Cô Nguyễn Thị Minh Phượng - giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện một giờ học sáng tạo với môn Lịch sử.
Các bước thực hiện giờ dạy
"Để tiết học bằng hình thức sân khấu hóa phát huy hiệu quả tối đa, quan trọng nhất là các khâu chuẩn bị, lên ý tưởng. Bước lên lớp chính là buổi nghiệm thu, báo cáo kết quả." - cô Minh Phượng cho biết.
Có 5 bước cơ bản để thực hiện một giờ dạy theo hình thức cải tiến này:
Bước 1: Giáo viên lựa chọn bài dạy, xác định mục tiêu, kế hoạch dạy học.
Bước 2: Giao nhiệm vụ cho học sinh (hoạt động theo nhóm)
Bước 3: Học sinh nghiên cứu bài học, xây dựng ý tưởng cách thức thực hiện và trao đổi với giáo viên.
Bước 4: Giáo viên sửa chữa, góp ý, hướng dẫn học sinh tìm hiểu và bổ sung ý tưởng.
Bước 5: Học sinh hoàn thành ý tưởng đã thống nhất, cùng nhau luyện tập chuẩn bị. Giáo viên quan sát, góp ý và chỉnh sửa tiếp để hoàn chỉnh sau đó là tổ chức dạy học trên lớp hoặc trong giờ ngoại khóa.
Hình thức dạy học hấp dẫn học sinh
Đây là hình thức dạy học thu hấp dẫn, thu hút học sinh. Thay vì tiếp nhận kiến thức một cách khô khan theo lối dạy học truyền thống, với hình thức sân khấu hóa, các em được trải nghiệm thực tế, được hóa thân vào nhân vật lịch sử, có cảm xúc và tự cảm nhận về nhân vật, từ đó hiểu và thêm yêu quê hương đất nước qua từng bài học.
Chia sẻ chi tiết hơn về hình thức dạy học này, cô giáo Minh Phượng cho biết: Để chuẩn bị cho một giờ học Lịch sử bằng hình thức sân khấu hóa, giáo viên chia lớp theo các đội nhóm, sau đó giao nhiệm vụ cho từng nhóm.
Ví dụ: Bài học về di sản địa phương, trước tiên các nhóm cần chọn cho đội của mình tên gọi ý nghĩa. Sau đó cùng nhau tìm cách thể hiện hiểu biết của mình về di sản đã tìm hiểu.
Trong quá trình giao nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên có thể nêu thêm các gợi ý để học sinh tìm hiểu hiệu quả hơn. Nên giới thiệu theo hình thức nào? Cần truyền tải những thông tin gì? Và các đội sẽ tự thể hiện ý tưởng của mình.
Các hình thức có thể lựa chọn gồm: múa, hát, kịch, diễn xướng, hài kịch,...miễn sao nói lên được các nội dung liên quan đến di sản mà đội mình tìm hiểu.
Theo cô Minh Phượng, khi cùng nhau luyện tập, biểu diễn là kiến thức trong nội dung bài học và cả những kiến thức ngoài bài học đã ăn sâu vào tiềm thức của học sinh. Đó không chỉ là quá trình trau dồi kiến thức mà còn viết nên những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, là rèn kỹ năng làm việc nhóm rất hiệu quả cho mỗi học sinh.
Trong tiết học được sân khấu hóa, vai trò của giáo viên sẽ là Ban giám khảo, nhận xét đánh giá kết quả tìm hiểu và nghiên cứu của các em, động viên khuyến khích tinh thần tự học sáng tạo của các em, đồng thời giáo viên có thể bổ sung thêm các kiến thức và chỉnh sửa các phần còn thiếu sót, giúp các em thu nạp tối đa phần kiến thức cần thiết.
Thực tế cho thấy, dạy học bằng hình thức sân khấu hóa rất thu hút học sinh. Mọi học sinh đều mong muốn tham gia để thể hiện bản thân, rèn luyện sự tự tin và các kỹ năng khác.
Video: Trích Chuyên đề ngoại khóa "Sử dụng di sản văn hóa địa phương trong giảng dạy GDCD, Lịch sử, Ngoại ngữ" của học sinh trường THPT Nguyễn Huệ: