Những “mẹ hiền quốc dân”

GD&TĐ - Bên cạnh đội ngũ giáo viên (GV) đang công tác trong ngành Giáo dục, nhiều nhà giáo tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn sục sôi nhiệt huyết đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, ngày đêm gieo niềm hy vọng cho những đứa trẻ thiệt thòi, bất hạnh. Họ là những tấm gương mẫu mực để đội ngũ giáo chức noi theo và xã hội tôn vinh.

“Bà giáo” Trương Thị Thu Cúc
“Bà giáo” Trương Thị Thu Cúc

Những tấm gương sáng

Tấm gương đầu tiên là cô giáo Trương Thị Thu Cúc, 64 tuổi, ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Từ sau ngày nghỉ hưu đến nay, cô mở lớp học tình thương dạy trẻ bị bệnh Down, thiểu năng trí tuệ hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài tự mình đi xin những bộ bàn ghế còn dùng được, bảng đen cũ và trích lương hưu mua sách vở, bút mực cho các em, cô còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ dụng cụ học tập, tặng quần áo, xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn, mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho học sinh (HS).

Lớp tình thương của cô trở thành điểm tựa của nhiều HS khuyết tật trên địa bàn xã, được bà con mến phục: “Cô Cúc là tấm gương sáng về lòng yêu trẻ, lớp học của cô là nơi các em khuyết tật được yêu thương, xoa dịu bớt những nỗi đau, thiệt thòi. Chúng tôi mong cô luôn khỏe để đồng hành cùng các cháu”.

Tiếp đến là cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (62 tuổi, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là một trong 7 cá nhân trên toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp về “những việc làm tốt đẹp, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng”.

“Bà giáo” Nguyễn Thị Huỳnh Nga
 “Bà giáo” Nguyễn Thị Huỳnh Nga

Gần 20 năm qua - cả lúc đang công tác lẫn khi nghỉ hưu - cô mở lớp tình thương dạy miễn phí cho trên 700 trẻ em mồ côi, thiểu năng, tâm thần nhẹ, lang thang cơ nhỡ không có điều kiện đến trường, khiến mọi người khâm phục.

Cô bày tỏ: “Tôi mong mình có đủ sức khỏe để mãi đồng hành cùng trẻ bất hạnh, nhằm bù đắp cho các em những khiếm khuyết không may mắn trong cuộc sống”.

Cạnh đó là cô giáo Trần Thị Mươn (59 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).

“Bà giáo” Trần Thị Mươn
“Bà giáo” Trần Thị Mươn 

Gia đình chẳng mấy khá giả nhưng thấy nhiều em nhỏ trong xóm không được đến lớp, cô bèn tự đi học lớp sơ cấp sư phạm, xong về quê bỏ tiền túi mở lớp tình thương xóa mù chữ, sắm bàn ghế, tập sách, quần áo, rồi đi đến từng nhà vận động những đứa trẻ không được đến trường, đến lớp học xóa mù chữ dành riêng cho những em nhỏ nhà nghèo, cảnh đời bất hạnh và thiếu thốn tình thương. Ngoài ra, cô còn đi vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho người già neo đơn và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những hành động hết mình vì cộng đồng của cô đã được nhân dân hết lời ngợi khen.

Không thể không kể đến cô giáo Hoàng Thị Yên, 55 tuổi, người có thâm niên hơn 37 năm dạy tiểu học ở huyện vùng cao Ba Chẽ (Quảng Ninh).

“Bà giáo” Hoàng Thị Yên
 “Bà giáo” Hoàng Thị Yên

Cô tâm sự: “Hạnh phúc của đời tôi là thắp sáng ước mơ cho HS khuyết tật. Những ngọn nến thẳng hay cong, khi được thắp lên đều sáng lung linh và tôi sẵn sàng đánh đổi để thắp lên niềm vui, ước mơ cho những đứa trẻ đặc biệt”.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại chưa từng được đào tạo về chuyên ngành dạy trẻ khuyết tật, nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề, cô đã có hơn 37 năm giảng dạy và giúp rất nhiều HS khuyết tật vùng cao hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Vườn hoa tươi đẹp Thủ đô

Trong vườn hoa gương sáng cựu giáo chức Thủ đô cũng nở rộ nhiều bông hoa tươi đẹp.

Đó là tấm gương nhà giáo Đỗ Thị Thoa, sinh năm 1943, ở thị xã Sơn Tây, suốt 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô đã trực tiếp giảng dạy, rồi có hàng chục năm làm công tác quản lý ở cương vị hiệu trưởng nhiều trường.

“Bà giáo” Đỗ Thị Thoa
“Bà giáo” Đỗ Thị Thoa 

Từ khi nghỉ hưu năm 1993 cho đến nay, cô tự trích lương hưu của mình, mua đồ dùng học tập, đồ ăn, nước uống và đồng phục cho HS, gây dựng và duy trì lớp học tình thương dành riêng cho các em thiểu năng trí tuệ, câm điếc.

Cô cho biết, có phụ huynh quan tâm, gửi phong bì, cô kiên quyết trả lại. “Đây là việc tôi tự nguyện giáo dục các em. Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán”.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng cô vẫn thường xuyên đứng lớp với suy nghĩ “sẽ tiếp tục đến khi nào còn có thể”. Cô chia sẻ: “Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nên đi cùng các em được đến bao giờ, tôi sẽ cố hết sức”.

Một tấm gương khác, cô Nguyễn Thị Côi ở quận Hoàng Mai, năm nay gần 80 tuổi, đã hơn 20 năm lập lớp học tình thương dạy miễn phí cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em nghèo và thiểu năng trí tuệ, mắc các bệnh về thần kinh... trên địa bàn Thủ đô.

“Bà giáo” Nguyễn Thị Côi
 “Bà giáo” Nguyễn Thị Côi

Miệt mài gắn bó với các em nhỏ tật nguyền, những số phận kém may mắn trong xã hội, đem tri thức và tình cảm ấm áp, nhân hậu của mình đến với các em, giúp các em có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống, niềm vui của cô là các HS vượt lên số phận, đỗ vào đại học như những kỳ tích. “Khỏe ngày nào, tôi còn dạy ngày đó. Tôi muốn trao cho các cháu một cơ hội được hòa nhập cộng đồng”, cô Côi chia sẻ.

Một nhà giáo khác ở Thủ đô cũng đáng được nể trọng là cô Trần Thị Thoa, 65 tuổi (Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, trong đó có hơn chục năm nghỉ hưu, dạy lớp học tình thương miễn phí ở chùa cho các em khuyết tật, bất hạnh.

“Bà giáo” Trần Thị Thoa
“Bà giáo” Trần Thị Thoa 

Cô tâm sự: “Nhìn các con bị khuyết tật tôi thấy rất thương. Các con đã phải chịu thiệt thòi quá nhiều, tôi muốn giúp các con biết chữ, mong sao giảm bớt nghiệp khổ cho các con”.

Dù đang nghỉ hưu nhưng luôn tự nguyện đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục trẻ bất hạnh, các cô hoàn toàn xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Rạng ngời những tấm gương

Còn nhiều những tấm gương thầy cô dù đã nghỉ hưu vẫn đau đáu một tấm lòng son với sự nghiệp giáo dục nước nhà, mà với dung lượng một bài báo nhỏ khó có thể kể ra hết được.

Những tấm gương bình dị mà rất đỗi cao quý, những việc làm đậm tính nhân văn của các cô đã góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn vượt lên nghịch cảnh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, luôn được xã hội trân trọng.

Đúng như lời ca khúc quen thuộc “Cô và mẹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, suốt bao năm qua các cô đã trở thành những người mẹ hiền, đang hằng ngày chăm lo cho đàn con bất hạnh. Tôi muốn dùng từ “quốc dân” để ngợi ca, tôn vinh những “mẹ hiền” có tấm lòng cao đẹp ấy, đã không quản khó nhọc, kiên trì nỗ lực dìu dắt những HS khiếm khuyết vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.

Thật là đáng quý, cuộc đời ấm áp, tươi đẹp biết bao khi trong ngành Giáo dục nước nhà vẫn còn đó những tấm gương rạng ngời đáng kính, đáng trọng, trọn đời tận tụy cống hiến, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp “trồng người” như vậy!

Với những cống hiến lặng thầm mà cao cả, các “mẹ hiền quốc dân” đã góp phần to lớn làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt đội ngũ GV đang đứng trên bục giảng, chúng tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính phục; xin chúc các “mẹ hiền quốc dân” luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để tiếp tục sẻ chia, đồng hành cùng sự nghiệp “trồng người” cao quý của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ