Kỷ vật người lính ấy để lại chỉ có chiếc đàn acmonica, quyển nhật ký, những lá thư và hàng trăm bức ảnh, ký họa do chính anh chụp và vẽ từ 1968 đến 1972.
Đó chính là tài sản vô giá của một chiến sĩ - một nhân chứng lịch sử đã ghi lại cho thế hệ sau này biết được một phần của chiến tranh, với bom đạn bủa vây, giữa lằn ranh sống chết, chân dung người lính cụ Hồ, nghĩa tình quân dân... và khát khao ngày hòa bình, thống nhất, trở ra quê nhà.
Tuổi 20 sôi nổi
Chân dung người chiến sĩ - nhiếp ảnh chiến trường Phan Tứ Kỷ. |
Nhà báo Phan Duy Hương còn là một nhà thơ thiếu nhi với nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó có bài thơ “Chú ở bên Bác Hồ” ký tên Dương Huy đã được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 3. “Chú Nga đi bộ đội/ Sao lâu quá là lâu!/ Nhớ chú, Nga thường nhắc: Chú bây giờ ở đâu? Chú ở đâu, ở đâu?/ Trường Sơn dài dằng dặc?/ Trường Sa đảo nổi, chìm? Hay Kon Tum, Đắk Lắk? Mẹ đỏ hoe đôi mắt/ Ba ngước lên bàn thờ:/ Đất nước không còn giặc/ Chú ở bên Bác Hồ”. Bài thơ này vừa là nỗi niềm mong nhớ của ông Duy Hương với người em trai liệt sĩ, nhưng cũng là tiếng lòng chung của những gia đình có con, em vào chiến trường, hi sinh máu xương để bảo vệ Tổ quốc.
Nửa thế kỷ sau khi Phan Tứ Kỷ hi sinh, ông Phan Duy Hương (phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) quyết định tặng một phần kỷ vật của người em liệt sĩ cho Bảo tàng Quân khu IV. Để đi đến quyết định này, ông Hương cũng mất thời gian dài trăn trở, đắn đo.
Không phải “tiếc” kỷ vật muốn giữ riêng cho gia đình, mà đó là tất cả những gì còn lại của người em trai đã ngã xuống nơi chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa. Là nỗi nhớ nhung, niềm tự hào, và cả đau đáu khôn nguôi của người anh trai với cậu em út mà mình đã yêu thương, thay cha mẹ chăm sóc, nuôi khôn lớn để rồi “ra đi từ đó không về”.
Ông Phan Duy Hương kể: “Gia đình tôi vốn ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà nghèo, cha mẹ mất sớm nên 4 anh em chúng tôi đành ly tán, mỗi người nương nhờ nhà họ hàng, anh em lớn lên. Tôi là anh cả, khi đó đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Kỷ là em út, mới 10 tuổi, theo tôi vào Vinh sinh sống”.
Sinh ra ở làng quê hiếu học, vào cao đẳng đạt thành tích tốt, ông Phan Duy Hương là 1 trong 9 người đầu tiên của trường sau khi tốt nghiệp được Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm nhân sự thành lập tờ báo tỉnh. Vậy là nhờ đó, anh em bắt đầu sống tại khu tập thể của tòa soạn. Ông Phan Tứ Kỷ cũng trở thành em út, “chân sai vặt” của các cô chú, anh chị phóng viên, cán bộ báo Nghệ An.
Chính trong thời gian này, ông Phan Tứ Kỷ “mon men” học chụp ảnh và thân thiết với nhà báo Duy Liêu - người duy nhất có máy ảnh của tòa soạn lúc ấy. Học xong phổ thông, ông Kỷ được nhận vào làm việc tại Ty Lâm nghiệp Nghệ An, vào đội điều tra rừng Tân Kỳ. Nhờ năng khiếu đàn hát, viết lách và nhiệt tình, năng nổ, sau đó ông Kỷ được điều trở về Ty Lâm nghiệp phụ trách mảng Đoàn Thanh niên.
Khi đó, cậu cán bộ trẻ còn được giao cho chiếc máy ảnh của cơ quan để tiện ghi lại hình ảnh hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và công tác Đoàn. Đam mê với nhiếp ảnh của ông Phan Tứ Kỷ lại có cơ hội được thể hiện.
Năm 1968, chiến tranh căng thẳng, lệnh tổng động viên, ông Phan Tứ Kỷ xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. “Chú ấy đi khi vừa 20 tuổi, niềm tin phơi phới. Cha mẹ không còn, tôi đưa em vào Vinh nuôi lớn. Nó xung phong nhập ngũ, hôm lên đường cũng không kịp ghé về nhà”, ông Phan Duy Hương nhớ lại.
Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ nhập ngũ năm 1968 vào Sư đoàn 304 và được phân công vào Ban Chính trị. |
“Có người lính ra đi từ đó không về”
Ông Phan Tứ Kỷ nhập ngũ là lính của Sư đoàn 304, được phân công vào Ban Chính trị Sư đoàn vì sẵn năng khiếu viết lách, biết chụp ảnh... Thuộc sư đoàn chủ lực, ông Phan Tứ Kỷ và đồng đội không đóng quân một nơi mà tham gia bổ sung vào từng trận đánh rồi lại rút quân ra. Nhờ vậy, ông Phan Tứ Kỷ cũng có dịp ghé qua thị xã Vinh, nhưng lại không mấy khi được gặp anh trai vì ông Hương thường xuyên đi cơ sở vắng nhà.
Từ đó, là những ngày tháng dài anh em chỉ gặp nhau qua thư mà ông Phan Tứ Kỷ tranh thủ viết khi dọc đường hành quân, hay lúc nghỉ ngơi sau trận đánh. Lá thư đầu tiên viết ngày 21/12/1968 gửi cho anh trai dịp hành quân qua nhà, cậu tân binh viết: “Tranh thủ thăm anh, nhưng anh đã đi công tác. Hôm ra đi bộ đội, em không về được, em buồn lắm, giờ lại không được gặp anh. Lần này em đi B dài, có khả năng thống nhất mới trở ra. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao. Em có tiến bộ hơn trước nhiều, được kết nạp Đảng rồi… Em định xin anh chiếc bút máy nhưng không có… vội quá em phải đi hành quân”.
Lá thư đề ngày 22/9/1971, được ông Kỷ viết sau khi vừa trải qua một đợt sốt rét rừng “sức yếu hẳn đi” nhưng tinh thần vẫn kiên cường: “…sắp tới em lại lên đường. Em rất vui khi được góp sức lực và nhiệt tình cho cách mạng”.
Ông Phan Tứ Kỷ cũng nhắc đến nỗi vất vả, thiếu thốn của những ngày chiến đấu, đó là khi “mưa gió, cơm đùm cơm nắm, hái muối lá rau rừng ở chiến trường”.
Nhưng trong bất cứ lá thư nào, ông cũng tràn đầy lạc quan, tinh thần trách nhiệm. “Khó khăn gian khổ, ác liệt em tin ở em có đầy đủ nghị lực vượt qua và sẽ xứng đáng với danh hiệu Đảng viên của mình”.
Ông cũng không khi nào quên gửi lời hỏi thăm đến các chị, các o, các anh, các chú trong cơ quan và nhắc anh trai viết thư cho mình: “Địa chỉ của em không thay đổi đâu, vẫn là 6555002JA01”.
Dù trong thư ghi rõ địa chỉ hòm thư nhưng theo ông Hương, suốt thời gian dài sau đó anh em ông bặt tin nhau.
Thời chiến, thư từ cũng khó khăn, vất vả bởi điều kiện quân bưu. Cho đến năm 1973, ông Phan Duy Hương bất ngờ nhận được giấy báo tử của em trai mình. Theo thông tin giấy báo tử, Phan Tứ Kỷ hi sinh ngày 3/8/1972 tại Cam Lộ, Quảng Trị. Lá thư cuối cùng còn về sau cả giấy báo tử, đề ngày 2/8/1972, chỉ trước 1 ngày Phan Tứ Kỷ hi sinh.
“Trong 4 năm chú Kỷ nhập ngũ, chỉ có 1 lần em anh được gặp nhau ở Bến xe Vinh. Khi đó tôi chuẩn bị đi công tác, còn chú ấy và đơn vị đi qua Vinh. Tôi cũng không ngờ đó là lần gặp duy nhất và cuối cùng với em mình. Hai anh em nói chuyện chốc lát, chụp vội với nhau 1 bức ảnh rồi vội vã rời đi”, ông Hương nhớ lại.
Tấm ảnh đó, sau này khi nhận tin em trai mình đã không còn nữa, ông Phan Duy Hương đã cắt ra để lấy hình làm ảnh thờ.
Khi xem lại những kỷ vật em trai để lại, ông Phan Duy Hương thấy một bức ảnh Bác Hồ được gói cẩn thận, mặt sau là dòng chữ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân… Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”. Câu khẩu hiệu như để người lính trẻ xứ Nghệ ấy tự nhắc nhở mình luôn cố gắng, xứng đáng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
Nhân chứng lịch sử
Những hình ảnh liệt sĩ Phan Tứ Kỷ chụp tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. |
Lá thư viết ngày 2/8/1972, một ngày trước khi hy sinh, ông Phan Tứ Kỷ vẫn giữ tinh thần chiến đấu, và lo lắng cho mọi người: “Chiến tranh trở lại gây biết bao khó khăn. Thương các anh, các chị nhiều nhưng em không biết làm gì được. Riêng em có đi công tác nhiều, tương đối vất vả. Có lẽ anh đã nghe tin trong này đánh và thắng sao rồi.
Vừa rồi em có lấy được một số hình ảnh khá tốt về các đơn vị, con người và nhân dân vùng giải phóng (Mai Lộc, Ái Tử, thị xã Quảng Trị…). Tuy có vất vả thật đấy nhưng rất vui trong khí thế chung đó. Hiện nay, yêu cầu và nhiệm vụ còn nặng nề song em cũng cố gắng để làm tốt công tác của mình”.
Cũng trong lá thư ấy, ông Phan Tứ Kỷ nhắn nhủ anh trai như một linh tính: “Anh Hương ạ! Anh giữ cho em những bức ảnh của em để lại nhé. Đừng cho ai. Dù xấu đẹp gì nó vẫn có những kỷ niệm sâu sắc. Nếu có điều kiện anh cho em một số sách, báo, nhất là có bài của anh…”.
Theo ông Hương, di vật của người em liệt sĩ gửi về cho gia đình ngoài thư từ, nhật ký, chiếc kèn acmonica còn có gần 200 bức ảnh và nhiều trang ký họa được anh vẽ trên dọc đường hành quân.
Những bức ảnh đen trắng, đến nay qua nửa thế kỷ đôi chỗ bị ố màu, cháy mực in, nhưng vẫn rõ bố cục, nội dung. Đó là cảnh của một đơn vị đang bàn kế hoạch tác chiến trước trận đánh, một tiểu đội đang vượt sông, ảnh chụp trên đường hành quân, hay lính lái xe đang sửa ô tô bị hỏng…
Nhưng nhiều nhất là ảnh chiến trường với đủ góc độ chân thực, bởi nó được bấm máy bởi một chiến sĩ - một nhân chứng sống. Hình ảnh bộ đội ta nằm mai phục, tiến sát đến hàng rào gai, lúc tiến lên chạy về phía quân địch, xung quanh cột khói bom cùng đất đá mịt mù…
Hay khoảnh khắc những người lính vai khoác balo, trên lưng vẫn còn lá ngụy trang, từ đường hào xung phong ôm súng lao lên mang theo lá cờ Tổ quốc. Và cả phía sau làn đạn, bác sĩ chiến trường đang giành giật từng giây, từng phút để cứu sống bộ đội bị thương…
Bên cạnh tàn khốc chiến tranh, giữa sinh tử, góc máy của ông Phan Tứ Kỷ còn ghi lại nhiều khoảnh khắc tươi đẹp, bình yên. Ông chụp nụ cười tươi rói của những o du kích, thanh niên xung phong, hình ảnh xinh đẹp của nghệ sĩ đoàn văn công.
Còn có cả những em bé nhỏ ở những ngôi làng mà ông đã đi qua, về các mẹ, các chị bên khung cửi trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hình ảnh đời thường ấy, cũng chứa đựng khát vọng về ngày hòa bình, thống nhất để trở về với gia đình thân yêu.
“Em đang vẽ về những bức tranh ký họa trong quân đội, nhất là trong chiến đấu có nhiều đề tài, anh cũng biết đấy, em rất thích hội họa và ước mơ cũng chỉ thế thôi”, trong một lá thư, ông Kỷ viết cho anh trai nói về đam mê hội họa của mình và ước muốn sự khốc liệt của chiến tranh sẽ được ông truyền tải qua mảng ký họa.
“Đất nước không còn giặc, chú bây giờ ở đâu?”
Ông Phan Duy Hương - anh trai liệt sĩ Phan Tứ Kỷ bên một phần kỷ vật em trai để lại. |
Ông Hương bảo, em trai ông, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính, làm trọn trách nhiệm của người chụp ảnh chiến trường, bằng tất cả tinh thần dũng cảm, không lùi bước, để ghi lại hình ảnh về những năm tháng không thể nào quên. Chỉ có ước mơ của người lính tuổi 20 ấy, đã nằm lại mãi mãi nơi chiến trường, vẫn còn dang dở.
Và có một chuyện cho đến bây giờ vẫn khiến ông Hương từng đêm day dứt, đó là ông và gia đình chưa thể tìm được hài cốt của em trai mình. Theo ông Hương, ông đã nhiều năm ròng đi tìm mộ em trai dọc tuyến Bình - Trị - Thiên. Tuy nhiên, chuyến đi nào cũng vậy, đem theo bao hy vọng thì khi về chỉ còn là nỗi thất vọng tràn trề.
Những bức ảnh chiến trường được liệt sĩ Phan Tứ Kỷ chụp trong quãng thời gian từ 1868 - 1972 chưa từng được công bố rộng rãi. Hiện một số trong đó đã được nhà báo Phan Duy Hương phóng to, chụp lại đưa lên mạng xã hội.
Ông hy vọng, qua những bức ảnh này biết đâu người lính may mắn sống sót trở về sau cuộc chiến có thể nhận ra mình. Hoặc gia đình cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ vô tình nhìn thấy được người nhà trong ảnh của em trai ông gửi lại.
Năm 2021, gia đình ông Hương đã quyết định trao tặng một phần kỷ vật của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu IV. “Tôi mong muốn bảo tàng thay gia đình gìn giữ những trang thư, nhật ký, ảnh chiến tranh… của em trai mình để thế hệ sau biết đến một phần cuộc chiến của cha ông. Nếu giữ lại, thì chỉ riêng gia đình biết. Tôi cũng mong nếu có thể, được làm một cuộc triển lãm ảnh và ký họa của Phan Tứ Kỷ ghi lại nơi chiến trường Trị - Thiên, thực hiện được ước mơ còn dang dở của em tôi”, ông Phan Duy Hương nói.