Không để dạy chay, học chay môn Giáo dục địa phương

GD&TĐ - Các địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương (TLGDĐP) nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn...

Học sinh huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) thăm di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, huyện Giá Rai (Bạc Liêu).
Học sinh huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) thăm di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, huyện Giá Rai (Bạc Liêu).

Chậm tiến độ vì vướng đủ thứ

Đã bước sang năm thứ 4 triển khai dạy học TLGDĐP nhưng hiện vẫn còn không ít địa phương gặp khó khăn trong khâu biên soạn, thẩm định. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa tổ chức in, phát hành tài liệu đúng tiến độ vì vướng các quy định về thẩm định giá, đấu thầu in ấn và phát hành.

Tại tỉnh Bạc Liêu, TLGDĐP lớp 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường tổ chức giảng dạy tài liệu này theo đúng quy định của Bộ.

Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT, đối với TLGDĐP lớp 2, 7, 10, do việc xuất bản gặp khó khăn, chưa đúng tiến độ nên để đảm bảo nội dung giáo dục địa phương (nội dung bắt buộc) trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường sử dụng file tài liệu (được phê duyệt) để giảng dạy trong thời gian chờ tài liệu xuất bản.

Đối với các lớp 6, 7, 8, 9, do chỉ được Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất cấp một phần, nên tỉnh không đủ tài liệu cấp phát cho học sinh. Hiện UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT đẩy nhanh tiến độ biên soạn TLGDĐP các lớp 4, 5, 11, 12 để đảm bảo kịp lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo bà Sang, việc biên soạn TLGDĐP còn gặp khó khăn, chưa đảm bảo tiến độ do đội ngũ tác giả là giáo viên của tỉnh không có kinh nghiệm.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, việc tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt TLGDĐP còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Nguyên nhân là việc biên soạn tài liệu đòi hỏi các tác giả phải có trình độ hiểu biết về địa phương trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; có kinh nghiệm, kỹ năng viết sách. Tuy nhiên, theo quy định thì nhóm tác giả phần lớn là những thầy cô mới tham gia lần đầu nên cần có thời gian sưu tầm, tìm hiểu, chọn lọc các nội dung để đưa vào tài liệu cho phù hợp từng cấp học, đối tượng học sinh.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính chính xác, chọn lọc các nội dung mang tính điển hình để đưa vào tài liệu cũng cần có góp ý của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn. Sau khi lấy ý kiến, Ban Biên soạn điều chỉnh đề cương tài liệu và tiếp tục lấy ý kiến lần 2. Do cách làm thận trọng, đảm bảo tính chính xác, khoa học, toàn diện và đây là lần đầu tiên địa phương làm công việc biên soạn cho nên mất rất nhiều thời gian.

Theo ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, việc in ấn, phát hành TLGDĐP còn nhiều khó khăn như chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục của cấp có thẩm quyền; thủ tục in ấn, phát hành phức tạp, liên quan đến nhiều luật như Luật Xuất bản, Luật Đấu thầu, Luật Giá... Tỉnh cũng gặp khó do một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đôi lúc chậm, chồng chéo, chưa rõ ràng như việc chi trả chế độ cho Hội đồng chọn sách giáo khoa tại địa phương; việc in ấn, phát hành TLGDĐP...

Giờ dạy Giáo dục địa phương cho học sinh tiểu học.

Giờ dạy Giáo dục địa phương cho học sinh tiểu học.

Cần lộ trình và sự chuẩn bị

Hiện, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt TLGDĐP lớp 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 của tỉnh Sóc Trăng. Trao đổi về giải pháp của địa phương, ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tiến độ biên soạn, thẩm định và tập huấn giáo viên thực hiện TLGDĐP phù hợp với tiến độ triển khai Chương trình GDPT 2018.

Thời gian biên soạn và thẩm định từ tháng 1/2020 đến 9/2024. Lộ trình cụ thể là năm 2020 biên soạn và thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học lớp 1; Năm 2021: lớp 2, lớp 3, lớp 10; Năm 2022: lớp 4, lớp 11; Năm 2023 lớp 5, lớp 12. Riêng TLGDĐP lớp 6, 7, 8, 9 được Dự án THCS vùng khó khăn nhất hỗ trợ biên soạn và hoàn thành trong năm 2022.

Theo ông Hồng, sau khi Bộ GD&ĐT phê duyệt TLGDĐP, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và hướng dẫn triển khai giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương ở các cơ sở giáo dục. Tỉnh triển khai TLGDĐP lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2, lớp 6 từ năm 2021 - 2022; lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022 - 2023.

Tại tỉnh Trà Vinh, TLGDĐP đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7; lớp 8, lớp 9, lớp 10, đồng thời tỉnh tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho 100% giáo viên các trường tiểu học, THCS. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương; thành lập Ban Biên soạn; thành lập Hội đồng Thẩm định.

Trong đó xác định cụ thể nội dung, tiến độ thời gian, kinh phí, phân công cụ thể cho các sở, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện. Sở GD&ĐT cũng xây dựng dự thảo và xin ý kiến của các sở, ban ngành của tỉnh, các địa phương, các Phòng GD&ĐT góp ý xây dựng khung tổng thể nội dung giáo dục địa phương...

Ở tỉnh Trà Vinh, sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt, Ban Quản lý dự án Giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất đã in và cung cấp cho Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và thư viện các trường THCS cho 100% học sinh lớp 6 trên địa bàn mượn và sử dụng, với số lượng là 19.001 quyển.

Việc in và cung cấp TLGDĐP lớp 7, 8, 9, Ban Quản lý dự án chỉ in và cung cấp cho các trường THCS thuộc 3 huyện mục tiêu của dự án, đó là: Huyện Trà Cú, huyện Cầu Ngang và huyện Cầu Kè. Đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại do địa phương thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ