Những lưu ý khi sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy-học

GD&TĐ - Khẳng định dạy học bằng sơ đồ tư duy phát huy hiệu quả tích cực, giúp học sinh hứng thú với với bài học, dễ nhớ, dễ hiểu, cô Nguyễn Thị Dậu (giáo viên Trường THPT Trung Nghĩa, Phú Thọ) đưa ra những lưu ý giúp học sinh sử dụng sơ đồ tư duy hiệu quả.

Sơ đồ tư duy do học sinh cô Nguyễn Thị Dậu thực hiện...
Sơ đồ tư duy do học sinh cô Nguyễn Thị Dậu thực hiện...

Giáo viên trở thành người hướng dẫn, hỗ trợ

Trước đây, giáo viên vẫn thường sử dụng sơ đồ để hệ thống kiến thức cho học sinh, nhưng học sinh vẫn là người tiếp thu một cách thụ động. Với việc giảng dạy bằng sơ đồ tư duy, cô Nguyễn Thị Dậu cho rằng, học sinh sẽ tự phát huy khả năng sáng tạo của mình bằng cách tự vẽ, tự phân bố và thể hiện nội dung bài học qua sơ đồ, sau đó yêu cầu các bạn khác bổ sung những phần còn thiếu.

Kết thúc bài giảng, thay vì phải ghi chép theo cách truyền thống, học sinh có thể tự “vẽ” bài học theo cách hiểu của mình với nhiều màu sắc và hình ảnh khác nhau. Đến tiết học sau, chỉ cần nhìn vào sơ đồ, các em có thể nhớ được những phần trọng tâm của bài học.

Giảng dạy theo sơ đồ tư duy mang tính khả thi cao vì có thể vận dụng được với bất kỳ điều kiện cơ sở vật chất nào của các nhà trường, có thiết kế trên giấy, bìa, bảng bằng cách sử dụng bút chì màu, phấn màu hoặc cũng có thể thiết kế trên phần mềm sơ đồ tư duy đã được triển khai đến từng trường.

"Việc vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy học sẽ dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học" - cô Nguyễn Thị Dậu chia sẻ.

Trong dạy học, việc sử dụng sơ đồ tư duy huy động tối đa tiềm năng của bộ não, giúp học sinh học tập tích cực, hỗ trợ hiệu quả các phương pháp dạy học. Nhấn mạnh điều này cô Nguyễn Thị Dậu cũng cho rằng, học sinh thường xuyên tự lập sơ đồ tư duy sẽ phát triển khả năng thẩm mỹ từ việc thiết kế bố cục màu sắc, các đường nét, các nhánh sao cho đẹp, sắp xếp các ý tưởng khoa học, súc tích…

Và đó chính là để học sinh “học cách học”: Học sinh được học để tích lũy kiến thức, nhưng từ trước đến nay học sinh chưa biêt cách học cách để lĩnh hội những kiến thức bộ môn lịch sử một cách hiệu quả.

Lưu ý học sinh khi sử dụng sơ đồ tư duy

Cô Nguyễn Thị Dậu cho rằng, màu sắc cũng có tác dụng kích thích bộ não như hình ảnh; tuy nhiên, học sinh cũng không cần phải sử dụng quá nhiều màu sắc, có thể chỉ cần dùng một hai màu nếu thích và muốn tiết kiệm thời gian.

Nếu học sinh thấy mất quá nhiều thời gian để tô đậm màu trong một nhánh, thì học sinh có thể gạch chéo, đánh dấu cộng, hay chấm bi trong đó – rất mới mẻ và tốn ít thời gian.

Ngoài ra, vẽ nhiều nhánh cong hơn là đường thẳng để tránh sự buồn tẻ, tạo sự mềm mại, cuốn hút.

Khi học sinh sử dụng những từ khóa riêng lẻ, mỗi từ khóa đều không bị ràng buộc, do đó nó có khả năng khơi dậy các ý tưởng mới, các suy nghĩ mới.

Nếu trên mỗi nhánh học sinh viết đầy đủ cả câu thì học sinh sẽ dập tắt khả năng gợi mở và liên tưởng của bộ não. Não của học sinh sẽ mất hết hứng thú khi tiếp nhận một thông tin hoàn chỉnh.

Vì vậy, cô Nguyễn Thị Dậu lưu ý, trên mỗi nhánh học sinh chỉ viết một, hai từ khóa . Khi đó, học sinh sẽ viết rất nhanh và khi đọc lại, não của học sinh sẽ được kích thích làm việc để nối kết thông tin và nhờ vậy, thúc đẩy năng lực gợi nhớ và dần dần nâng cao khả năng ghi nhớ.

Giáo viên nên thường xuyên cho học sinh sử dụng sơ đồ tư duy khi làm việc nhóm và hệ thống kiến thức đã học trong môn học lịch sử, đặc biệt là khi ôn tập cho các kỳ thi (dù là thi, học, đều sử dụng tốt). Sơ đồ tư duy cũng giúp các học sinh và các thầy cô tiết kiệm thời gian làm việc ở nhà và trên lớp rất nhiều với các phần mềm sơ đồ tư duy trên máy tính học sinh có thể làm tại nhà và gửi email cho các thầy cô chấm chữa trước khi lên lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ