(GD&TĐ) - Chuyện hai thủy điện mini (công suất 75KW/h) ở 2 xã A Xan và Gary (Tây Giang, Quảng Nam) được đưa vào hoạt động là “bước ngoặt lịch sử” của Tây Giang nói chung và vùng biên giới khu 7 nói riêng. Ở nơi gian lao ấy, những nhân viên, cán bộ kỹ thuật của hai trạm thủy điện vẫn miệt mài đem ánh sáng cho vùng rừng núi xa xôi mù mịt.
Nơi điện là tất cả
Trạm thủy điện A Xan |
Một thời, nhắc đến khu 7 là nhắc đến một nơi lạc hậu, thiếu thốn: Không điện, không đường, dân cư trống huơ, xa lắc xa lơ… Cái tên đất “khu 7” có từ thời kháng Mỹ cùng với những cái tên khu 6, khu 5… Khi chiến tranh qua đi, những tên khu khác đã không còn nhắc đến, nhưng cái tên khu 7 vẫn là từ cửa miệng khi nhắc về 4 xã Tr"Hy, A Xan, Ch’Ơm, Gary; cũng bởi sự cách trở, khốn khó của vùng đất này:
Đến khi tách huyện năm 2003, Tây Giang “trắng” điện. Với việc đưa vào sử dụng thủy điện mini ở hai xã A Xan và Gary vào tháng 9/2011, từ 10/10 xã “trắng” điện. Đến nay Tây Giang đã có 8 xã với 2.700 hộ có điện, đạt tỷ lệ 71,2% số hộ của huyện.
Từ trung tâm huyện Tây Giang, băng đoạn đường hơn 30 cây số với bùn lầy nhão nhoẹt, mới tới được trạm thủy điện Axan. Trạm nằm ở một nơi heo hút, không bóng nhà dân, chỉ nghe lâm thâm tiếng mưa rừng. “Trời mưa như ri, từ chỗ trạm muốn đi tới bản gần nhất là phải lội bộ 1 tiếng đồng hồ đấy.” - Anh Cơ Lâu Nhí (27 tuổi), tổ trưởng tổ điện Axan, nói.
Theo cơ cấu của Trung tâm phát triển quỹ đất Tây Giang – Đơn vị quản lý trực tiếp 2 trạm ở khu 7, thì mỗi trạm thủy điện có 7 nhân viên; trong số này, có 3 người Cơ Tu, 4 người Kinh. “Mình là người địa phương nên làm ở đây cũng không có vấn đề gì. Chỉ có lo cho anh em dưới xuôi lên đây làm việc thôi. Ở cái chỗ biệt lập ni, chúng mình coi nhau như anh em chứ không chỉ đơn thuần quan hệ trên công việc” - Cơ Lâu Nhí bộc bạch.
Họ đang sống và làm việc ở một nơi mà sự liên lạc với “thế giới bên ngoài” chỉ duy nhất là cái ti vi. Miếng ăn hàng ngày đều phải tự cung tự cấp. Ở khu đất đồi xung quanh trạm thủy điện, họ đào ao để nuôi cá, trồng rau để ăn, mỗi lần về quê hiếm hoi là chở theo một bao gạo to đùng.
“Anh thấy đó. Có chiếc xe bán hàng dạo mô dám lọt tới tận đây mô. Bởi rứa, phải tự túc trong mọi chuyện sinh hoạt, từ cọng rau, bát gạo, bình kem, cục xà phòng… Bất quá, không còn gì để dùng, phải băng rừng đến mấy cây số tới trung tâm xã mua. Mệt rã rời” - Anh Nguyễn Thành Đạt (sinh năm 1988), nhân viên thủy điện Axan nói.
Quê ở xã Điện Hồng (Điện Bàn), anh Đạt lên đây làm việc đã một năm. Anh tâm sự: “Hồi trước mình học ở một trường trung cấp Đà Nẵng. Mình không thể tưởng tượng nổi bây chừ mình lại làm việc ở cái nơi thăm thẳm núi rừng như ri. Không sóng điện thoại, không một bóng người” – “Thế có muốn chuyển ngành không?” - “Một năm làm việc, thấy quen rồi. Ở đây thôi. Không chuyển đâu” – Đạt trả lời.
Rồi kể, khi mới lên đây làm việc, cảnh sống quá lạ lẫm, tính bỏ về. Nhưng các anh em Cơ Tu cùng làm việc, cũng như bà con ở đây sống quá tình cảm đã làm cho Đạt thấy được mình không cô độc ở cái nơi heo hút này... Không những thế, anh em trong trạm rất vui sướng khi thấy mình là những người trực tiếp đem cái điện đến những bản làng Cơ Tu.
Anh Jơ Râm Chiêng (sinh năm 1987), cũng là nhân viên trạm thủy điện Axan, nói: “Hồi trước làng mình không có điện, chừ chính mình lại vận hành cái máy làm ra điện thắp sáng cho dân làng. Mình vui lắm” Anh Phạm Tuấn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Lý Tự Trọng (Trường THCS của 4 xã khu 7), - nhớ lại cái thời chưa có điện: “Mình lên đây dạy học đã được 8 năm. Chưa có điện, đèn dầu thắp tù mù, biết bao khốn khó. Có điện, giáo viên thấy sống khá hơn, có vi tính, có tivi tiếp sóng parapol… Người trong bản coi những anh em làm ra điện như những con người thần kỳ”.
Ông Bríu Liếc – Bí thư huyện uỷ Tây Giang đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các cán bộ, nhân viên của trạm thủy điện AXan |
Tìm hạnh phúc trong gian khó
Đến nay, từ thôn A Rầng 1- 2 - 3, thôn A Grí, Ka Noon 1 - 2 - 3, thôn Ga Nil, toàn xã AXan với 8 thôn đều có điện thắp sáng. Dọc đường biên giới đã qua, chúng tôi đều thấy người dân mừng vui chuyện điện đã về. Từ thủy điện A Xan, lại băng rừng qua 15 cây số tới Ch’Ơm, rồi lại băng 20 cây số dọc theo biên giới mới tới được xã Gary.
Trời mưa, đoạn đường lầy khủng khiếp. Tới trung tâm xã Gary, lại phải băng qua một đoạn đường suối và leo một quả đồi mới tới được trạm thủy điện Gary. Thủy điện Axan còn nằm bên đường, còn thủy điện Gary thì phải men theo một khe suối tận ngách sâu, mỏi rã mỏi rời, mới thấy thấm thía hai từ khu 7.
Công việc thường ngày của các cán bộ kỹ thuật, nhân viên hai trạm thủy điện AXan và Gary |
Chiều ấy ở trạm, một số nhân viên đã băng mưa lên tận đầu nguồn để kiểm tra rác rưởi mắc vào tuabin, số nhân viên chuẩn bị cho bữa ăn tối đạm bạc. Các nhân viên còn lại giới thiệu cho chúng tôi công việc thường ngày của họ.
Cũng như thủy điện Axan, thủy điện Gary chỉ phát điện từ 6 - 22 giờ vì sợ ban đêm xảy ra sự cố thì các nhân viên không thể kịp thời ứng cứu. Mỗi tháng, họ chia nhau mỗi người lội bộ từng thôn bản để thu tiền điện. Mỗi ngày, họ thay ca, vận hành máy, xả nước, tắt nguồn… cứ tới chiều tối, các anh em ở trạm từ nhà máy đi bộ cũng hơn 1 km đường rừng lên đồi mương dẫn để cắt nước, tắt nguồn.
Nếu xảy sự cố gì, thì dù là 2 – 3h sáng anh phải băng rừng để khắc phục. Sợ nhất là lũ về, phải cử người canh chừng, túc trực ngày đêm trên đồi; điện cúp, rác đầu nguồn tràn về thân đập là nguy. Bởi vậy, theo ca, phải phân công hai anh em trực trên đầu đập.
“Anh hãy tưởng tượng cái cảnh trời lũ mà chỉ có hai người cứ ngồi ru rú trên đồi. Lạnh thấu da xương. Lo lắng cho quê dưới xuôi, mà lương thực chỗ mình cũng cạn” – Anh Trương Văn Hiệp, Trạm trưởng trạm thủy điện Gary, nói.
Anh Hiệp sinh năm 1985, quê ở Thăng Bình, lên đây làm việc đã hơn một năm, kể từ khi thủy điện vận hành. “Khi học ở Trường Trung cấp điện lực Hội An mình không tưởng tượng được cảnh sẽ lên đây sống cái cảnh heo hút núi rừng không một bóng người như thế này” - Anh nói.
Nhưng khi chúng tôi hỏi vậy anh có muốn chuyển về đồng bằng không, anh lại dứt khoát: “Không”. - “Anh có người yêu chưa?” – “Trời ạ. Yêu gì. Vì tính chất công việc, phải túc trực để đề phòng sự cố. Năm về chừng 4 lần. Kiếm đâu ra người yêu” – Anh cười.
Họ đang sống ở một nơi mà cái điện thoại chỉ dùng nghe nhạc. Khi muốn điện thoại gấp cho người thân thì phải lội bộ đoạn đường đồi dài hơn 1 km để tới chỗ có sóng; trời nắng thì lội 15 phút, trời mưa thì lội bộ cả tiếng đồng hồ.
Niềm vui duy nhất của họ là cái tivi và hạnh phúc của họ là được đem ánh sáng đến cho bà con trong từng thôn bản. Ông Riáh Ka - Chủ tịch xã Gary - nói: “Toàn bộ xã Gary với sáu thôn G lâu, A Roi, A Ting, Pứt, A Po, Chi Co chừ đã có điện hết rồi. Thật sự chúng tôi cũng không ngờ dân mình lại có điện. Chúng tôi cảm ơn thuỷ điện, cảm ơn các đồng chí ở trạm rất nhiều”.
Trong khi hàng loạt thủy điện lớn nảy sinh nhiều hệ lụy thì hai thủy điện mini “không đụng hàng” này giúp người dân được hưởng lợi ích. Người Cơ Tu khu 7 giờ đã biết đến cái tivi, cái vi tính. Điện giúp cho bà con không tách biệt với thế giới bên ngoài, cho an ninh miền biên giới được củng cố.
14 cán bộ kỹ thuật được điều chuyển phục vụ cho công tác giám sát, vận hành, xử lý các sự cố ở hai trạm thuỷ điện này còn rất trẻ, người cao tuổi nhất sinh năm 1985. Họ đang âm thầm thắp sáng miền biên viễn. Tuổi còn trẻ mà sống ở nơi xa xôi, gian khó còn dài, nhưng với hạnh phúc được thắp sáng từng thôn bản, họ sẽ vượt qua…
Thủy điện A Xan và Gary được xây dựng theo Dự án “Phát triển năng lượng nông thôn Việt Nam” do chính phủ Thụy Điển tài trợ, Bộ Công Thương chủ trì triển khai trên toàn quốc và nguồn vốn được cấp thông qua tổ chức SIDA – Thụy Điển. Hai công trình này do Ban quản lý các dự án công nghiệp – Sở Công Thương Quảng Nam làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí mỗi công trình là gần 15 tỷ đồng, trong đó dự án hỗ trợ 11 tỷ, còn lại ngân sách đối ứng của tỉnh. Đến ngày 15/9/2011, hai công trình thủy điện chính thức đưa vào vận hành. Theo thiết kế, mỗi thủy điện sẽ cung cấp điện đủ cho một xã. Bí thư Huyện ủy Tây Giang, ông Bríu Liếc, nói: “Không có 2 thủy điện mini này thì không biết bao giờ Gary, Axan mới có điện”. Như vậy, Tây Giang còn hai xã chưa có điện lưới, đó là xã TrHy và xã Ch’Ơm ở khu 7. Huyện rất cần sự quan tâm của các cấp ngành để đưa điện về hai xã biên giới này. |
Mai Thành Dũng