Những ngày "vạch nhiễu tìm thù"

Những ngày "vạch nhiễu tìm thù"

(GD&TĐ) - Trong cuộc chiến chống lại trận tập kích đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, ta gặp phải một trở ngại là thủ đoạn gây nhiễu điện tử của địch. Trong màn nhiễu dày đặc, các đơn vị đã phải đổ bao sức lực và xương máu để phân biệt đâu là “Bê” giả, đâu là “Bê” thật để tiêu diệt. Ông La Văn Sàng, nguyên Trưởng ban tác chiến điện tử (Quân chủng Phòng không - không quân) đã kể lại những tháng ngày cùng đồng đội làm nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù” trên bầu trời Hà Nội… 

Năm 1971, Tiểu đoàn Nhiễu chúng tôi được Quân chủng Phòng không-không quân bố trí đến các trận địa rađa, tên lửa, vào buồng máy ngồi cạnh các trắc thủ, sĩ quan điều khiển để cùng nghiên cứu nhiễu trên thực địa. Tôi và anh Phan Thu (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nhiễu, sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ chụp ảnh nhiễu trên màn hiện sóng của các loại rađa. Có mặt tại trận địa để ghi lại hình ảnh nhiễu, những diễn biến trận đánh trên màn hiện sóng, công việc của chúng tôi cũng vất vả, gian nan và không kém phần nguy hiểm. Từ những “nhiếp ảnh gia” không chuyên, “tay nghề” của chúng tôi dần được nâng cao và xác định dạng nhiễu có đủ kiểu, đủ loại với những tên gọi khác nhau được đặt theo hình dáng của chúng như: nhiễu quét, nhiễu giọt mưa, nhiễu xoắn thừng, nhiễu râu…

Ông La Văn Sàng: “Khi B-52 đánh phá Hà Nội, ta không bất ngờ với thủ đoạn gây nhiễu của địch”.
Ông La Văn Sàng: “Khi B-52 đánh phá Hà Nội, ta không bất ngờ với thủ đoạn gây nhiễu của địch”.

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cuốn “cẩm nang bìa đỏ” và “gánh hát rong” được anh em gọi vui trong thời điểm tháng 10-1972. Khi ấy, anh em các đơn vị coi tập tài liệu mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” là cuốn “cẩm nang bìa đỏ”. Cuốn sách dày 30 trang đánh máy, in rô-nê-ô và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ, đó là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu gắn với tài trí và công lao của hàng loạt sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu như: Nguyễn Sinh Huy, Chu Thái, Vũ Lai Trường, Trần Ngọc Lân, Quách Hải Lượng… Tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ tại hội nghị ngày 31-10-1972 (sau này gọi là Hội nghị tháng 10). Trong cuốn “cẩm nang bìa đỏ” ấy, tôi và các đồng đội ở Tiểu đoàn nhiễu đã đóng góp cách phân biệt “Bê” thật, “Bê” giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu. Nói và viết thành tài liệu như vậy, nhưng để thực hành được như sách lại rất khó bởi kẻ địch thường xuyên thay đổi thủ đoạn gây nhiễu. Vì vậy, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-không quân và Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội đã thành lập các đội huấn luyện lưu động mà thành phần chủ yếu là các sĩ quan đã từng tham gia biên soạn cuốn “cẩm nang bìa đỏ”. Chúng tôi đã tới các tiểu đoàn tên lửa trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu. Đội huấn luyện lưu động đi hết đơn vị này đến đơn vị khác nên thường được anh em gọi vui là những “gánh hát rong”.

Trong những ngày diễn ra chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, tôi có mặt ở trận địa tiểu đoàn 79 (Đoàn tên lửa H57) và đã phần nào lý giải được nguyên nhân tại sao bộ đội tên lửa đánh B-52 ở Hà Nội lại đạt hiệu quả cao hơn so với đánh B-52 ở chiến trường Khu 4 - nơi mà Quân chủng Phòng không-không quân đã cử các đội nhiễu cơ động chúng tôi làm nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù”. Khi B-52 vào Hà Nội, yếu tố bất ngờ dùng thủ đoạn nhiễu tổng hợp bảo vệ B-52 không còn, đồng thời cường độ gây nhiễu của B-52 cũng đã bị phân tán. Hướng này bị nhiễu nặng, song ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau… các đơn vị tên lửa  lại có thể “vạch mặt” được B-52 trên nền nhiễu. Ta đã bố trí đội hình tên lửa đánh bọc lót cho nhau, sử dụng phương pháp bắn 3 điểm và linh hoạt sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc khi thấy mục tiêu. Trong các trận đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội, vì bắt được tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng nên đa số các đơn vị sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc, làm cho kẻ địch từ chỗ ngạo mạn tuyên bố vào Hà Nội để “dạo chơi” đã thực sự lao đầu vào nơi “tử địa”.

Khi chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kết thúc, đầu năm 1973, anh Phan Thu đã có vinh dự đại diện cho anh em Tiểu đoàn nhiễu đi cùng anh Vũ Lai Trường (Trưởng phòng Khoa học Quân sự - Quân chủng Phòng không-không quân) tới nhà riêng Tổng bí thư Lê Duẩn để báo cáo về những diễn biến và thắng lợi của chiến dịch. Sau này, gặp chúng tôi, anh kể lại: “Tôi đã mang theo một tờ bìa lớn trên đó dán các ảnh nhiễu được phóng to nên đã trình bày được khá rõ ràng, đầy đủ về tình hình gây nhiễu của địch, đặc biệt về nhiễu B-52, các dạng nhiễu và kết quả khắc phục của ta. Tổng bí thư tỏ ý khen ngợi Quân chủng Phòng không-không quân trong cuộc chiến đấu chống tập kích đường không của địch, thắng lợi ấy đã góp phần tạo thêm thế và lực cho phái đoàn ta ở Hội nghị Pa-ri”.

Giờ đây, những tấm ảnh nhiễu do chúng tôi thực hiện vẫn còn lưu lại ở các bảo tàng và ở nhiều đơn vị làm tài liệu huấn luyện. Ít ai biết rằng trong những năm chiến tranh, tập ảnh đã được sử dụng làm tài liệu giới thiệu với bạn bè quốc tế khi đến nước ta học tập kinh nghiệm và đã trở thành “tặng phẩm” khi các đoàn cán bộ Quân chủng Phòng không-không quân đi thăm bạn bè quốc tế.

 Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.