Vào cuộc đồng bộ
Báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), ông Nguyễn Thanh Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh khẳng định, chương trình GDPT 2018 được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.
Ông Phi cho biết, nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng các phương pháp giáo dục mới như: Mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…và đổi mới kiểm tra, đánh giá. Do đó, hầu hết giáo viên các cấp học được làm quen, nhiều thầy cô đã vận dụng thành thạo.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. |
“Chương trình GDPT 2018 có tính cập nhật, kế thừa và tính mở, giúp các trường vừa phát huy kinh nghiệm từ triển khai Chương trình GDPT hiện hành, vừa phát huy khả năng sáng tạo, linh hoạt, thích ứng của cán bộ quản lý, giáo viên.
Đội ngũ giáo viên phổ thông cơ bản đủ về số lượng và cơ cấu theo môn học, hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ được đào tạo (khoảng 88,5%) theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nhà giáo, luôn học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Phi nhấn mạnh.
"SGK mới đã xây dựng mạch kiến thức theo các chủ đề gần gũi, thân thiện với học sinh. Bố cục, cấu trúc rõ ràng, trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mĩ, tạo được hứng thú cho học sinh, lượng kiến thức truyền thụ phù hợp, gắn liền với thực tiễn cuộc sống…", ông Nguyễn Thanh Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh
“Thực tế, giá của SGK tương đối phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, mức sống của người dân. Tuy nhiên, đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều con em học trong một gia đình ở địa phương thì giá SGK mới tương đối cao (nhất là SGK Tiếng Anh)”, ông Phi cho biết.
Cũng theo ông Phi, chương trình GDPT 2018 được hướng dẫn giảng dạy theo hướng mở, giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện còn một số khó khăn do giáo viên quen theo khuôn mẫu. Ban giám hiệu một số trường chưa có kinh nghiệm, lúng túng khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Ông Nguyễn Thanh Phi báo cáo tại buổi làm việc. |
“Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học của huyện chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế tại các đơn vị. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số ứng viên đến đăng ký thi tuyển giáo viên không đủ so với nhu cầu.
Cấp THCS còn gặp khó khăn đối với môn Khoa học tự nhiên do giáo viên chỉ được đào tạo một hoặc hai phân môn theo chuyên ngành đào tạo trước đây. Trước mắt chưa thể có giáo viên đủ trình độ để dạy được cả 3 phân môn của môn học,…”, ông Phi nêu một số khó khăn mà huyện Lộc Ninh đang gặp phải.
Triển khai đến đâu chắc đến đó
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thay mặt đoàn giám sát nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện chương trình mới, dù có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các trường, nhà giáo, đây là một điểm mới của chương trình.
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của thầy cô giáo trong việc triển khai chương trình mới sau khi kiểm tra thực tế tại Trường THCS Lộc Tấn. |
Qua làm việc với các Trường Tiểu học Lộc Quang và THCS Lộc Tấn, Đoàn giám sát ghi nhận tinh thần làm việc tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô giáo. Các cán bộ quản lý, giáo viên đã thể hiện ý chí quyết tâm cố gắng triển khai, thực hiện chương trình mới. Mỗi thầy cô đã thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm của mình, có nhiều cách làm, giải pháp để khắc phục khó khăn.
“Thay đổi chương trình sách giáo khoa là một sự thay đổi lớn, không tránh khỏi những lúng túng, bỡ ngỡ. Cùng một lúc, giáo viên không chỉ hoàn thành nhiệm vụ dạy, mà còn phải tiếp cận phương pháp, cách dạy mới, học nâng chuẩn để đạt được yêu cầu Luật Giáo dục 2019. Nhiều thầy cô ở những trường thiếu giáo viên phải dạy bù cho những số tiết đang trống giáo viên”, bà Hoa ghi nhận.
"Đất nước đang đi trên con đường đổi mới, trong đó đổi mới giáo dục là yếu tố có tính chất quyết định cho các đổi mới khác. Mong UBND huyện Lộc Ninh có sự lãnh đạo sâu sát, trực tiếp và quyết tâm, quyết liệt nhưng hết sức sức thận trọng để các đơn vị làm đến đâu, chắc đến đó. Tất cả kết quả đạt được phải thực chất, dù có thể từng bước rất ngắn", bà Hoa nhấn mạnh.
“Để giữ chân và giúp các thầy cô yên tâm với công việc của mình, Quốc hội, Bộ GD&ĐT đang kiên trì trong việc làm sao để xác định cơ chế chính sách hợp lý cho giáo viên. Tuy nhiên cũng mong muốn huyện Lộc Ninh có thể có phương cách, phương thức nào đấy động viên kịp thời, để các thầy cô có động lực thực hiện nhiệm vụ”, bà Hoa gửi gắm.
“Các trường luôn được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các ngành, các cấp trong việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK. Hầu hết các cơ sở giáo dục có sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học nói chung và triển khai Chương trình GDPT 2018 nói riêng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, luôn chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ”, ông Phi khẳng định.