Những lỗi sai cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang đến gần, cùng với tăng tốc ôn tập học sinh cần lưu ý một số lỗi sai để bài thi môn Ngữ văn đạt kết quả cao.

Cô Thuỷ (áo hồng) cùng học sinh Trường THPT Đông Triều.
Cô Thuỷ (áo hồng) cùng học sinh Trường THPT Đông Triều.

Không đọc kĩ đề, từ khoá

Cô Vũ Thị Thanh Thủy, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đồng Triều (Quảng Ninh) cho biết, giai đoạn “nước rút”, học sinh thường tập trung luyện đề mà chưa chú ý những lỗi sai gây mất điểm.

Cấu trúc bài thi môn Ngữ Văn bao gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Ở mỗi câu, học sinh bị trừ ít nhất 0,25 điểm nếu mắc lỗi sai và tùy vào mức độ điểm trừ sẽ tăng lên.

Theo cô Thủy, phần đọc hiểu, kiến thức không khó nhưng học sinh dễ sai khi không đọc kĩ, bỏ sót thông tin đề yêu cầu hoặc trả lời dài dòng, thừa thông tin.

“Một mẹo nhỏ giúp học sinh làm đâu trúng đấy cho bài đọc hiểu là cần gạch chân từ khóa đề bài. Đề bài yêu cầu gì trả lời đúng trọng tâm, không giải thích lan man gây mất thời gian” cô Thủy chia sẻ.

Với phần nghị luận xã hội, yêu cầu viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ. Tuy nhiên, học sinh hay viết quá so với dung lượng đề bài.

“Có 3 lỗi cần tránh khi viết đoạn văn nghị luận xã hội: Xác định vấn đề nghị luận chưa chính xác; chưa nắm vững kỹ năng khai thác kiểu bài, trình bày không đúng trọng tâm vấn đề yêu cầu; thiếu dẫn chứng cụ thể hoặc dẫn chứng không thuyết phục.

Để khắc phục những lỗi này, học sinh cần nắm vững kỹ năng viết đoạn văn nghị luận theo từng kiểu bài. Đồng thời, chú ý soát các bước thực hiện cho lập luận sâu sắc và tập trung vào trọng tâm đề bài yêu cầu như: ý nghĩa vấn đề, bài học hành động” cô Thủy nói.

Không học kiểu “nhồi nhét”

Cô Vũ Thị Thu Thuỷ, giáo viên môn Văn, Trường THPT Đông Triều lưu ý học sinh những lỗi sai cần tránh

Cô Vũ Thị Thu Thuỷ, giáo viên môn Văn, Trường THPT Đông Triều lưu ý học sinh những lỗi sai cần tránh

Cùng với đọc hiểu và nghị luận xã hội, nghị luận văn học cũng là phần học sinh dễ mắc lỗi. Cô Thủy lưu ý một số lỗi sai cần tránh trong phần nghị luận văn học:

Thứ nhất, không lập dàn ý trước khi viết bài, nghĩ gì viết nấy, dẫn đến việc thiếu, thừa hoặc sắp xếp trình tự luận điểm, luận ý lộn xộn.

Thứ hai, thiếu liên kết giữa các đoạn trong bài văn, chuyển ý chưa mềm mại (thường gặp ở thân bài).

Thứ ba, bỏ qua phần so sánh, mở rộng liên hệ với các tác phẩm cùng đề tài, cùng thời hoặc các tác phẩm của cùng tác giả. Thêm vào đó, chưa biết vận dụng kiến thức lý luận văn học để bài viết thêm sâu sắc, hấp dẫn, sáng tạo.

Thứ tư, chỉ chú trọng làm rõ nội dung, không khai thác khía cạnh nghệ thuật và thiếu dẫn chứng cụ thể.

Thứ năm, sa vào giải thích vụn các chi tiết của đoạn trích, tác phẩm; sa vào tóm tắt cốt truyện hoặc diễn xuôi ý đoạn thơ.

Để làm tốt bài nghị luận văn học, học sinh cần định hình dàn ý với các luận điểm chính ra giấy nháp. Đồng thời, tham khảo thêm một số tài liệu, sách văn học để tăng vốn kiến thức và khả năng sáng tạo khi viết bài văn.

Cô Thủy cũng khuyên thí sinh, trước kỳ thi nên sắp xếp thời gian ôn tập khoa học, không học kiểu “nhồi nhét” gây căng thẳng, áp lực.

“Học sinh nên đặt mục tiêu phấn đấu với từng môn, chủ động rà soát kiến thức phù hợp với thời gian của lộ trình ôn tập đã đặt ra trước đó. Đồng thời, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh để chuẩn bị sức khỏe và tâm thế thật thoải mái trước kỳ thi” cô Thủy dặn dò.

Còn cô Đặng Thị Bích Vân - Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cho biết, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tới đây, nhà trường tập trung ôn luyện và xác định với 2 giai đoạn cho học sinh lớp 12.

Giai đoạn 1 từ đầu năm học đến 15/2/2023, học sinh ôn tập các khối thi truyền thống với bài thi THPT. Với giai đoạn 2 (từ 15/2 đến kết thúc năm học) nhà trường xác định đây là giai đoạn 2 "nước rút" ôn tập.

"Ở giai đoạn 2, nhà trường vừa thực hiện chương trình học tập và ôn tập để cho học sinh làm bài thi thử đầu tiên với toàn bộ nội dung chương trình học kỳ một. Tiếp đó là bài thi thử, học sinh được làm các bài thi (bài thi THPT và bài thi đánh giá năng lực), trong đó có bài thi thử THPT của Sở GD&ĐT...", cô Đặng Thị Bích Vân chia sẻ.

Theo cô Đặng Thị Bích Vân, các bài thi thử sát với chương trình lớp 12 và ngân hàng tài liệu ôn tập của Sở GD&ĐT. Qua đó, giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài, đồng thời giáo viên cũng điều chỉnh cách dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh nhất là học sinh có học lực hạn chế.

Cô Vân cũng cho biết, theo kế hoạch Sở GD&ĐT còn 1 kỳ thi thử tốt nghiệp THPT và nhà trường tổ chức thi thử bằng hình thức trực tuyến. "Với tháng 5 và 6 được coi là thời gian nước rút ôn tập. Học sinh được trang bị kiến thức và trải qua vòng ôn tập trước đó, sẽ tự tin làm bài thi tốt. Việc xét tuyển vào các trường đại học hiện nay không còn quá áp lực với học sinh bởi cơ hội học tập rất nhiều. Tuy nhiên, để lựa chọn ngành, trường học phù hợp đúng với lại năng lực sở trường và nhu cầu của xã hội thì vẫn đang là một bài toán khó...", cô Vân chia sẻ.

Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên cũng nhấn mạnh, cùng với ôn tập thì định hướng nghề nghiệp cho học sinh là rất quan trọng. Đến nay, các trường đại học cơ bản đã công bố phương thức tuyển sinh năm, trong đó nhiều trường có điểm mới trong phương thức tuyển sinh so với năm 2022. Bởi vậy, trường THPT Hàn Thuyên chủ động cập nhật và giúp học sinh nắm bắt và định hướng ôn tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.