Những vụ án này đã trở thành nguồn cảm hứng cho các cuốn sách, bộ phim đương đại.
Taman Shud
Sáng 1/12/1948, thi thể một người đàn ông không rõ danh tính được tìm thấy trên bãi biển Somerton, ở Adelaide, Australia. Người đàn ông không có vết thương trên cơ thể nên không thể đoán được nguyên nhân tử vong. Vì không rõ danh tính, cơ quan điều tra gọi nạn nhân là “người đàn ông Somerton”.
Nạn nhân mặc áo sơ mi trắng, đeo cà vạt đỏ, trang phục gọn gàng, không có dấu hiệu xô xát. Cơ quan điều tra tìm thấy trên người nạn nhân một tấm vé tàu hỏa đến bãi biển Henley, một vé xe bus đến ngoại ô North Glenelg, một gói kẹo cao su, một bao thuốc lá, một chiếc khăn tay, một chiếc lược kim loại và một bao diêm hãng Bryant & May. Tuy nhiên, toàn bộ quần áo của nạn nhân đều bị cắt mác. Căn cứ theo những đồ vật này, cơ quan điều tra cho rằng “người đàn ông Somerton” là người Mỹ.
Trong túi áo ngực của nạn nhân, cảnh sát còn tìm thấy một mảnh giấy gấp lại có dòng chữ “Taman Shud”. Trong tiếng Ba Tư, cụm từ này có nghĩa là “kết thúc”. Mảnh giấy được cho là xé từ tập thơ “The Rubaiyat” của nhà thơ người Iran, Omar Khayyam do New Zealand xuất bản.
Kết quả khám nghiệm tử thi là suy tim, dẫn đến tim ngừng đập và gây ra cái chết cho nạn nhân. Tuy nhiên, bệnh suy tim có thể gây ra bởi thuốc độc do nạn nhân tự uống hoặc bị ép buộc. Vì không có thêm manh mối, vụ án “người đàn ông Somerton” được công bố rộng rãi tại Australia. Cảnh sát hy vọng người dân có thể có manh mối giúp thúc đẩy quá trình điều tra.
Không lâu sau, một người đàn ông đến sở cảnh sát để giao nộp một cuốn sách chứa cụm từ “Taman Shud” bị xé rách. Người này khai rằng, vào thời điểm phát hiện sự việc, ông và anh rể có mặt cách bãi biển Somerton vài mét. Họ phát hiện tập thơ “The Rubaiyat” ở ghế sau nhưng đều cho rằng là của người còn lại. Khi biết tin cảnh sát đang tìm kiếm cuốn sách tương tự, người này mang đến giao nộp.
Phông chữ trong tập thơ hoàn toàn khớp với phông chữ “Taman Shud”, đồng thời, dòng chữ này cũng bị xé khỏi tập thơ. Trong cuốn sách còn có hai số điện thoại và dòng mã bí ẩn. Số điện thoại đầu tiên không thể liên lạc nhưng số thứ hai kết nối đến Jestyn, nữ y tá sống gần bãi biển Somerton.
Jestyn khai rằng không biết “người đàn ông Somerton” nhưng thừa nhận tặng tập thơ này cho một người đàn ông tên là Alfred Boxall. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Jestyn là y tá trong quân đội trong khi Boxall là một sĩ quan. Cảnh sát vội truy tìm Boxall nhưng anh ta vẫn còn sống và vẫn giữ tập thơ được Jestyn tặng.
Khi Jestyn nhìn thấy thi thể nạn nhân, cô bất ngờ đến mức suýt ngất đi. Cảnh sát nghi ngờ Jestyn có quen biết nạn nhân nhưng cô một mực phủ nhận. Do điều tra Jestyn không có kết quả, cảnh sát phải quay sang với dòng mã bí ẩn trong cuốn sách.
Dưới tia cực tím, mật mã hiện lên gồm 5 dòng trong đó dòng thứ hai bị gạch bỏ. Giữa 3 dòng đầu tiên và 2 dòng cuối cùng được ngăn cách bởi dấu “x”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thể giải được mật mã. Họ nghi ngờ dòng chữ là viết tắt chữ cái đầu của một câu thơ hoặc nội dung tương tự.
Ngày 14/6/1949, cảnh sát quyết định an táng cho “người đàn ông Somerton”. Họ ướp xác, đúc thạch cao phần đầu và thân trên của nạn nhân để bảo quản thi thể trong trường hợp cần phải khai quật. Đến nay, vụ án “người đàn ông Somerton” vẫn là bí ẩn không lời giải đáp nổi tiếng tại Australia. Chúng ta không bao giờ biết chính xác người đàn ông này là ai hay điều gì đã xảy ra với anh ta.
Sát nhân Hoàng đạo
Hầu hết kẻ giết người đều che giấu tội ác của họ nhưng Zodiac Killer (Sát nhân Hoàng đạo), còn gọi là Zodiac, lại sẵn sàng công khai hành động của mình. Từ 1968 - 1969, hắn đã “khủng bố” bang San Francisco qua việc giết người, thách thức công chúng và cơ quan điều tra tìm ra danh tính của mình.
Hai nạn nhân đầu tiên của Zodiac là David Faraday (17 tuổi) và bạn gái Betty Lou Jensen (16 tuổi). Họ bị bắn vào ngày 20/12/1968 gần hồ Herman, vùng ngoại ô Vallejo.
Ngày 5/7/1969, Darlene Ferrin (22 tuổi) và bạn trai, Mike Mageau (19 tuổi) bị bắn nhiều phát đạn vào người khi đang ngồi trong xe ở vùng ngoại ô Vallejo. Một giờ sau sự việc, Sở cảnh sát Vallejo nhận được cuộc gọi kỳ lạ thông báo vị trí hai nạn nhân bị sát hại. Đồng thời, người gọi tự nhận đã giết Faraday và Jensen gần một năm trước.
Một tháng sau, ba tờ báo San Francisco Examiner, San Francisco Chronicle và Vallejo Times Herald cùng nhận được lá thư viết tay không ghi địa chỉ. Mở đầu bức thư với dòng chữ: “Kính gửi ban biên tập. Tôi chính là kẻ giết hai thiếu niên vào Giáng sinh năm ngoái ở hồ Herman”.
Bức thư miêu tả quá trình giết người mà chỉ hung thủ mới có thể biết được. Hắn đe dọa sẽ tiếp tục ra tay nếu bức thư không được đăng trên trang nhất. Cuối bức thư, hắn vẽ biểu tượng hình tròn lồng chữ thập cùng với một mã chứa danh tính của hắn ta.
Vài ngày sau, Donald Harden, giáo viên trung học cùng vợ, Bettye, đã giải được mật mã. Nó viết: “Tôi thích giết người vì điều này rất vui. Thậm chí vui hơn trò săn bắn trong rừng vì con người là loài động vật nguy hiểm nhất”.
Sau đó, Zodiac tiếp tục thực hiện tội ác. Hai nạn nhân tiếp theo là đôi vợ chồng Cecelia Shepard và Bryan Hartnell. Cả hai bị đâm nhiều nhát, trong đó Hartnell đã qua đời vì vết thương quá nặng. Hắn gọi điện đến Sở Cảnh sát Napa để kể lại tội ác và chỉ dẫn khu vực gây án.
Ngày 11/10/1969, Zodiac sát hại tài xế taxi 29 tuổi, Paul Stine. Cảnh sát xác định đây là vụ cướp. Tuy nhiên, hung thủ đã gửi thư nặc danh đến tờ báo San Francisco Chronicle để xác nhận vụ án này chính là của Zodiac.
Dù có dấu vân tay, nội dung mật mã, bản phác thảo ngoại hình do nạn nhân cung cấp, cảnh sát vẫn không thể tìm ra Zodiac. Hắn vẫn tiếp tục gửi mật mã kèm lời chế giễu đội ngũ cảnh sát. Tuy nhiên, đến năm 1974, các bức thư không còn được gửi đến.
Bí ẩn xung quanh vụ án Zodiac vẫn thu hút công chúng và truyền cảm hứng cho nhiều giả thuyết về danh tính kẻ giết người. Tuy nhiên, cho đến nay, đáp án thực sự vẫn còn để ngỏ.
Quái vật 21 mặt
Ngày 18/3/1984, hai người đàn ông đeo mặt nạ, có vũ trang đột nhập vào nhà mẹ đẻ của Katsuhisa Ezaki, Giám đốc Điều hành Công ty đồ ăn Glico. Họ trói bà, lấy đi chìa khóa nhà của Ezaki và tấn công sang nhà người con trai.
Hai gã đàn ông bắt cóc Ezaki và đòi tiền chuộc là 1 tỷ yên cùng 100kg vàng miếng. Kế hoạch của nhóm thất bại khi Ezaki trốn thoát được ba ngày sau đó.
Mọi chuyện tưởng đã chấm dứt nhưng vài tuần sau, một vài xe ô tô trong bãi đậu xe của Công ty Glico bị phóng hỏa. Sau đó, một thùng chứa axit và thư đe dọa gửi cho Ezaki được tìm thấy ở Ibaraki, nơi đặt nhà máy sản xuất kẹo của Glico.
Trong thư, kẻ nặc danh tuyên bố đã tẩm chất độc Kali Xyanua vào kẹo của Glico. Những gói kẹo này đã được đem bày bán trên khắp các cửa hàng tạp hóa. Cuối thư có chữ ký “Quái vật 21 mặt”, lấy cảm hứng từ bộ truyện trinh thám nổi tiếng của nhà văn người Nhật, Edogawa Ranpo. Glico phải thu hồi toàn bộ số kẹo bày bán trên thị trường, gây lỗ 20 triệu USD. Đồng thời, công ty đã sa thải hơn 400 nhân viên bán thời gian.
Cảnh sát đã thu giữ được một đoạn phim ghi lại một người lạ mặt xếp kẹo tẩm độc lên các gian hàng của Glico. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra hung thủ đứng sau những hành động quái lạ này.
Vì quá trình điều tra dậm chân tại chỗ, hung thủ liên tục gửi thư nặc danh nhạo báng cảnh sát. Trong thư có đoạn: “Có vẻ các người đang chịu thua rồi. Vậy hãy để chúng tôi giúp một tay. Chúng tôi sẽ tiết lộ một đầu mối rằng chúng tôi vào nhà máy bằng cổng trước. Máy đánh chữ chúng tôi sử dụng là PANreader”.
Sau nhiều tháng ngày “hành hạ” Glico, “Quái vật 21 mặt” quyết định tìm kiếm niềm vui nơi khác. Ngày 26/6/1984, hắn gửi thư tới Glico kèm nội dung: “Chúng tôi tha thứ cho Glico”. Chúng đột ngột chuyển hướng sang các công ty thực phẩm nổi tiếng Nhật Bản gồm Morinaga, Marudai Ham và House Food. “Quái vật 21 mặt” tiếp tục sử dụng chiêu thức tiêm thuốc độc vào bánh kẹo do các công ty này sản xuất và đòi tiền chuộc.
Không lâu “Quái vật 21 mặt” tuyên bố sẽ kết thúc tội ác nếu nhận được 50 triệu yên. Cảnh sát đồng ý với vụ thương thảo này, gài người thực hiện phi vụ chuộc tiền trên một chuyến tàu cao tốc chạy vào thành phố Kyoto.
Người mang tiền chuộc đến phát hiện kẻ khả nghi trên tàu với thân hình lực lưỡng và đôi mắt giống như mắt cáo. Song, cảnh sát đã để mất dấu kẻ tình nghi. Tháng 11/1984, “Quái vật 21 mặt” tiếp tục đòi 100 triệu yên để dừng hoạt động khủng bố. Giống như lần trước, cảnh sát không bắt kịp người đàn ông mắt cáo.
Vụ án rơi vào bế tắc cùng sự phẫn nộ của cộng đồng, Yamamoto, Giám đốc Sở Cảnh sát tỉnh Shiga đã tự thiêu. Năm ngày sau cái chết của ông Yamamoto, “Quái vật 21 mặt” gửi bức thư nặc danh cuối cùng cho truyền thông.
Trong đó viết: “Chúng tôi quyết định không tấn công các công ty thực phẩm nữa. Từ giờ, nếu có bất kỳ ai tống tiền họ thì đó không phải là chúng tôi. Chúng tôi là người xấu, có nhiều việc phải làm hơn là “bắt nạt” các công ty. Cuộc sống của người xấu rất thú vị”.
Với lời tuyên bố này, “Quái vật 21 mặt” đã biến mất, khép lại gần 17 tháng điều tra với khoảng 12.000 nghi phạm.