Lưu ý phân loại bài làm
Điều đầu tiên, theo cô Phạm Thị Mai Hương, khi chấm bài, ngoài đánh giá chất lượng, chữa lỗi trong bài làm của học sinh theo yêu cầu công tác giảng dạy, giáo viên cần chú trọng đến phát hiện, phân loại bài làm của học sinh để có hướng giáo dục phù hợp.
Việc phân loại có thể chia ra phân loại bài làm về mặt hình thức và phân loại bài làm theo nội dung.
Phân loại bài làm về mặt hình thức như bố cục, kết cấu, chữ viết, cách dùng từ, diễn đạt…, giáo viên cần chú ý xem bài làm của học sinh có đảm bảo yêu cầu nội dung, có thiên hướng tích cực hay không? Bài làm thể hiện rõ cá tính hoặc bộc lộ những tâm sự thầm kín của các nhân học sinh? Bài làm chưa đạt về nội dung hoặc thể hiện những nhận thức sai lầm?
Phân loại bài làm, nhất là theo phương diện nội dung, theo cô Phạm Thị Mai Hương, là việc làm rất hữu ích, vì thực chất đó cũng chính là sự phân loại đối tượng học sinh để tìm ra các đối tượng cần quan tâm giúp đỡ, giáo dục.
Trân trọng những nhận thức đúng đắn
Một vấn đề nữa là khi chấm bài làm văn Nghị luận xã hội, cô Hương cho rằng, giáo viên nên chú ý đánh giá những bài làm thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm đúng đắn, chân thật.
Có thể bài làm đó có những điểm chưa đạt về hình thức nhưng rất cần trân trọng những nhận thức đúng đắn và tình cảm chân thật của các em.
Nếu vì lỗi hình thức mà cho điểm kém thì chưa chắc đã là một biện pháp giáo dục hay.
“Mặc dù việc cho điểm bài làm văn của học sinh hiện nay còn nhiều điều đáng bàn, nhưng theo tôi khi chấm điểm ta nên đặt ra những yêu cầu nhất định cả về nội dung và hình thức đối với bài làm của học sinh.
Việc cho điểm không phải là cách để cải thiện chất lượng học văn cũng như đạo đức học sinh.
Nhưng chúng ta phải cho điểm để làm sao lần sau học sinh vẫn mạnh dạn viết ra được những điều các em đã nghĩ, đã nhận thức” - cô Phạm Thị Mai Hương nêu quan điểm.
Một số lưu ý khi trả bài
Giờ trả bài là khâu cuối cùng hoàn chỉnh mục đích của việc ra đề văn. Vì vậy, ở bước thứ nhất, theo cô Hương, giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện việc tìm hiểu đề lại. Sau đó, nhấn mạnh vấn đề mà đề bài yêu cầu, chỉ ra những dẫn chứng thực tế trong đó có những biểu hiện mang tính tính cực lẫn tiêu cực có liên quan đến đề.
Sau khi nhận xét chung và chữa một số lỗi về hình thức và nội dung trong bài làm của học sinh, giáo viên có thể đọc một số bài văn tiêu biểu đã được phân loại khi chấm bài và cho các học sinh khác nhận xét.
Đó cũng là một lần giáo dục các em. Riêng đối với những học sinh có nhận thức sai lầm, lệch lạc hoặc có tâm sự riêng thì tùy từng trường hợp cụ thể giáo viên có thể gặp gỡ, trao đổi ngoài giờ.