực, làm sao để các em có thể thu thập được thông tin phù hợp từ các nguồn khác nhau, có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, được lắng nghe và được tôn trọng.
TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Dự án mà chúng tôi đang tiến hành có tên gọi “Tăng cường năng lực tiếp cận và phản ánh thông tin nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thông qua hoạt động dự án ở Đăk Nông và Hà Nội”. Dự án này đề cập đến việc trả lời cho các câu hỏi: Trẻ em được quyền nghe gì và được quyền nói gì? Các em cần có kỹ năng gì để thực hiện quyền của mình? Qua các bài tập thực hành được gọi là “dự án”, các em tham gia trại hè được tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng trong đời sống, cũng là một cách các em nạp thêm năng lượng tri thức cho mình. Mỗi cá nhân đều có cơ hội để phát huy đến mức cao các ý tưởng sáng tạo, phương pháp làm việc khoa học, kỹ năng trình bày các sản phẩm học tập với cộng đồng. Bằng việc làm này, như một nhà nghiên cứu tí hon, các em tự tin hơn vào bản thân và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Quả thật, xem các sản phẩm của các em đã làm được qua trại hè 5 ngày tại Đăk Nông và Hà Nội, và đặc biệt là nghe các em trình bày sản phẩm của mình, thì chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục, và cảm nhận những mục tiêu mà Dự án đặt ra cho các em đã được các em thực hiện rất tốt trong trại hè này. Sản phẩm không chỉ là các powerpoint với sơ đồ tư duy diễn tả nội dung dự án, con đường tiếp cận các thông tin và ảnh minh họa, sổ lưu niệm của mỗi nhóm để các em tự giới thiệu về mình…, mà còn là những tiểu phẩm do chính các em sáng tác và biểu diễn với sự hỗ trợ của giáo viên và tình nguyện viên. Các em học sinh Hà Nội với sự năng động, tự tin sẵn có mà lại trên “sân nhà” thì người nghe và xem “tâm phục khẩu phục” đã đành, nhưng các “vị khách” đến từ Đăk Nông cũng gây bất ngờ không kém. Các em có thể ít hoạt khẩu hơn các bạn Hà Nội, nhưng các kỹ năng hoạt động tập thể khác thì lại rất nổi trội, nhất là múa hát. Tiết mục của em gái Nguyễn Thị Kiều Như đến từ Trường THCS Lý Thường Kiệt, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông đã lôi cuốn nhiều bạn học sinh cũng như giáo viên của cả Đăk Nông và Hà Nội “nhảy” lên sân khấu mà bắt chước các động tác múa điêu luyện đầy bản sắc Mơ Nông của em.
Có lẽ sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến những hệ quả khác từ hoạt động trại hè này. Đó không chỉ là cơ hội để các em khám phá 8 vấn đề mà tự các em lựa chọn, mà còn là dịp để Hà Nội và Đăk Nông khám phá vùng đất mới lạ với mình. Em Thị Pha, HS lớp 8 Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Đăk N’DRung, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông nói: Em lần đầu tiên biết Hà Nội với chùa Láng, Lăng Bác, siêu thị, sông Tô Lịch, cũng lần đầu tiên có được những bạn bè Hà Nội rất yêu quý em và thân thiết với em. Em cũng được đến nhà bạn chơi, được bố mẹ các bạn tiếp đón nhiệt tình. Em lại còn được dạy các bạn Hà Nội nói tiếng Mơ Nông nữa, các bạn thích lắm, cứ sáng nói, tối lại nói…Hôm ra Hà Nội, vì ban đêm nên em không chụp ảnh được, còn hôm nay về Đăk Nông, dứt khoát em sẽ chụp ảnh với máy bay để kỷ niệm lần đầu được bay trên trời.
Quả là trại hè với các dự án trải nghiệm như thế này có nhiều cái được, song tựu trung thì cái được bao trùm, đó là các em học sinh ở lứa tuổi THCS có cơ hội để nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm công dân tương lai của mình về các vấn đề xã hội. Tưởng như quá xa vời với lứa tuổi các em nhưng thực chất thu hút được sự quan tâm và thích thú của các em, tức là đã đáp ứng được nhu cầu của các em. Mong sao những trại hè như thế này được tổ chức nhiều hơn nữa, để có nhiều học sinh ở các vùng miền khác nhau được trải nghiệm.
Nguyễn Thị Trâm