Những món ăn "kinh dị" mỗi mùa Giáng sinh

Thay vì ăn thịt cừu nướng, gà quay như thông lệ, nhiều quốc gia có những món ăn kỳ lạ để thưởng thức trong ngày lễ Noel.

Những món ăn "kinh dị" mỗi mùa Giáng sinh

1. Sâu bướm

Nam Phi nuôi sâu bướm để chế biến những món ăn thơm ngon trong dịp lễ Giáng sinh. Món ăn từ sâu bướm được coi là một món ăn đặc biệt phải có của người châu Phi mỗi khi Noel về.

Công thức chế biến khá đơn giản: ép sạch các thành phần bên trong sâu bướm ra thành chất nhờn xanh đặc và rửa sạch.

Sau đó, luộc chín trong nước muối rồi phơi nắng hoặc hun khói để lưu trữ làm nguyên liệu chế biến món ăn. Nhờ công đoạn sơ chế trên, sâu bướm có thể sử dụng trong vài tháng mà không cần bảo quản lạnh. Đây là món ăn bổ dưỡng và là truyền thống ngày Noel ở những quốc gia này.

2. Da cá voi ăn sống

Người vùng Greenland mừng ngày lễ Giáng sinh với hai món ăn truyền thống đặc trưng của người Eskimo và rất hiếm khi xuất hiện bên ngoài vùng Bắc Cực là mattak and kiviak.

Mattak được làm từ da cá voi sống, thái hạt lựu hoặc khứa hình răng cưa trước khi bày lên bàn. Khi ăn món này, người ta sẽ nhai từng miếng mỡ sống cho đến khi nó ra dầu rồi nuốt chửng.

Hoặc có cách chế biến khác là thái nhỏ ra, rắc vụ bánh mì lên rồi đem chiên giòn và ăn cùng nước tương. Mattak có khá nhiều chất dinh dưỡng.

3. Da hải cẩu nhồi chim

Cũng là một món chỉ có ở Greenland, cách thức chuẩn bị món kiviak lại không kém phần kỳ dị. Đầu tiên, người ta lột da của một con hải cẩu rồi nhồi khoảng 500 con chim anca vào đó (anca là một loài chim biển trông tương tự như chim cánh cụt nhưng kích thước nhỏ hơn).

Con chim anca vẫn còn nguyên lông được nhồi vào bộ da hải cầu rồi khâu lại, bao phủ bằng một lớp mỡ rồi để lên men trong vòng 7 tháng. Ngoài ra, người dân còn rút càng nhiều không khí có thể ra khỏi lớp da rồi đè lên nó một tảng đá nặng nhằm ngăn không khí tràn vào.

Đến ngày lễ Giáng sinh, những con chim đã lên men được đưa ra và bày trực tiếp lên bàn để "thưởng thức" mà không cần bất cứ phương pháp sơ chế nào khác. Mùi của món này vô cùng nồng và khó chịu vì thế nó thường được ăn ở không gian mở.

4. Đầu cừu

Không ăn đùi hay sườn cừu mà người Na Uy chế biến phần đầu của con vật này làm món ăn dịp lễ cuối năm. Món ăn này có tên gọi là smalahove, với văn hóa phương Tây, việc ăn nguyên phần đầu của một loài vật to lớn như vậy thật khủng khiếp.

Cách chế biến món này khá công phu. Da và lông cừu được đem đốt, não được bỏ ra và đầu thì được ướp muối, đôi khi còn được hun khói và phơi khô.

Một các chế biến khác là đầu được đem đi luộc hoặc hấp trong khoảng 3 tiếng, rồi được bày biện với củ cải và khoai tây nghiền. Đôi khi, người ta còn để nguyên phần não trong đầu để thực khách dùng muỗng xúc nó ra hoặc đem đi chiên.

5. Lòng cừu

Haggis là món ăn cổ của người Scotland. Món ăn này vốn có nguồn gốc từ việc những người dân nghèo không đủ tiền mua thịt nên phải tận dụng các thành phần bỏ đi của con cừu để nấu ăn.

Hiện giờ, haggis trở thành món ăn truyền thống nổi tiếng của người Scotland mỗi dịp năm mới và là đặc sản không thể bỏ lỡ với khách du lịch đến đất nước này.

Món ăn là sự kết hợp của "cỗ lòng" cừu (tim, gan và phổi), băm nhỏ với hành tây, bột yến mạch, mỡ ở thận cừu, gia vị, muối, băm nhỏ, trộn với nhau rồi nhồi trong dạ dày của cừu và luộc trong khoảng 3 giờ.

Theo Ngôi sao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ