Không thờ ơ và trở thành vô cảm
“Có hôm, đi bộ ngoài đường thầy được một bạn làm xe ôm chào và nói rằng, ngoài giờ học em chạy Grab. Thầy cảm phục và rất tôn trọng các em, và còn nhiều điều nữa… Các em đã cho thầy nhiều bài học giá trị của cuộc đời”– GS.TS Nguyễn Văn Minh kể lại.
Điều mà GS Nguyễn Văn Minh đau đáu, điều trăn trở, có khi đau xót là về lẽ sống, yêu thương, sự biết ơn và về những điều dường như ta đang vô tình dần đánh mất. “Có thể thầy chưa đúng hết, cũng có thể cuộc sống chuyển động quá nhanh, cũng có thể vòng xoáy của cuộc đời cuốn ta vào cuộc, rồi ta không còn thời gian dành cho những điều tưởng chừng bé nhỏ nhưng rất đỗi đáng yêu” - GS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trăn trở: Có xót xa không khi có học sinh phải chịu đựng trong cô đơn và đơn độc giã biệt cuộc đời? Có đau đớn không khi con cái trưởng thành rồi chỉ biết sống cho riêng mình, mặc cho mẹ cha trong cảnh cùng khốn khó?
Có đáng suy ngẫm không khi ai đó dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một con người tử tế? Lẽ nào thiếu vắng đến thế chăng?
Và lẽ nào chúng ta bình tâm khi những đồng nghiệp hằng ngày đi qua những cung đường hiểm trở, đánh cược cuộc đời vì những trẻ thơ? Và chúng ta nghĩ gì, khi những đứa trẻ chen nhau trong những mái tôn ngày hè oi bức, đường đến trường với bước chân trần? Có nặng lòng không khi trẻ đến trường như một sự sợ hãi, lo âu?...
GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ, xin đừng lý luận đó là cá biệt, mà hãy nhớ rằng, mỗi con người là một thế giới để yêu thương và phải được yêu thương. Hãy nhớ rằng, giáo dục là để mỗi người được lớn lên theo những gì họ có và làm một việc tốt như là lẽ tự nhiên của mỗi con người, chứ không phải là chờ người ta quay phim, chụp ảnh, chờ người ta biểu dương, khen thưởng. “Hãy nhớ rằng, cháy rừng có thể chỉ bắt đầu bằng một đốm lửa nhỏ nhoi…” – GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.
Các tân cử nhân trong ngày nhận bằng tốt nghiệp - sáng 9/6. |
Lan tỏa sự tử tế
Thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo thì khó biết nhường nào.
GS.TS Nguyễn Văn Minh.
Nhắn gửi các tân cử nhân đi đến tận cùng của cuộc sống, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm mong muốn các giáo viên tương lai chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người, để không thờ ơ và trở thành vô cảm, để những gì chân chính trội lên. Thấu hiểu không phải để rồi bi lụy mà để nhen nhóm dần cái tốt đẹp bằng việc mình làm và đừng bao giờ để con tim mình nguội lạnh.
Gửi lời tri ân sâu sắc đến đấng sinh thành của các tân cử nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ, dù mẹ cha, có khi không phải ai cũng được học hành đến nơi đến chốn nhưng đức hi sinh và cái tâm của họ thì đáng trân trọng.
Không phải học thật cao mới trở thành người tử tế. Các em hãy trân quý, nâng niu những bàn tay thô ráp, những lời nói vụng về và thật thà như đất, những lam lũ vì con mà chẳng biết nói thành lời.
Đằng sau thành công dù nhỏ bé của mỗi con người là mồ hôi, nước mắt và nhọc nhằn của cha, của mẹ. Hãy biết ơn mẹ cha thì mới ân nghĩa với cuộc đời này được.
“Những căn cốt tốt đẹp vốn có trong các em đã cho bà con từ thị thành đến miền biên ải, cho thầy cô cũng như cá nhân thầy có niềm tin về các em khi rời xa mái trường này và chắc chắn sẽ là người tử tế và gieo mầm, lan tỏa sự tử tế đến với muôn người” – GS.TS Nguyễn Văn Minh bộc bạch.
GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học năm 2023. |
Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa
Trọng trách của những người làm giáo dục là đồng hành để thay đổi tốt hơn đến mỗi con người, đến từng số phận.
GS.TS Nguyễn Văn Minh.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng ta không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ. Nếu không ta mãi mãi đi sau, nhưng xin nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định.
Trước hết, dạy cho trẻ cách ứng xử trong môi trường số sao cho đúng mức và văn minh trước khi dạy các em làm những điều cao siêu hơn thế. Đừng để tiến bộ của công nghệ trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh trong mỗi gia đình và trong hoảng loạn của mỗi con người.
Các em hãy là người bảo vệ tuổi thơ cho trẻ. Đừng để việc học đánh mất sự ngây thơ của trẻ. Các em nhắn với phụ huynh rằng, tuổi thơ là tuổi thần tiên. Hãy hỏi trẻ đi học có vui không thay vì hỏi hôm nay con được bao nhiêu điểm?
Đừng để trẻ con mơ ước chúng trở thành chiếc điện thoại thông minh vì cha mẹ chúng dành nhiều thời gian cho màn hình điện thoại hơn dành cho chúng.
Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai. Đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ là có tội. Nguyên sơ là gốc thánh thiện của con người.
Hãy gạt bỏ tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc mà luôn nhớ rằng, giáo dục trẻ để chúng biết yêu thương, quan tâm, sẻ chia với những người gần gũi. Nhắn với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái mình “chín ép” và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình.
Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa chứ không phải bắt đầu bằng trừng phạt, hành hình. Cảm hóa bắt đầu bằng tình yêu thương và tha thứ; bằng những thấu hiểu để chạm đến con tim, để khơi lên gốc sâu của lòng trắc ẩn. Một cái nắm tay khi người ta bất lực hơn vạn lần những buổi liên hoan.
GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, mai này ra đời, thu nhập của các em vẫn còn khiêm tốn, vẫn phải lo cái ăn, cái mặc, phải chạy vạy sớm hôm. Ai cũng biết, khi người thầy sống trong điều kiện thiếu thốn giữa một môi trường có mức sống trung bình cao hơn thì làm sao mà toàn tâm toàn ý cho công việc của mình.
Nhưng ngày một, ngày hai cũng khó lòng có được. Chúng ta mong rằng, thay vì rầm rộ tuyên dương, thay vì những lời ngợi ca cao quý, hãy có những quyết sách sát sườn với nhà giáo để họ dành hết tâm sức cho công việc mà họ đau đáu cả đời.
Ngày mai các em ra với cuộc đời. Đừng bao giờ ảo tưởng đó là nơi của bình yên, là nơi thỏa sức để mình làm tất cả. Nơi đó có những điều tốt đẹp, nhưng nơi đó cũng có những đố kỵ, nhỏ nhen.
Nơi đó cũng không thiếu những gì cạm bẫy, nhưng đó là cuộc sống, không ai chạy trốn được mà hãy đối diện với nó. Chỉ làm việc tốt thì mới đẩy lùi cái xấu, chứ không thể lập tức xóa đi cái xấu.
Nơi đó cần bản lĩnh, cần kiên trì và cần cả thời gian. “Thầy tin các em, những sinh viên của thầy, những người có ý chí, có tình cảm và trách nhiệm sẽ sẵn sàng dấn thân và làm được” – GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.