Những người thầy tiên phong đổi mới

GD&TĐ - Các nhà giáo đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để có giờ dạy hiệu quả, bổ ích, thiết thực với học trò, lan tỏa sự sáng tạo tới đồng nghiệp.

Cô Phạm Thị Thu Hằng - Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định). Ảnh: TG
Cô Phạm Thị Thu Hằng - Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định). Ảnh: TG

Cô giáo tiếng Anh tâm huyết, sáng tạo

Cô Phạm Thị Thu Hằng - Trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định (Nam Định) đến với nghề giáo khá đặc biệt. Cô kể: “Từ nhỏ, tôi ước mơ trở thành bác sĩ và dồn sức học tổ hợp Toán, Hóa học, Sinh học. Thế nhưng, khi chuẩn bị nộp hồ sơ thi đại học, tôi lại quyết định chuyển sang khối D (Toán, Văn, Tiếng Anh) để vào ngành Sư phạm”.

Năm 1998, cô bắt đầu hành trình dạy chữ, rèn người. 25 năm theo nghề, cô Hằng luôn trăn trở tìm cách khơi gợi tình yêu học tập cho học sinh. Ngoài giờ học, cô gần gũi, trao đổi trò chuyện với các em như những người bạn chứ không tạo khoảng cách giữa giáo viên với học sinh nhằm thấu hiểu tâm tư. Cô luôn nhìn vào ưu điểm để động viên, khích lệ các em phát huy thế mạnh. Những điều học sinh chưa đạt được, cô nhắc nhở chân tình, nhẹ nhàng, thậm chí gặp gỡ riêng sau giờ học để chỉ cho các em thấy nhược điểm và cách khắc phục.

“Để tổ chức các hoạt động dạy và học trên lớp đạt hiệu quả, tôi kết hợp giữa sử dụng sách mềm, trình chiếu PowerPoint với khai thác ứng dụng của tivi thông minh và các trang web hữu dụng trên Internet. Vì thế, kiến thức truyền đạt tới học sinh luôn sinh động, đa dạng, mới mẻ, kích thích sự hứng thú của mỗi em trong giờ học”, cô Phạm Thị Thu Hằng trao đổi.

Tùy theo mục đích bài dạy, cô Hằng phân công nhiệm vụ cho học sinh theo nhóm hoặc cá nhân phù hợp năng lực và đặc điểm. Cô có thể gợi ý, cung cấp học liệu, đường link hoặc một số trang web hữu ích và yêu cầu các em nghiên cứu, tìm ra hướng giải quyết để hoàn thành nhiệm vụ được giao rồi báo cáo kết quả đúng thời gian quy định.

Trong quá trình thực hiện, học sinh ghi lại hình ảnh cá nhân hoặc nhóm để báo cáo cùng kết quả. Điều này giúp cô kiểm soát được việc thực hiện nhiệm vụ học tập của các em ở nhà chặt chẽ hơn. Học sinh cũng được làm chủ quá trình khám phá kiến thức mới, phối hợp hỗ trợ nhau làm việc dưới sự giám sát điều hành của giáo viên; từ đó dần hình thành tính tự giác, tự lập, tự tin và thói quen tự học, nghiên cứu. Đó là những kỹ năng rất cần trong cuộc sống sau này.

Cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) đánh giá, với vai trò Tổ phó chuyên môn, cô Phạm Thị Thu Hằng luôn tâm huyết, trách nhiệm và tham gia nhiều hoạt động của trường. Cô cũng tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Anh đạt kết quả cao và được cấp trên ghi nhận. Cô Hằng được bình chọn là một trong các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc năm 2023 và được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dịp 20/11 vừa qua.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Lan tỏa tinh thần đổi mới

Là một trong những thành viên tích cực của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đồng thời là chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft. Từ hiểu biết của mình, cô Dung và các thành viên lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy tới nhiều giáo viên, trường học trên cả nước.

Cô Dung đã xây dựng thành công “Mô hình trường học online” trong việc ứng dụng phần mềm Office 365 và lan tỏa tới nhiều trường học. Không chỉ vậy, cô tích cực nghiên cứu và áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số trong giáo dục. Toàn bộ hồ sơ sổ sách của trường được đưa lên không gian số để tiện quản lý. Điều này vừa đảm bảo tính khoa học, liên thông và góp phần giảm tải thời gian, công sức của thầy cô trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cô Nguyễn Thị Giang - Trường THCS Vân Canh chia sẻ: “Hành trình khai thác và lan tỏa ứng dụng công nghệ thông tin cùng những ý tưởng sáng tạo vào hoạt động dạy học, quản lý của cô Dung đã mang đến những bài học hữu ích với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cô phát động nhiều hoạt động, phong trào, cuộc thi để phát huy sự sáng tạo của học trò nên được phụ huynh và học sinh quý mến”.

Với quan điểm “sẻ chia là hạnh phúc”, cô Kim Dung tham gia vào nhiều hội nhóm liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cô còn là đồng tác giả Dự án “Đọc sách cho ngày hôm nay, trở thành người dẫn đầu trong tương lai” nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tạo thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh. Dự án đoạt giải Nhất vòng chung kết cấp quốc gia Diễn đàn đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 - 2023.

Cô Dung tâm sự, những điều bạn đọc được từ nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách sau này. Sách là phương tiện để khám phá khả năng tiềm ẩn và đánh giá sự phát triển của bản thân theo thời gian. Tri thức là gốc rễ tạo nên sự khác biệt giữa người thành công và số đông còn lại. Học sinh có thể nuôi dưỡng ước mơ của mình qua những câu chuyện ẩn chứa trong mỗi cuốn sách.

Nữ nhà giáo bộc bạch, những gì bản thân và các đồng nghiệp đang làm đều hướng tới mục đích cuối cùng là dành cho học sinh. Hành trình đọc sách là một trong những hoạt động ý nghĩa thiết thực để bồi đắp cho các em thói quen tốt. Không chỉ là hoạt động trực tuyến, nhà trường còn mời diễn giả chia sẻ trực tiếp với học sinh về sách, giúp các em tăng tình yêu với sách từ bài học về giá trị sống.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung tâm đắc với câu nói: “Hạnh phúc giữ trong tay chỉ là hạt, hạnh phúc san sẻ mới nở hoa”. Do đó, san sẻ niềm vui đến với đồng nghiệp và học sinh vùng sâu, xa chính là hạnh phúc. Với tấm lòng nhân ái cùng nỗ lực trong dạy tốt - học tốt, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục, cô Dung được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 2022; “Người tốt việc tốt” năm 2023 và nhiều phần thưởng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ