Ứng phó với stress trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

GD&TĐ - Lịch học và ôn thi dày đặc để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khiến nhiều học sinh căng thẳng, thậm chí bị stress.

Thí sinh cần giữ tâm lý thoải mái để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao. Ảnh: Internet.
Thí sinh cần giữ tâm lý thoải mái để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao. Ảnh: Internet.

“Quay cuồng” với lịch học

Dù là ngày Chủ nhật nhưng Dương Thanh Tâm – học sinh lớp 12, Trường THPT Xuân Giang (Hà Nội) vẫn kín lịch học. Thanh Tâm cho biết, buổi sáng em học ở trung tâm môn Toán, buổi chiều học thêm Ngữ văn, 19 giờ cùng ngày em có lịch học online môn tiếng Anh. Đấy là chưa tính đến những bộ đề ôn thi được giáo viên bộ môn hướng dẫn về làm ở nhà.

“Em thấy áp lực vì phải học nhiều. Nhiều lúc, em cảm thấy “bội thực” và rơi vào trạng thái “đơ”. Kỳ thi đang đến gần, áp lực học tập, thi cử càng khiến em lo lắng, thậm chí stress” – Thanh Tâm bộc bạch.

Thương con vì gần như hôm nào con trai cũng học đến 12 giờ đêm mới đi ngủ, nhưng chị Nguyễn Thị Minh Khanh, tổ 13 Phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) không biết làm gì ngoài việc chăm sóc sức khỏe và động viên tinh thần cho con. Chị cho biết, con trai chị đang học lớp 12 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội).

“Kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần, lịch học của con nhà tôi dày đặc, nhiều lúc thấy con ngủ không đủ giấc nên mệt mỏi, thậm chí có biểu hiện căng thẳng, stress. Thấy con quay cuồng với lịch học mà vợ chồng tôi thấy thương vô cùng” – chị Khanh bày tỏ.

Nhiều lúc chị Khanh nghĩ, liệu có phải do gia đình kỳ vọng quá nhiều vào con cái mà vô hình trung tạo thêm áp lực lên cho cháu. Chị cho biết sẽ trao đổi với con, để từng bước hóa giải áp lực, giúp con có thể trạng, tinh thần tốt nhất để vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sắp tới.

Ứng phó với stress

Với học sinh, stress sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, có thể gây ra tình trạng bạo lực và lạm dụng chất gây nghiện và gây ra các rối loạn tâm thần phức tạp khác.

TS Hoàng Trung Học.

Theo TS Hoàng Trung Học – Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), đối với học sinh, trước kỳ thi, có thể xuất hiện các trạng thái cấp tính, liên quan đến học tập, thi cử - thường được gọi là stress học tập.

Chia sẻ về những dấu hiệu căn bản để có thể nhận biết stress học tập, TS Hoàng Trung Học cho hay, đó là cảm giác mệt mỏi, dễ cáu giận, mất kiểm soát cảm xúc; mất ngủ hoặc khó ngủ; trốn tránh việc học hoặc sợ học, sợ đến trường; suy giảm nhận thức, chú ý, trí nhớ…

“Trạng thái stress trong học tập có thể có lợi, có hại tùy theo mức độ và cách chủ thể ứng phó với stress. Stress kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng tâm lý, khả năng nhận thức và sức khỏe tâm thần. Do đó, stress ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống” - TS Hoàng Trung Học trao đổi.

TS Hoàng Trung Học.

TS Hoàng Trung Học.

Để ứng phó với stress, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh, về nguyên tắc có 2 tiếp cận: Thứ nhất, giảm áp lực bên ngoài và nâng cao năng lực “chịu tải” cho chủ thể. Thứ hai, vai trò của các gia đình rất quan trọng trong hỗ trợ phòng ngừa stress cho học sinh trước kỳ thi.

Theo đó, cha mẹ cần đồng hành, động viên, kịp thời hỗ trợ con giải quyết những khó khăn trong học tập; cùng con xây dựng mục tiêu học tập vừa sức và có kế hoạch khả thi để thực hiện. Cha mẹ tránh gây áp lực quá sức về mục tiêu học tập cho con. Gia đình hãy chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho các bạn ấy.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các con sinh hoạt và học tập khoa học, ngủ đủ giấc. Khi con gặp khó khăn, cần lắng nghe, khích lệ và chỉ cho con cách tích cực để con có thể tự ứng phó trước những tình huống khó khăn.

“Stress vừa sức và biết cách ứng phó với stress là stress tích cực, tạo động lực để hoạt động hiệu quả. Để trưởng thành, trong cuộc sống mỗi người phải học tập và trải qua những “kỳ sát hạch” khác nhau. Thi là một hình thức giúp các em vượt ngưỡng của chính mình” - TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Vì vậy, trước kỳ thi, các em cần bình tĩnh, suy nghĩ tích cực. Các em cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học và có kế hoạch ôn tập chủ động. Khó khăn có thể phát sinh nhưng các em không đơn độc.

“Cha/mẹ, thầy/cô luôn đồng hành cùng các em. Hãy chủ động chia sẻ những khó khăn với những người phù hợp để được hỗ trợ đúng cách, từ đó vượt lên chính mình trong quá trình trưởng thành” - TS Hoàng Trung Học chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Khuyến cáo với thí sinh, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho rằng, điều các em cần làm bây giờ là hướng về kỳ thi, bài thi với sự tự tin nhất.

Hãy dành thời gian suy nghĩ về một chiến lược tối ưu mà các em sẽ áp dụng khi vào phòng thi. Hãy hình dung mình sẽ ngồi trong phòng thi như thế nào để làm bài thoải mái nhất nhưng vẫn đúng quy chế.

“Nếu lo lắng vì gặp câu hỏi khó, hãy nhớ lại về những lần trước đây khi bạn giải các bài khó và tiếp tục kiên trì với những nguyên tắc chiến lược làm bài đã vạch ra” - PGS.TS Trần Thành Nam tư vấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ