Giám sát triển khai Chương trình mới tại Phù Cát (Bình Định)

GD&TĐ - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) về đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Chiều 24/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Đoàn giám sát do ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu. Tham dự buổi làm việc còn có ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định và UBND huyện Phù Cát.

Hoạt động trải nghiệm trong chương trình mới đầy bổ ích

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát (Bình Định) cho hay, qua 3 năm triển khai chương trình SGK mới đối với 1, 2, 3 và lớp 6, 7, các trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Thầy cô cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng SGK và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học phù hợp thực tiễn.

Ông Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ các bộ quản lý các cấp tiểu học, THCS hiện có của Phù Cát là 1427 người. Trong đó, cấp tiểu học có 792 người, THCS 635 người. Cán bộ quản lý, giáo viên đã đăng ký và hoàn thành 6/9 mô đun bồi dưỡng theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Bình Định.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, Phù Cát gặp nhiều thuận lợi về điều kiện cơ sở vật chất do đã có quá trình chuẩn bị trước đó. Số trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 23/25 trường, THCS là 18/18 trường. 100% trường tiểu học có thư viện, trong đó có 22 thư viện đạt thư viện tiên tiến, 1 thư viện đạt xuất sắc và 2 thư viện đạt chuẩn. Cấp THCS có 18/18 thư viện đạt chuẩn. Kinh phí xây dựng trường lớp từ năm 2018 đến nay là 120,6 tỷ đồng từ nhiều nguồn… Ngoài ra, trang bị tivi cho 100% phòng học dạy lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7 ở tất cả các trường trên địa bàn huyện góp phần nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Đánh giá SGK giáo dục phổ thông mới, ông Hưng cũng nêu một số khó khăn nhất định. Cụ thể, khi tập huấn về bộ SGK thì số lượng sách cung cấp quá ít, không đủ cho tất cả giáo viên tham khảo, giáo viên chủ yếu được các nhà biên soạn giới thiệu sách qua online, trực tuyến. Hằng năm các trường trên địa bàn huyện Phù Cát nhận được sự tài trợ SGK của các tổ chức, hỗ trợ SGK để các em có hoàn cảnh khó khăn tại một số trường có điều kiện tham gia học tập. Tuy nhiên số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Vị đại diện Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

“Cần thiết hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, cần tăng tỉ lệ cho giáo viên tiểu học. Hiện tại 1,5 giáo viên/lớp là không phù hợp để đảm bảo điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Hưng kiến nghị.

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, thầy Nguyễn Minh Quang – Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lâm cho hay, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thực hiện xuyên suốt trong năm học. “Đây là hoạt động giáo dục rất bổ ích do chính giáo viên tổ chức cho học sinh của mình nên hiệu quả thu lại rất cao, tạo được hứng thú cho học sinh. Trường tôi đã tổ chức cho học sinh đi các cơ sở, làng nghề tại địa phương qua đó giúp học sinh tiếp cận rất tốt”, thầy Quang cho biết thêm.

Thầy Nguyễn Minh Quang – Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lâm nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Thầy Nguyễn Minh Quang – Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lâm nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Đồng quan điểm với thầy Quang, cô Lê Thị Hồng Lâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Hiệp cho rằng, về hoạt động trải nghiệm cho học sinh, trường đã tổ chức rất thành công. Bởi trường có mô hình vườn trải nghiệm, vườn hoa, vườn rau... nên học sinh khi được học trải nghiệm rất phấn khởi.

“Tuy nhiên việc trải nghiệm ngoài nhà trường vẫn còn một số khó khăn nhất định, cụ thể là học sinh còn quá nhỏ, điều kiện kinh tế phụ huynh cũng còn khó khăn…”, cô Lâm chia sẻ

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho rằng, về cơ sở vật chất dự kiến trong năm nay chi thường xuyên của huyện cho giáo dục là 53% tổng ngân sách địa phương. “Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho ngành giáo dục, ở đâu có học sinh là ở đó có trường lớp và thầy cô giáo”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, đối với vấn đề chương trình nội dung SGK, UBND huyện thường xuyên theo dõi và lấy ý kiến chuyên môn từ giáo viên, đa số những tín hiệu tích cực từ giáo viên, người học…

Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho biết, ngân sách chi thường xuyên của huyện cho giáo dục là 53%. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho biết, ngân sách chi thường xuyên của huyện cho giáo dục là 53%. Ảnh: Hoàng Vinh.

Kết luận tại buổi giám sát, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thay mặt đoàn giám sát đã ghi nhận sự chuẩn bị của UBND huyện Phù Cát về các nội dung đáp ứng cơ bản đoàn giám sát đề ra. Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng ghi nhận sự đóng góp của địa phương trong sự nghiệp giáo dục và thực hiện chương trình GDPT 2018.

Ông Đinh Công Sỹ cho rằng, sự quan tâm của huyện thể hiện ở việc tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy trong chương trình mới.

“Qua trao đổi, chúng tôi thấy rằng các giáo viên có sự tiếp nhận và hào hứng với chương trình GDPT 2018, đã khắc phục được khó khăn, chủ động trong công tác giảng dạy. Về phía học sinh đã có những hứng thú với chương trình mới. Đặc biệt là sự tự tin trong các học sinh”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Sỹ cũng ghi nhận địa phương có nhiều cách làm hay, nền tảng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỉ lệ cao… Ngoài ra, cơ sở vật chất, phòng chức năng được đầu tư bài bản.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Đinh Công Sỹ, giáo viên giảng dạy môn học mới theo phương pháp tích hợp vẫn còn một số khó khăn, một số học sinh còn tiếp cận chậm với chương trình…

“Trong thời gian tới, cũng đề nghị huyện Phù Cát quan tâm đến giáo dục về cơ sở vật chất, quan tâm về biên chế theo quy định. Nhất là có sự chuẩn bị giáo viên cho các khối phía sau triển khai chương trình mới”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.