Người mẹ hiền của các học sinh đặc biệt

GD&TĐ - Là nhà giáo gương mẫu, trách nhiệm và sống có ý nghĩa với cộng đồng, cô Lê Thị Hòa - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú 2019.

Cô Hòa coi học sinh như con em mình. Ảnh: Vân Anh
Cô Hòa coi học sinh như con em mình. Ảnh: Vân Anh

Lớp học của tình thương

Từ nhiều năm nay, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (Chương Mỹ) của cô Lê Thị Hòa trở thành tổ ấm của nhiều học trò mắc các chứng bệnh đặc biệt. Các em đến từ nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội. Đến lớp học, ngoài kiến thức văn hóa, các em còn được học về kĩ năng sống, về cách ứng xử, về đạo lí làm người.

Kể về lịch sử của lớp học, cô Hòa cho biết: Từ năm 1993, cô đã nhận 23 em HS bị nhiễm chất độc da cam và nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của nhà. Lớp học rộng chưa đến 10m2 khi ấy luôn rộn ràng tiếng cười với những niềm hi vọng về một tương lai không xa, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích với xã hội như bao người khác.

Nhận thấy nhu cầu học tập của các em ngày càng lớn hơn, trong khi lớp học tại nhà đã quá tải, cô giáo Hòa đã tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa. Ủng hộ lớp học tình thương của cô giáo, sư thầy trụ trì chùa Hương Lan đã hỗ trợ cô trò học ở phòng khách rộng khoảng 50m2, rồi sau đó chuyển sang phòng học mới 100m2, kèm theo rất nhiều sự hỗ trợ khác.

Từ 23 HS ban đầu, lớp học tình thương của cô Hòa tại chùa Hương Lan đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều HS. Năm học này, lớp học tình thương đón 58 HS bị khuyết tật, đến từ nhiều địa phương với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong số đó, có 19 HS chưa biết chữ, 39 HS đã biết chữ, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

Nhờ có sự dạy dỗ tận tâm của cô giáo, đến nay, trong số 58 em theo học đã có 30 em biết chữ, biết hát nhiều bài khác nhau dù thời gian để các em có thể thuộc bài có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm. Nhiều em đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và luôn nhớ đến “Mẹ Hòa” như một ân nhân, người đã có công sinh ra mình lần nữa.

Em Hoàng Thị Hà (30 tuổi) là HS có sức khỏe yếu nhất do bị ảnh hưởng chất độc da cam, đến từ xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Từ một người gần như không có khả năng nhận thức, sau hơn 10 năm đến lớp, Hà đã viết được các chữ cái, có thể ngân nga những ca từ trong bài hát “Đi học về” quen thuộc. HS khác có sự tiến bộ vượt bậc là Nguyễn Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đến từ xã Kim Chung (huyện Hoài Đức). Dung bị bại não từ khi lọt lòng, trí tuệ chậm phát triển, phát âm không rõ, đi lại khó khăn. Đến tuổi đi học, gia đình đã cho Dung theo học nhiều lớp dành cho người khuyết tật, nhưng nhiều nơi đã từ chối nhận em.

Chỉ đến khi gặp được những giáo viên của lớp học ở chùa Hương Lan vào năm 2015, em mới được đón nhận trong tình yêu thương. Hiện nay, Dung đã biết đọc, viết, làm các phép toán trong phạm vi 100, biết sử dụng điện thoại, máy tính... Mừng hơn, Dung đang ấp ủ ước mơ có việc làm phù hợp trong tương lai.

Sống không chỉ cho riêng mình

Lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa mở tại chùa Hương Lan từ năm 2007. Ảnh: Vân Anh
 Lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa mở tại chùa Hương Lan từ năm 2007. Ảnh: Vân Anh

Kể về nhân duyên đến với những mảnh đời không may mắn, cô Hòa cho biết, bố mẹ cô trước kia đều là trẻ mồ côi và có tuổi thơ cơ cực. Thấu hiểu sự thiếu thốn, thiệt thòi của những trẻ em đặc biệt nên cô luôn đau đáu ước mong được giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. “Khi thấy các con dù mắc bệnh nhưng vẫn muốn đi học, vẫn muốn được trở thành một người có ích cho xã hội, tôi rất cảm động. Tôi muốn làm một điều gì thiết thực cho các con. Từ đó khơi lên một tình yêu thương, nâng đỡ các con tiếp tục con đường học vấn” - cô Hòa chia sẻ.

Những ngày cuối tháng 9/2019, cô Lê Thị Hòa được đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Nhận được thông tin này, cô Hòa cho biết bên cạnh niềm vui khi được tôn vinh là những lo lắng vì sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các con. Điều cô mong muốn nhất chỉ là các con sẽ nhận được sự quan tâm hơn từ cộng đồng. Chứng kiến lớp học tình thương từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, hơn ai hết, cô Lê Thị Hòa rất tự hào, nhưng cô vẫn chưa vơi nỗi niềm băn khoăn, trăn trở. Hiện nay, đa số giáo viên đứng lớp đã cao tuổi, chỉ ít năm nữa sẽ không còn nhanh nhạy để dìu dắt học trò.

Mới đây, một trong những giáo viên cốt cán là cô Đỗ Thị Nhàn bị bệnh nặng, buộc phải cắt một quả thận, sức khỏe yếu, khó có thể tiếp tục đồng hành với lớp học. Hơn nữa, ngoài việc học kiến thức, những HS của lớp học tình thương cần được hỗ trợ khám bệnh, phục hồi chức năng. Một số trường hợp cần được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm.

Bản thân cô Hòa bị bệnh ung thư từ năm 2015. Tuy vậy, cô vẫn cố gắng vượt qua bệnh tật để đến lớp để dạy học trò. Cô cho biết chỉ mong có được sức khỏe để có thể được giúp đỡ các em bằng tất cả tình yêu thương của mình. “Đôi lúc cũng sợ mình không thể vượt qua được bệnh tật thì tương lai của các em sẽ ra sao, lớp học sẽ thế nào. Thế là lại phải cố gắng từng ngày để sống thật khỏe”, cô Lê Thị Hòa bộc bạch.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ xúc động nói: “Dạy dỗ HS biết đọc, biết viết, biết vệ sinh cá nhân là những việc nhỏ và hết sức bình thường. Nhưng nhìn những đứa trẻ đặc biệt trong lớp học tình thương có thể làm thuần thục được những điều bình thường ấy mới thấy được nghị lực phi thường cũng như tấm lòng cao quý của cô giáo Hòa.

Ngành GD - ĐT Chương Mỹ thực sự trân trọng và tự hào vì có một tấm gương sáng, giàu lòng nhân hậu như cô giáo Hòa. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô Hòa không chỉ góp phần nâng tầm suy nghĩ, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, người lao động của nhiều trường học trên địa bàn huyện, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để mọi người làm thêm nhiều việc tốt, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ