Những người đàn bà cõng trăng trên đỉnh Cô-San

GD&TĐ - Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương sinh năm 1988, dân tộc Dao, hội viên Hội Nhà văn Việt nam. Anh là một trong số những nhà thơ trẻ hiếm hoi viết về dân tộc mình với một bản sắc riêng, rất giầu tính biểu cảm.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Lưng cong

cong lưỡi liềm

môi cong

cong lưỡi liềm

những người đàn bà quấn chân xà cạp

cõng trăng lên đỉnh trời

Trăng đựng trong ống bương

trăng nằm nghiêng lưng váy áo

trăng vỡ òa mồ hôi

giọt sóng sánh...

bồng bềnh...

bung biêng...

chao nghiêng tóc gió

Loài thú động tình, mắt sáng lân tinh

liếm từng giọt trời rơi vãi

mùa nhọc nhằn lùi sâu

thăm thẳm...

Người đàn bà xà cạp quấn chân

ụp cả vầng trăng vào lu nước

trăng lăn tăn

cười

sau đôi mắt

những người đàn bà

đang duỗi dài chân trước cửa...

... gà rừng gáy sâu thăm thẳm

trăng hạn đói rang sấp ngửa nền trời.

Lý Hữu Lương

Lời bình của Đặng Toán

Bài thơ “Những người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô-San” cũng chính là nhan đề cho tập thơ cùng tên được anh xuất bản năm 2013.

Không gian thơ được mở ra với khung cảnh một đêm trăng nơi vùng cao biên viễn. Không phải đêm trăng của hội mùa thôn bản, của hẹn hò đôi lứa, mà là đêm trăng của lao động, của “những người đàn bà quấn chân xà cạp/cõng trăng lên đỉnh trời”.

Một loạt hình ảnh: “Trăng đựng trong ống bương/trăng nằm nghiêng lưng váy áo/trăng vỡ òa mồ hôi.../ Trăng hạn đói rang sấp ngửa nền trời” với chữ “trăng” được điệp đi điệp lại. Thoạt đầu tạo cảm giác thi sỹ đang muốn miêu tả cái mênh mang, cái bát ngát, ngập tràn của ánh trăng biên ải.

Nhưng thực ra tác giả đã khéo léo và kín đáo chỉ cho người đọc thấy được sự lam lũ, cực nhọc của người dân miền núi nói chung, của người phụ nữ vùng núi cao nói riêng là vô vàn, là chất chồng tưởng có thể đè bẹp con người ta bất cứ lúc nào nếu chỉ cần một phút giây nhụt chí.

Đến đây, người đọc chắc cũng hình dung khá rõ nét hình ảnh những người phụ nữ dân tộc “quấn chân xà cạp” bặm môi, còng lưng dò dẫm cõng từng bương nước từ dưới suối lên tận “đỉnh trời”, nơi có những nếp nhà sàn chênh vênh bên sườn núi để duy trì cuộc sống vốn vẫn còn rất nhiều khó khăn của gia đình, làng bản mình.

Có thể nói, đây là một trong rất nhiều công việc rất vất vả, không chỉ đòi hỏi tính chịu thương chịu khó, lòng nhẫn nại mà còn cần phải có sức khỏe cũng như sự dẻo dai. Điều này có lẽ chỉ những người đàn bà miền núi mới có thể đáp ứng được. Và bởi vậy chúng ta càng thêm cảm phục nghị lực, cũng như sức sống mãnh liệt của họ.

Hình ảnh “ụp cả vầng trăng vào lu nước” vừa quen lại vừa lạ. Trong ca dao (mà thực chất là trong thơ của nhà thơ Bàng Bá Lân) ta đã từng bắt gặp những “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” dẫu có hơi buồn man mác song vẫn còn chút gì đó ngọt ngào.

Thì ở trong thơ Lý Hữu Lương người phụ nữ miền núi lại được khắc họa trọn vẹn vẻ đẹp khỏe khoắn, hoang dã của núi rừng với nét đượm buồn rất đặc trưng của đàn bà vùng cao. Động từ “ụp” vừa chân thực vừa rất gợi và có lẽ chỉ Lý Hữu Lương mới có cách dùng từ độc đáo và chuẩn xác như thế.

Phải có sự quan sát tinh tế cộng với tình cảm yêu thương dân tộc mình sâu nặng, tác giả mới miêu tả được hết sức chân thực, sống động mà vẫn không mất đi vẻ hồn nhiên hoang dã về cuộc sống sinh hoạt cũng như con người vùng cao như vậy.

Hình ảnh ẩn dụ “Loài thú động tình, mắt sáng lân tinh/liếm từng giọt trời rơi vãi/mùa nhọc nhằn lùi sâu/thăm thẳm...”  có lẽ là hình ảnh sống động nhất trong bài thơ. “Giọt trời” là gì? Là giọt trăng, giọt sương, hay giọt mồ hôi?... Có thể là tất cả. Nó thể hiện cho sự sinh sôi, nảy nở của bao điều tốt lành đã đang và sẽ đến với những con người vùng cao lam lũ, cần cù nhưng lạc quan, can đảm và kiêu hãnh trấn giữ vùng biên cương của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ