Những kỹ năng sinh tồn cần dạy con trong mùa mưa bão

GD&TĐ - Với những diễn biến bất thường của mưa bão, bố mẹ cần trang bị cho con biết cách đảm bảo an toàn, kỹ năng thích nghi khi gặp thời tiết xấu.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trong mùa mưa bão cho người dân. Ảnh minh họa: Trà Hương.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trong mùa mưa bão cho người dân. Ảnh minh họa: Trà Hương.

Khả năng nhận diện nguy cơ

Vào mùa mưa bão, ở các khu vực có địa hình phức tạp luôn có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Vậy nên, việc giáo dục, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng ứng phó với mưa bão, lũ lụt... là vô cùng quan trọng, đồng thời từ đó sẽ giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội), để thích nghi trong tình hình thời tiết bất ổn, cha mẹ cần trang bị cho con kỹ năng sống cần thiết, tùy theo từng độ tuổi.

Đầu tiên, hỗ trợ các em kiến thức kỹ năng sinh tồn, biết tồn tại ở môi trường nước thế nào; khi chẳng may ngã xuống nước thì ngay lập tức phải bám vào cái gì, động tác vẫy tay ra sao để ngửa mặt được lên khỏi mặt nước; cách để thả mình trôi theo dòng nước, các động tác bơi để vượt ra khỏi chỗ nguy hiểm bám vào vật gì đó; các động tác sơ cấp cứu, cứu đuối nếu có xảy ra thì những trẻ lớn có thể cứu trẻ nhỏ; Rồi cứu đuối lên thì hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt thế nào…

Đối với trẻ nhỏ, có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong mùa mưa lũ, mà nguyên nhân chủ yếu là do các em thiếu sự quan tâm từ phía gia đình và đặc biệt là ở các em chưa được trang bị kỹ năng cần thiết để nhanh chóng thích nghi với môi trường hay ứng phó với thiên nhiên.

Muốn vậy, cần hướng dẫn cho trẻ nhận biết những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn do thiên tai gây ra như: Sấm sét, lốc xoáy, nơi sạt lở, nơi nước sâu, dòng nước chảy xiết… chỉ rõ cho trẻ biết biểu hiện của từng hiện tượng thiên tai và hậu quả của nó có thể xảy ra.

Kế tiếp là trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai. Kỹ năng quan trọng nhất là dạy bơi.

“Vào thời điểm nước lũ dâng cao, nhiều nơi bị ngập trong nước. Do đó, tai nạn đuối nước có thể xảy ra đối với các em bất cứ lúc nào. Một khi trẻ biết bơi, lỡ không may các em đi lại bị hụt chân té xuống nước, lúc đó tự bản thân các em biết bơi thì sẽ tránh được tai nạn đuối nước”, cô Hương cho hay.

Cũng theo cô Hương, kỹ năng tiếp theo là phòng chống sét đánh. Người lớn nên thường xuyên nhắc nhở trẻ, vào thời điểm có thể xảy ra sấm sét không ở ngoài đồng trống, không trú ẩn ở dưới gốc cây cao, cây cổ thụ; không cầm nắm hoặc tiếp xúc với những vật bằng kim loại có khả năng dẫn điện như: Dao, kéo,…; tuyệt đối không tiếp xúc điện thoại di động, các phích cắm điện, ăng ten tivi, quạt máy… nói chung là những thiết bị điện đang sử dụng khi trời mưa. Vì những loại thiết bị đó đều có nguồn điện. Một khi có nguồn điện thì khả năng dẫn điện từ nguồn sét là rất cao.

Bên cạnh đó, theo bản tính vốn có của những đứa trẻ thì các em rất thích vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa. Điều đáng nói là trước khi tổ chức cuộc chơi, nhiều trẻ gặp đâu thì chơi đó, các em chưa nhận biết nơi nào an toàn và nơi nào nguy hiểm. Vì thế, phụ huynh phải thường xuyên bên cạnh và hướng dẫn cho các em nhận biết những nơi không an toàn và không nên tổ chức chơi ở gần những nơi có dấu hiệu sạt lở (vết nứt), gần mé sông hay có dòng nước chảy xiết… Bởi, nếu chơi ở những khu vực này khả năng rủi ro gây tai nạn đáng tiếc rất cao.

an toan mua mua bao4.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Những tình huống khẩn cấp

Một điều quan trọng mà cha mẹ cần dạy trẻ chính là lưu số điện thoại về cứu hộ cứu nạn. Điều này không chỉ giúp trẻ có khả năng tự bảo vệ mình khi chưa thể liên lạc với người thân. Các số điện thoại quan trọng như cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát và các cơ quan phòng chống thiên tai cần được lưu cẩn thận trên điện thoại hoặc viết ra một tờ giấy dán ở nơi dễ tìm trong nhà.

Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ về việc sử dụng các số điện thoại này một cách có trách nhiệm. Chỉ nên gọi trong những tình huống thực sự khẩn cấp, ví dụ như khi bị mắc kẹt, gặp tai nạn do giông bão, hoặc phát hiện các nguy cơ mất an toàn như cây cối đổ, đường dây điện bị đứt. Trẻ cũng cần được học cách bình tĩnh xử lý tình huống và làm theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng khi gọi cứu hộ.

Theo cô Hương, giông bão thường kèm theo gió mạnh, sấm sét và mưa lớn, tất cả đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với trẻ nếu không được trang bị kiến thức an toàn và khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường, thiên tai. Cửa kính và mái nhà là hai khu vực nguy hiểm nhất trong nhà khi giông bão đến. Do đó, cha mẹ cần dạy trẻ tránh đứng gần cửa sổ, cửa ra vào hoặc các vị trí có nhiều cửa kính.

Nếu có thể, hãy khuyến khích trẻ tìm nơi an toàn hơn như phòng kín gió, ít cửa sổ hoặc vào phòng tắm để trú ẩn.

Trẻ em cũng cần được hướng dẫn cách đóng chặt tất cả cửa ra vào và cửa sổ, và tuyệt đối không nên chạy ra ngoài trong thời gian giông bão trừ khi có người lớn hướng dẫn trực tiếp.

Mái nhà cũng là một trong những khu vực nguy hiểm khác, đặc biệt là trong những căn nhà không được xây dựng kiên cố. Gió mạnh có thể làm tốc mái hoặc các vật thể từ trên mái rơi xuống, gây chấn thương cho người ở trong. Do đó, cần nhắc nhở trẻ nên tránh những khu vực có thể gây mất an toàn cho mình.

“Cha mẹ cần lưu ý, để trẻ thích nghi được với tình hình mưa bão hay thay đổi thời tiết cần trang bị cho con kỹ năng thật tốt. Có thể thực hành bằng cách lấy ví dụ hoặc trường hợp giả định để con có cơ hội trải nghiệm và dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh sống”, cô Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.