Các cấp quản lý, hiệu trưởng, giáo viên, ở các vùng miền khác nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, nêu giải pháp để triển khai Nội dung GDĐP theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018 thời gian tới bảo đảm hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Chinh Nương, giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội): Dạy học dự án là giải pháp tối ưu
Đặc điểm riêng của chương trình GDĐP cấp THCS là được biên soạn thành bộ tài liệu của một tỉnh/thành, có vị trí như sách giáo khoa, với nội dung thuộc nhiều lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp.
Trong quá trình thực hiện chương trình GDĐP các năm học vừa qua, Trường THCS Bế Văn Đàn đã áp dụng nhiều giải pháp giúp học sinh hứng thú với môn học như tham gia hoạt động trải nghiệm để được tìm hiểu địa phương qua thực tế, xây dựng mô hình lớp học đảo ngược, dạy học dự án…
Dựa trên những tài liệu hướng dẫn đã biên soạn của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với chương trình lớp 6 và 7, trong năm học 2022 - 2023, nhà trường đã chủ động thiết kế kế hoạch giáo dục bộ môn; tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Đối với nội dung của chương trình GDĐP, việc áp dụng phương pháp dạy học dự án thực sự rất hiệu quả vì học sinh được chủ động tiếp cận kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhà trường xem đây như một giải pháp tối ưu trong dạy học Nội dung GDĐP.
Sau thời gian thực hiện giảng dạy, chúng tôi cho rằng, để triển khai hiệu quả nên tiếp cận chương trình GDĐP như một môn học chính. Giáo viên giảng dạy cần đầu tư nghiêm túc đối với nội dung tiết dạy; tìm và thực hiện các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, chủ đề, nhóm chủ đề cũng như phải phù hợp với học sinh.
Nội dung GDĐP hướng tới trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương… Chính vì vậy, đầu ra của Nội dung GDĐP không chỉ là những bài kiểm tra đánh giá tự luận, trắc nghiệm mà có thể là một sản phẩm được học sinh thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên, miễn sao thể hiện được ý thức tìm hiểu, tình cảm của học sinh đối với quê hương.
Khi sản phẩm của học sinh là một bài cảm nghĩ, hay một bức tranh, một video về vấn đề địa phương… thì Nội dung GDĐP thực sự hiệu quả trong hình thành năng lực, phẩm chất học sinh. Đó chính là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm theo quy định trong Chương trình GDPT 2018.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) Phạm Văn Ngát: Thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí môn học
Ông Phạm Văn Ngát. |
GDĐP là một nội dung giáo dục quan trọng nhằm giúp học sinh hiểu, yêu, tự hào và có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội… của địa phương. Xác định tầm quan trọng của GDĐP, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện một số nội dung sau trong năm học 2023 - 2024:
Thứ nhất, triển khai tới 100% trường học trên địa bàn huyện các tài liệu, văn bản chỉ đạo của các cấp về chương trình GDĐP.
Thứ hai, yêu cầu các nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình GDĐP như: Tài liệu giảng dạy, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, giáo viên…
Thứ ba, xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy GDĐP trong các nhà trường.
Về giải pháp, để nâng cao hiệu quả giảng dạy Nội dung GDĐP, tôi cho rằng, trước hết cần thay đổi nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên về vai trò, vị trí của Nội dung GDĐP. Cụ thể, đây là hoạt động giáo dục bắt buộc tương đương như các môn học khác và có giá trị tích cực trong việc phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.
Cùng với đó, cần xây dựng kế hoạch giáo dục chi tiết, khả thi về việc thực hiện chương trình GDĐP; xác định rõ khó khăn, thuận lợi, biện pháp thực hiện… phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương và đơn vị. Xây dựng khung chương trình GDĐP của nhà trường phản ánh được rõ nét giá trị, nét độc đáo của địa phương nhằm quảng bá văn hóa, lịch sử… địa phương và bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho học sinh.
Điều đặc biệt quan trọng là cần lựa chọn giáo viên giảng dạy phù hợp, kết hợp với việc tổ chức hiệu quả, chất lượng các buổi tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên phụ trách giảng dạy nội dung này. Đổi mới hình thức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, trong đó có nội dung thảo luận về chương trình GDĐP nhằm thống nhất về nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp trong nhà trường.
Cũng cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học: Dạy theo chủ đề, dạy tích hợp với hoạt động trải nghiệm thực tế, sân khấu hóa, dạy học dự án, xây dựng hồ sơ học tập… Kết hợp với đó là đổi mới kiểm tra đánh giá (tập trung đánh giá theo quá trình, đánh giá sự đóng góp, cống hiến của học sinh) đối với các hoạt động chung trong chương trình GDĐP; đặc biệt là ý thức trách nhiệm trong quảng bá, lan toả giá trị văn hóa, lịch sử… truyền thống của địa phương).
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Lách (Bến Tre) Phan Thanh Sáng: Nhận thức đúng về nội dung
Ông Phan Thanh Sáng. |
Các lớp ở tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp vào các môn học và hoạt động trải nghiệm. Phòng GD&ĐT Chợ Lách chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học, xác định nội dung GDĐP được tích hợp, lồng ghép vào các môn học, hoạt động trải nghiệm thông qua kiểm duyệt của hiệu trưởng để đưa vào thực hiện đồng bộ giữa các giáo viên trong các lớp học.
Ngày 17/3/2023, Sở GD&ĐT Bến Tre tổ chức chuyên đề, thao giảng 1 tiết về giảng dạy nội dung tài liệu GDĐP. Sau chuyên đề đó, Phòng GD&ĐT Chợ Lách tiếp tục chỉ đạo hiệu trưởng tổ chức chuyên đề, thao giảng và thực hiện giảng dạy nội dung tài liệu GDĐP tại mỗi đơn vị trường tiểu học.
Hiện tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện Chợ Lách đều sử dụng tài liệu GDĐP của tỉnh Bến Tre để đưa vào kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ chuyên môn. Cụ thể, tích hợp và lồng ghép vào các môn học như Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc; có thể tổ chức sưu tầm tư liệu, hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể gắn với hoạt động trải nghiệm; tổ chức thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa như “sân khấu hóa”, dã ngoại, tham quan…
Từ triển khai trong thực tế, bài học kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra để tổ chức tốt nội dung GDĐP là: Cần nhận thức đúng đắn về nội dung GDĐP, không thể tách rời các hoạt động giáo dục của nhà trường. Từ đó, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đến nhà trường phải thực hiện nghiêm túc.
Phòng GD&ĐT cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, tư vấn, thúc đẩy để kịp thời giúp nhà trường triển khai thực hiện hiệu quả cho các năm học tiếp theo. Đội ngũ cán bộ quản lý các trường phải quan tâm, kịp thời trang bị tài liệu, thiết bị dạy học, huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường nhằm hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế cho học sinh; đồng thời có giải pháp phù hợp giúp giáo viên, học sinh thực hiện tốt nội dung GDĐP tại đơn vị.
Bản thân người giáo viên khi thực hiện chương trình GDĐP phải hiểu được ý nghĩa của việc làm; phải chịu khó tìm tòi các nguồn tư liệu để mở rộng kiến thức thực tế cho học sinh. Thầy cô cũng phải thiết kế các hoạt động nhằm thu hút học sinh trong tiết học; kết hợp tốt hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học để kích thích khả năng tư duy và chịu khó học tập, tìm hiểu về địa phương của các em.
Năm học tới, ngành GD-ĐT Chợ Lách sẽ tiếp tục thực hiện nội dung GDĐP hiệu quả thông qua hình thức tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định. Thực hiện giảng dạy chương trình GDĐP đáp ứng đúng yêu cầu giáo dục và dạy học nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề địa phương.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp: Giáo viên có vai trò quyết định
Ông Đỗ Tường Hiệp. |
Nội dung GDĐP ở bậc tiểu học được tích hợp với hoạt động trải nghiệm trong khung thời lượng 105 tiết học/năm học; bậc THCS và THPT tương ứng 1 môn học với thời lượng 35 tiết học/năm học (tương đương 1 tiết/tuần).
Tại Đắk Lắk, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn nghiên cứu kĩ nội dung của tài liệu GDĐP để xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học phù hợp với thực tế của nhà trường. Ví dụ, ở THCS, các nhà trường giao cho các tổ/nhóm chuyên môn của môn Ngữ văn, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân phối hợp với các tổ/nhóm chuyên môn có nội dung dạy học trong tài liệu để xây dựng kế hoạch giáo dục nội dung GDĐP trong nhà trường.
Kế hoạch dạy học nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng lĩnh vực/bài học phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương. Các nhà trường căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương được biên soạn theo các lĩnh vực, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề/bài học phù hợp với năng lực của giáo viên.
Về thực hiện kiểm tra, đánh giá, thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TTBGDĐT ngày 20/7/2021 quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT, Sở GD&ĐT hướng dẫn giáo viên dạy học lĩnh vực/bài học nào thực hiện việc kiểm tra đánh giá thường xuyên đối với lĩnh vực/bài học đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các lĩnh vực/bài học đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Đắk Lắk có đến 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Vì vậy, để dạy học hiệu quả Nội dung GDĐP, phát huy hết giá trị bộ tài liệu GDĐP của tỉnh, vai trò của giáo viên giảng dạy vô cùng quan trọng. Thầy cô phải am hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tích hợp, lồng ghép vào từng bài dạy, tạo hứng thú cho học sinh.