Liệt sĩ, nhà văn Bùi Nguyên Khiết: Ngời sáng một vùng biên cương

GD&TĐ - Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác” thì nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết vẫn sống trong lòng người thân, bè bạn, như tấm gương soi sáng cho nhiều thế hệ nhà báo nước nhà.

Nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết (phải) trên chốt Lao Páo Chải.
Nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết (phải) trên chốt Lao Páo Chải.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Thành Long nhận xét, đó là con người sống đẹp, viết đẹp, chết đẹp... .

Khắc họa đậm nét qua âm nhạc

Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết.

Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết.

Khuya, tôi vào mạng nghe đi nghe lại ca khúc “Anh còn sống mãi với miền đất biên cương Lào Cai” của nhạc sĩ Hoàng Giai, thơ Pờ Sảo Mìn, qua tiếng hát của NSƯT Minh Quang mà lòng đầy xúc động.

Nỗi niềm ấy thôi thúc tôi phải viết gì đó về liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết - người đã hy sinh trên điểm cao 1378 chốt biên giới Lao Páo Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương (Lào Cai) đúng ngày 17/2/1979.

Tôi lấy trên giá sách hai cuốn “Bùi Nguyên Khiết - Văn chương và cuộc đời” (NXB Hội Nhà văn, năm 2014) do nhà văn Mã A Lềnh sưu tầm, biên soạn và cuốn “Mủa say say” (“Đi nhanh nhanh”, NXB Văn hóa dân tộc, năm 2018) của nhà thơ Pờ Sảo Mìn ra đọc để cảm nhận về liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết.

Bùi Nguyên Khiết là người Ninh Bình nhưng sau khi tốt nghiệp sư phạm ở Hòa Bình đã tự nguyện lên biên giới Lào Cai dạy học. Khi năng khiếu văn chương, báo chí bộc phát ông đã xin chuyển sang báo Hoàng Liên Sơn, trở thành một nhà báo, một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Mùa xuân năm 1979, khi tình hình biên giới có những căng thẳng ông đã đề xuất với tòa soạn được lên Mường Khương để phản ánh về không khí chuẩn bị chiến sự của quân và dân ta.

Sáng 17/2/1979 từ một người “chiến sĩ cầm bút” ông đã trở thành người chiến sĩ cầm súng bảo vệ biên cương và qua nhiều giờ chiến đấu gan dạ, dũng cảm ông đã anh dũng hy sinh khi mới ở tuổi 36.

Có lần dạo bước trên con phố Bùi Nguyên Khiết, phường Bình Minh, TP Lào Cai đầy nắng và gió, bỗng tôi nghe vẳng câu hát: “...Rừng biên cương tím ngát hoa mua/ Vẫn đang thở phập phồng bài văn, trang báo/ Vẫn tươi rói nét môi cười lồng lộng/ Vẫn tài hoa chân chất một con người...” (“Bùi Nguyên Khiết phố”, nhạc Triệu Lam Châu, thơ Lê Nhuệ Giang).

Bài hát của cố nhạc sĩ Triệu Lam Châu ra đời vào năm 2014 khi UBND TP Lào Cai quyết định đặt tên cho tuyến phố nối từ phố Nguyễn Hữu An tới phố 22 tháng 12 mang tên Bùi Nguyên Khiết.

Với giai điệu thành kính, tự hào mang đậm chất văn hóa vùng cao Tây Bắc, ca từ khúc chiết, giàu hình ảnh, bài hát đã một lần nữa làm sáng lên hình ảnh của một nhà báo, nhà văn đã hy sinh thân mình để bảo vệ mảnh đất Mường Khương yêu dấu.

Cũng mang tinh thần ca ngợi, thành kính như “Bùi Nguyên Khiết phố”, ca khúc “Anh còn sống mãi với miền đất biên cương Lào Cai” của nhạc sĩ Hoàng Giai là một bài hát cảm động khi phổ lời thơ người bạn thân thiết của liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết là Pờ Sảo Mìn.

Bài hát đã phổ trọn vẹn đoạn thơ trong bài “Người trẻ mãi không già”: “…Có một người giáo viên giản dị/ Đạp nhanh chiếc xe Thống Nhất/ Càng ghi-đông bên dài bên ngắn/ Mặc tấm áo bông xanh sờn cũ/ Lên lớp giảng mỗi sáng lạnh căm/ Đáng yêu và duyên dáng xiết bao/ Một khẩu súng đi săn không bắn bao giờ/ Với kẻ thù thì khác/ Những loạt đạn AK khạc ra lửa đỏ/ Thắp một vầng sáng/ Nơi biên cương Tổ quốc”.

Chỉ thế thôi mà người nghe đã có những mường tượng nhất định về người thầy giáo giản dị, hiền lành, hết lòng thương yêu học trò nhưng với kẻ thù lại vô cùng gan dạ, dũng cảm, kiên cường, như “ngọn đuốc” sáng vằng vặc nơi biên cương Tổ quốc.

Qua ký ức người em gái

Bà Bùi Thị Mỵ bên bảng tên đường phố mang tên anh trai mình, liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết.

Bà Bùi Thị Mỵ bên bảng tên đường phố mang tên anh trai mình, liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết.

Là thế hệ “sinh sau đẻ muộn”, tôi chỉ biết nhà văn Bùi Nguyên Khiết qua những trang văn ông để lại và đặc biệt là qua lời kể của người em gái của ông là bà Bùi Thị Mỵ. Trong cuộc trò chuyện cùng bà Mỵ tại tư gia ở phố Phương Mai (Hà Nội) không ít lần bà đã lấy tay gạt nước mắt khi kể về người anh trai yêu quý của mình.

Với người phụ nữ ở tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm” này thì ngày 17/2/1979 là ngày không thể nào quên. Đó là ngày anh trai của bà hy sinh sau hơn 6 giờ chiến đấu anh dũng với quân bành trướng ở điểm cao 1378 chốt biên giới Lao Páo Chải. Kể với tôi câu chuyện này, giọng bà Mỵ bỗng nghẹn lại.

Mỗi mùa xuân về lòng bà lại xốn xang nghĩ đến Lào Cai, nơi người anh của mình đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. “Nơi đây là con đường anh đã chọn, con đường mùa xuân vĩnh hằng của anh. Nơi đây bạn bè và nhân dân chân tình mộc mạc, đầy ắp tình thương yêu với anh mà không thể nơi nào có được, không ở đâu có được nữa”, bà Mỵ bộc bạch.

Lật mở từng trang sách trong cuốn “Bùi Nguyên Khiết - Văn chương và cuộc đời”, tôi rưng rưng xúc động khi đọc được những mẩu chuyện của bà Mỵ viết về anh trai của mình, đó là “Chuyện chiếc xe đạp”, “Năm kẹo vừng cho em”, “Cuốn băng ghi âm anh Khiết để lại”, “Con đường mùa xuân”.

Qua đây có thể thấy được Bùi Nguyên Khiết là người giàu cảm xúc, chu đáo, sống có trách nhiệm với gia đình, hết lòng thương yêu cô em gái bé bỏng của mình.

Bà Mỵ đã viết bài thơ xúc động về người anh của mình mang tên “Đường phố tên anh”: “Về thăm thành phố Lào Cai/ Đường Bùi Nguyên Khiết trải dài nắng lên/ Bước chân chộn rộn nỗi niềm/ Như bên anh tuổi thần tiên thuở nào.../ Chưa nhiều gác lớn nhà cao/ Mà sao đầy ắp lời chào quen thân/ Trường xinh, xưởng máy... thêm dần!/ Con đường chạy dọc mùa xuân sáng ngời/ Đông còn ấm nắng anh ơi!/ Trong vòng tay của những người thân yêu/ Đi trong chạng vạng nắng chiều/ Rưng rưng lòng giữa bao nhiêu ân tình/ Nghĩa đời, dân - nước, tử - sinh/ Mãi ngời sáng bởi tâm linh con người/ Mùa xuân trổ lộc sinh sôi/ Đường tên anh mãi mãi ngời yêu thương!”.

Đặc biệt bài thơ “Nỗi nhớ khôn nguôi” của bà cũng đã được nhạc sĩ Triệu Lam Châu phổ nhạc: “Ngày ấy hai anh thành liệt sĩ/ Em vừa mười tám đôi mươi/ Tóc mẹ bợt từng đêm một/ Mắt cha mờ vào cõi xa xôi…”.

Sống mãi trong lòng gia đình, bè bạn

Liệt sĩ, nhà văn Bùi Nguyên Khiết: Ngời sáng một vùng biên cương ảnh 3Liệt sĩ, nhà văn Bùi Nguyên Khiết: Ngời sáng một vùng biên cương ảnh 4

Bản nhạc “Nỗi nhớ khôn nguôi” và bản nhạc “Anh còn sống mãi với miền đất biên cương Lào Cai”.

Nói như nhà văn Lỗ Tấn: “Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác” thì nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết vẫn sống trong lòng người thân, bè bạn, vẫn như tấm gương soi sáng cho thế hệ nhà báo nước nhà.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Thành Long nhận xét, đó là con người sống đẹp, viết đẹp, chết đẹp. Nhà thơ Trúc Thông thì nói một cách hình tượng: “Khiết nó đẹp và trong sáng như bông hoa rừng Sa Pa, chỉ Lào Cai mới có được”.

Cũng là người miền xuôi lên Lào Cai dạy học, nhà văn Ma Văn Kháng có mối thân tình với Bùi Nguyên Khiết. Tác giả “Mùa lá rụng trong vườn” kể: “Năm Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Khiết viết thư cho tôi, nói đại ý: Anh Trỗi 24 tuổi đã chói sáng như một tấm gương anh hùng.

Tôi bằng tuổi anh Trỗi, chưa làm được cái gì ra hồn cho đất nước, tự thấy hổ thẹn quá! Sự thật thì Khiết cả cuộc đời đã có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Sống chân thành với cuộc sống, gắn bó máu thịt với đất nước bằng một tình yêu máu thịt, sẵn sàng xả thân để bảo vệ những điều thiêng liêng, đó là phẩm chất cao quý, là tư thế của một nhà văn chân chính đã được biểu hiện rực rỡ ở anh”.

Nói đến những người bạn tri âm, tri kỷ của Bùi Nguyên Khiết sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nhà văn Mã A Lềnh. Chính nhà văn người Mông này đã cất công lặn lội nhiều lần từ Lào Cai về quê hương Xích Thổ (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) của bạn rồi ra Hà Nội gặp gỡ bà Mỵ để sưu tầm và biên soạn cuốn sách dày hơn 600 trang, mang tên “Bùi Nguyên Khiết - Văn chương và cuộc đời”.

Đây chính là cuốn tư liệu lịch sử quý giá với ăm ắp những tác phẩm nổi tiếng một thời, như “Ông cháu người bắt rắn”, “Đi bên một vì sao”, “Bóng dáng thân yêu”, “Mùa hoa ban nở”… và cả những dòng tâm sự của rất nhiều nhà văn, nhà báo dành cho người bạn quá cố. Cuốn sách nói như “con gái rượu” của nhà văn là chị Bùi Thị Nguyên Khánh (hiện là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Chờ số 2, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là “để bố sống mãi với người và đất biên cương Lào Cai”.

Giờ đây trên mảnh đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” không chỉ có một con phố mang tên Bùi Nguyên Khiết mà còn có một Quỹ học bổng mang tên ông mà cách đây mấy năm nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Đồn Biên phòng Pha Long, UBND xã Tả Ngải Chồ cùng Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực gây dựng để khuyến khích, động viên các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên ở nơi ông đã hy sinh.

Quỹ học bổng ra đời đã thực hiện ý nguyện dang dở của thầy giáo Bùi Nguyên Khiết lúc sinh thời, đó là làm sao thúc đẩy ngành Giáo dục Lào Cai phát triển, để có những người con có tri thức và tâm huyết xây dựng quê hương miền biên viễn giàu đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.