Với tình yêu văn chương Việt Nam và mong muốn giới thiệu vẻ đẹp thơ Việt với bạn bè quốc tế, Võ Thị Như Mai - hiện sống và dạy học tại Tây Úc - đã dành công sức, tâm huyết và tài năng của mình để tạo nên những tác phẩm đọc thơ đặc sắc.
Thơ Việt sẽ lọt mắt bạn đọc thế giới
- Điều gì khiến chị đam mê dịch và quảng bá thơ Việt cho bạn đọc thế giới qua kênh YouTube?
Tôi thường thích làm những gì chưa ai làm. YouTube là cây cầu âm nhạc, phim ảnh, tin tức, văn hóa... thì đã quá rõ, nhưng chưa thực sự thành cầu văn học. Thơ là đối tượng khá dễ qua cây cầu ấy. Đọc thơ thì cũng nhiều; dịch thơ còn nhiều hơn. Nhưng vừa làm người dịch lẫn người đọc thì tôi chưa thấy ai. Thế là tôi liều mạng nhào dzô.
Làm việc vừa khó vừa khổ này, tôi có niềm vui nho nhỏ là giúp các nhà thơ đến với nhiều độc giả tiếng Việt hơn nữa, dẫu họ thành danh hay chưa (mà các tác giả của tôi đa số là “nhân tài trong tương lai”),và cũng tin là họ sẽ lọt vào mắt xanh dù rất hiếm các bạn đọc tiếng Anh trên thế giới.
Cũng là người làm thơ, tôi rất thấu hiểu nỗi buồn và niềm vui của dân thi sĩ. May mắn có được chút tiếng Anh tiếng Úc (hi hi) tôi nghĩ mình có thế nín chút thời gian và công sức cho cái việc thơ nhọc nhằn mà lý thú không dễ ai có được này.
- Chị đã làm việc này trong bao lâu rồi và thu được hiệu quả thế nào?
Tôi bắt đầu chuyển ngữ thơ của một số tác giả như Nguyễn Ngọc Hưng, Mai Văn Phấn, Võ Quê, Mai Hữu Phước, Võ Văn Hoa... từ năm 2011, rồi đăng Facebook cho vui chứ không nghĩ là sẽ làm gì nhiều hơn thế. Sau đó Facebook của tôi bị hack và thơ Việt, thơ chuyển ngữ mất sạch.
Tôi nghỉ tham gia mạng xã hội một thời gian khá lâu và mới quay trở lại một năm nay khi bắt đầu giãn cách xã hội. Hiện tại tôi cũng chưa có kênh YouTube riêng. Mỗi clip thực hiện xong tôi đưa cho cháu gái đăng lên Youtube của cháu. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ tạo tài khoản riêng và tự đăng để các bạn dễ theo dõi hơn.
Với clip thực hiện cho mỗi tác giả, tôi chẳng phải quảng bá gì mà mỗi người đều có độc giả riêng của họ. Ngày xưa tôi cực kỳ bé con, nhút nhát và giọng rất yếu, nhưng sau hai mươi mấy năm đứng trên bục giảng, tôi tự tin hẳn ra, giọng cũng khỏe hơn. Sau một, hai clip ban đầu, tôi cũng ngạc nhiên vì mình có thể nghe được giọng của mình.
Ảnh hưởng văn hóa Việt chưa mạnh mẽ
- Theo chị, vì sao thơ Việt Nam nói riêng, và văn học Việt Nam nói chung còn được thế giới biết đến quá ít? Chị có đề xuất giải pháp nào không?
- Đây là câu hỏi rất khó có một lời đáp chung. Mà ở Việt Nam cũng như khắp nơi có người Việt làm thơ, chúng ta đều bị nó ám ảnh. Trong hiểu biết ít ỏi của mình, tôi thấy thơ ca và văn học của một dân tộc, một quốc gia nào đó phụ thuộc rất nhiều điều để có ảnh hưởng ra ngoài biên giới địa lý và văn hóa.
Với Việt Nam, có thể đó là vì vị thế của đất nước ta còn thấp kém về kinh tế và kéo theo ảnh hưởng văn hóa lại không mạnh mẽ. Vì bản thân tiếng Việt không dễ chuyển ngữ sang các tiếng quan trọng hàng đầu như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga... và nhất là vì tâm tình Việt không dễ “chuyển dịch”.
Rồi vì khả năng truyền bá của các cơ quan văn học. Tất nhiên, cuối cùng và đúng ra là đầu tiên, cũng vì hầu hết tác phẩm thơ và văn học tiếng Việt còn chưa mang tính quốc tế.
Những điều nói trên, có cái quả là yếu kém, nhưng cũng có cái là thuộc tính dân tộc. Đó là bản sắc văn hóa. Mà bản sắc văn hóa thì chỉ có thể khác nhau, chứ không có ý nghĩa hơn thua.
Là một giáo viên bình thường nhưng mê thơ, mê dịch thơ, tôi cũng chưa biết đề xuất giải pháp nào cho hay. Nhưng có thể chính cái cách tôi đang làm - dịch thơ Việt và quảng bá thơ Việt cho bạn đọc thế giới bằng cách phát trên YouTube - là một cách nhỏ bé chăng?
- Theo đánh giá của chị, những nhà thơ, nhà văn Việt Nam nào có khả năng tự giới thiệu tác phẩm của mình ra thế giới?
Tôi thấy những tác giả như Mai Văn Phấn, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Phan Quế Mai, Kiều Bích Hậu, Đặng Thân... đã làm được điều trên một cách xuất sắc. Thuận lợi lớn nhất của các anh chị ấy là có thể làm chủ ít nhất một ngôn ngữ, mà tiếng Anh là chính, và lại có quan hệ quốc tế rộng khắp.
Nhưng, ngoài Đặng Thân, các vị khác cũng đều có thế mạnh là tận dụng tốt những hình thức, phương tiện quảng bá của Hội Nhà văn Việt Nam để “tự cứu mình”, trong đó đáng kể là 3 - 4 dịp hội nghị phổ biến văn học Việt Nam ra nước ngoài từ hơn 10 năm qua.
Chúng ta chưa có văn hóa đọc – dịch văn học
- Theo hình dung của chị, tương lai của việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài sẽ ra sao? Có xu hướng nào mới, hoặc một lực lượng, nguồn vốn nào mới mẻ có thể tham gia vào việc này?
Mươi năm qua, tôi cũng thấy văn giới bàn luận, thao thức nhiều về chuyện này. Khen chê đủ cả... Tôi không đủ quan hệ văn hữu và thông tin cho một câu hỏi “đại sự” như thế đâu. Nhưng cũng cảm thấy là Chính phủ Việt Nam cần có chính sách rõ ràng hơn, tức là đầu tư tiền bạc và công sức nhiều hơn. Trong đó Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà xuất bản là những nơi chuyển tiếp tác phẩm và tác giả Việt Nam ra thế giới.
Về một xu hướng, lực lượng, nguồn vốn mới thì có lẽ đó là ở các vị mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện chăng? Song với văn hóa đọc - dịch văn học ở Việt Nam có lẽ chúng ta chưa có được.
Nói gì thì nói, câu “Hữu xạ tự nhiên hương” vẫn đúng trong vụ việc nan giải này.
Chúng ta hãy cứ viết hay đi, cứ dịch giỏi đi. Rồi sẽ có lúc Trời đánh mắt nhìn tới!
- Công việc dạy học của chị ở Tây Úc ra sao? Và chị dành thời gian cho đam mê văn học, dịch văn học của mình như thế nào?
Tính đến thời điểm này tôi đã làm công việc của một giáo viên tiểu học gần 20 năm. Ngôi trường hiện tại là nơi thứ ba tôi làm việc. Tùy nhu cầu sắp xếp nhân sự mỗi năm mà giáo viên được phân công vào một lớp khác nhau.
Học sinh trường tôi có từ lớp Kindy (Mẫu Giáo nhỏ) đến khối lớp 6. Trường nào ở Úc cũng đều rất đa sắc tộc, trường tôi có gần 700 học sinh trong đó có hơn 300 học sinh có nguồn gốc từ nước ngoài với hơn 50 ngôn ngữ mẹ đẻ khác nhau.
Điều tôi thích nhất bên mảng giáo dục là các em đều có cơ hội được tiếp cận thông tin và kiến thức như nhau. Những học sinh có nhu cầu đặc biệt được chú ý đặc biệt và được hỗ trợ tối đa để các em phát triển tốt nhất và cảm thấy được thoải mái nhất có thể.
Ví dụ năm ngoái, chúng tôi không biết phải làm sao với Max, một cậu bé có cách cư xử chẳng giống ai, xem hiệu trưởng như người ngang hàng, bạn bè là những đứa không cần phải quan tâm, lâu lâu chạy trốn một góc nào đó, không thích học và làm bài như các bạn mà chỉ làm những gì mình muốn. Max trải qua rất nhiều các cuộc kiểm tra thẩm định để được xác nhận xem nhu cầu đặc biệt có tên gọi là gì để được hỗ trợ đúng cách.
Về sau mới biết bệnh lý của em là “sự tránh né các yêu cầu đặt ra” (Pathological Demand Avoidance). Ngày học chuyên môn đầu năm, giáo viên chủ nhiệm của em Max có nửa tiếng trình bày trước toàn trường về kiến thức này, những phát hiện và cách giải quyết vấn đề.
Trường học mở cửa lúc 8 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 3 giờ chiều. Thường 10 tuần sẽ có một kỳ nghỉ 2 tuần và cuối năm là 6 tuần.
Ngoài thời gian dành cho gia đình, bản thân, công việc, hoa lá cành, tôi cũng tranh thủ đọc sách, lướt web, trò chuyện với gia đình ở Việt Nam và bạn bè, nói chung mỗi ngày tôi thường đọc vài bài thơ, vài trang sách và chuyển ngữ văn học.
Thật sự tôi cũng phải sắp xếp và tranh thủ để giữ cân bằng giữa những việc thường nhật và văn chương. Chiều thứ Bảy tôi dạy tiếng Việt tình nguyện hai tiếng ở một trường Việt Ngữ.