“Cha tôi lúc nào cũng đau đáu một ước nguyện là được an nghỉ ở nơi ông đã chào đời và về với đất mẹ trong lời cầu nguyện của người thân quê nhà tề tựu quanh mộ ông” - cô Nadia Elbhiri, sinh ra và lớn lên ở phía Tây thủ đô nước Anh, chia sẻ về người cha đã qua đời ở London hồi năm 2014. Hoàn thành ý nguyện của cha, Elbhiri đưa thi hài của ông về làng chài Larache nhỏ bé, phía Bắc Morocco. “London là nhà của cha tôi nhưng Morocco luôn ở trong tim ông” - Elbhiri ngậm ngùi.
Khao khát được chôn cất ở nơi chôn nhau cắt rốn lúc nào cũng mãnh liệt đối với nhiều người nhập cư châu Phi thế hệ đầu tiên ở Anh, nhất là cộng đồng người Morocco. Vì thế, cả một bộ máy đã ra đời để phục vụ nhu cầu này. “Có 3 ngân hàng Morocco cung cấp dịch vụ hồi hương cũng như vé máy bay miễn phí cho một người muốn đưa thi hài người thân quay về” - bà Souad Talsi từ Hội đồng Cộng đồng người Morocco ở nước ngoài, cho hay. Cũng theo bà Talsi, nếu người chết không đăng ký với một ngân hàng Morocco thì họ hàng của họ có thể liên lạc với Đại sứ quán Morocco và chính phủ sẽ lo liệu phí hồi hương - khoảng 7.000 bảng/trường hợp (10.500 USD).
Tuy nhiên, không phải ai cũng hào phóng với người chết như Morocco. Đối với nhiều cộng đồng châu Phi ở Anh, phần lớn đều phải vật lộn để có khoản chi phí “chết ở quê nhà”. Điển hình là trường hợp của anh Ebenezer Commodore, một công dân Anh trong gia đình đến từ Ghana. “Bác tôi sống ở Anh ít nhất 30 năm trước khi qua đời. Khi ấy, mẹ của bác gọi điện cho tôi ra lệnh đưa bác về Ghana kèm lời nhắn: Đừng có cãi lời người đứng đầu trong gia đình” - Commodore kể. Kết quả, Commodore phải vất vả không ít mới kiếm đủ 7.500 USD để đưa ông bác về.
Do đó, nhiều thi thể phải đợi trong nhà xác - có khi hàng tháng - cho tới lúc người thân gom đủ tiền. “Sự chờ đợi đó cực kỳ căng thẳng, đặc biệt là với những cộng đồng đòi hỏi việc chôn cất phải diễn ra thật nhanh” - ông Fortune Huruva, người điều phối Ủy ban Chôn cất Zimbabwe tại TP Manchester, phía Bắc nước Anh, cho biết. Ông Huruva chia sẻ vấn đề tiền nong khiến nhiều người trở nên tuyệt vọng, thậm chí liều lĩnh. Ông nói: “Nhiều người chỉ thấy nhẹ nhõm khi người thân thương của họ được chôn cất ở Zimbabwe. Điều này cũng ảnh hưởng tới cả đại gia đình ở quê nhà bởi họ chính là những người chăm sóc mộ phần người đã mất”.
Những căng thẳng quá lớn về tài chính, tinh thần khiến không ít người băn khoăn liệu có đáng lao tâm khổ tứ đến vậy. “Việc này thực sự phí tiền” - bà Chankira, 40 tuổi, sống tại Manchester trong 16 năm qua, kể về việc hồi hương thi thể người chồng (ông Martin) về Zimbabwe năm 2014. “Nếu chôn cất Martin ở đây, tôi có thể đến thăm anh ấy thường xuyên nhưng giờ thì không thể. Đó là vì cái gì, truyền thống ư? Giờ đây tôi vò võ một mình trong căn nhà trống” - người vợ khắc khoải.
Gian nan đường về
Khi một người qua đời, giám đốc nhà tang lễ địa phương sẽ liên lạc với cơ quan pháp y để hoàn tất giấy chứng nhận tình trạng thi hài và giấy phép ướp xác. Sau khi người thân cung cấp được hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu của người đã khuất, cơ quan pháp y sẽ xác định nguyên nhân tử vong và chứng nhận thi thể không gây bệnh truyền nhiễm. Tiếp đó, các bác sĩ ướp xác, còn gia đình tiến hành các thủ tục hồi hương thi thể và đặt vé máy bay. Thi thể đưa lên máy bay phải đặt trong quan tài dán kín.
Trước khi lên được máy bay, quan tài phải trải qua công đoạn chiếu tia X và kiểm tra an ninh. Công ty lữ hành nhận quan tài tại một khu vực riêng tại sân bay. Quan tài được đưa lên máy bay đầu tiên, trước tất cả hành khách và được xe cứu thương địa phương tiếp nhận khi đến nơi. Gia đình có thể kiểm tra thi hài qua cửa sổ của quan tài.