Những khó khăn cần tháo gỡ khi triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Bên cạnh kết quả đạt được thì còn nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình SGK GDPT ở Vĩnh Phúc.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Kết quả tích cực

Sau khi giám sát tại địa phương và các đơn vị liên quan, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời ghi nhận kết quả, đánh giá những ưu điểm, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, tổng hợp một số đề xuất, kiến nghị để chuyển đến Quốc hội nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT, hầu hết các cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều có bước chuẩn bị tốt về các điều kiện triển khai. Theo đó, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 theo đúng lộ trình của Bộ GD&ĐT; thực hiện đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Đơn cử như tại thành phố Phúc Yên, theo đánh giá của các nhà trường, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT được các nhà trường triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh; đổi mới phương pháp dạy học và quản trị giáo dục của các nhà trường. Các thầy, cô giáo đã nắm được yêu cầu của chương trình, SGK mới, vận dụng hiệu quả vào thực tế giảng dạy, dần khắc phục lối dạy học, kiểm tra đánh giá áp đặt một chiều, tích cực thay đổi cách dạy theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Đối với học sinh, quá trình học đã từng bước phát huy năng lực học tập cá nhân, nhiều học sinh tự tin, mạnh dạn chia sẻ, hợp tác với bạn bè, thầy cô trong quá trình học tập và sinh hoạt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Cũng theo các nhà trường, kết quả học tập của học sinh đã cơ bản đáp ứng mục tiêu chương trình lớp học.

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên Trường THPT Lê Xoay, huyện Vĩnh Tường, triển khai Chương trình GDPT 2018. Nhà trường đã được Sở GD&ĐT bổ sung 28 giáo viên, nên cơ bản đủ giáo viên. Hầu hết các giáo viên đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo các mô đun về thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phân tích kỹ điều kiện thực tiễn của đơn vị, nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục năm 2022-2023. Kế hoạch giáo dục đã khai thác các quyền tự chủ của nhà trường, tổ chuyên môn, của từng giáo viên về thời gian, phân phối chương trình, điều tiết định mức môn học theo từng thời điểm... phát huy được các ưu thế cũng như khắc phục, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai chương trình và SGK mới của nhà trường đã nhận được sự đồng thuận cao của học sinh và phụ huynh. Vì vậy, việc triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường từ đầu năm đến nay cơ bản đều thuận lợi.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi khảo sát về đổi mới chương trình, SGK ở Trường THPT Lê Xoay huyện Vĩnh Tường.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi khảo sát về đổi mới chương trình, SGK ở Trường THPT Lê Xoay huyện Vĩnh Tường.

Đa số các thầy cô giáo, học sinh và đội ngũ cán bộ ngành Giáo dục đều có chung nhận định: Đổi mới chương trình, SGK GDPT đặt ra tại Nghị quyết của Quốc hội là phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn. Công tác chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra thuận lợi; việc lựa chọn SGK, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật; việc triển khai tổ chức dạy học chương trình GDPT mới diễn ra theo đúng lộ trình.

Tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thuận lợi cơ bản, còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Giáo dục Vĩnh Phúc trong công tác triển khai thực hiện đổi mới chương trình SGK GDPT.

Theo Ban Giám hiệu một số nhà trường, giá SGK còn cao so với mức thu nhập của đa số người dân, nhất là các vùng khó khăn hoặc các hộ nghèo; đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, một số giáo viên triển khai dạy chương trình mới chưa hiệu quả, còn lúng túng, hạn chế trong đổi mới phương pháp dạy và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; sử dụng SGK chưa linh hoạt. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các lớp mới triển khai hằng năm chưa được trang bị kịp thời.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giám sát, làm việc với Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giám sát, làm việc với Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Các nhà trường đề nghị tỉnh quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực lãnh đạo và thực hiện đổi mới quản lý, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ năng lực tổ chức dạy học; có sự lựa chọn, kế thừa SGK. Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí tăng cường phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục trong nhà trường. Sở GD&ĐT cần ban hành nhiệm vụ năm học sớm để các nhà trường kịp thời lập kế hoạch giáo dục; ban hành nội dung, tài liệu dạy giáo dục địa phương sớm hơn để không ảnh hưởng tới việc phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu và mọi hoạt động của các nhà trường.

Đại diện trường THPT Lê Xoay cũng chia sẻ nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình SGK như: Việc chuyển đổi môn Lịch sử từ môn học lựa chọn trở thành môn học bắt buộc làm nảy sinh những bất cập mới; học sinh vào lớp 10 phần lớn đăng kí các môn học tự chọn theo tư vấn của gia đình hoặc chủ quan cảm tính; trong chương trình mới có các môn lựa chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng nhà trường chưa có giáo viên ở bộ môn này. Nhà trường cũng chưa được đầu tư thiết bị dạy học theo chương trình mới.

Từ đó nhà trường mong muốn Đoàn ĐBQH kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT quan tâm một cách đồng bộ các yếu tố: Chương trình, bản mẫu SGK, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; điều kiện cơ sở vật chất; cơ chế quản lý; chính sách riêng cho ngành Giáo dục bảo đảm quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Đồng thời, mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giải quyết các tình huống thực tiễn như việc học sinh xin thay đổi môn học lựa chọn, quy chế thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2025. Do chương trình Giáo dục 2018 có nhiều thay đổi so với chương trình trước đây, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cần xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo thay thế các văn bản hiện hành về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Tại các cuộc giám sát, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận những thuận lợi, khó khăn, nhất là những vướng mắc trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, sau giám sát, Đoàn sẽ tham vấn thêm ý kiến của chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành Giáo dục về những vấn đề các thầy cô đặt ra, từ đó có kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ trong thời gian tới. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, Đoàn sẽ gửi báo cáo giám sát đến UBND tỉnh xem xét, tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.