Những học sinh trưởng thành từ “mê” Sử

GD&TĐ - Bên cạnh không ít học sinh (HS) “e ngại”, nhiều em lại chọn Lịch sử là môn học chuyên sâu và quyết tâm chinh phục kiến thức ở những cuộc thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh, quốc gia...

Nguyễn Hồng Phúc (thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn đi thực tế di tích lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC
Nguyễn Hồng Phúc (thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn đi thực tế di tích lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC

Lịch sử với các em trở thành đam mê và mong muốn gắn bó lâu dài.

Thành công đến từ đam mê

Đoàn Quang Huy, HS lớp 12 Lý, Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) nhưng lại giành giải Nhì cuộc thi HSG quốc gia môn Sử. Huy chia sẻ: Từ bé em đã thích xem phim tài liệu, điện ảnh nói về lịch sử dân tộc Việt Nam, những bộ phim về đề tài chiến tranh dựng nước và giữ nước của người Việt... Vào THPT, theo nguyện vọng của gia đình, em thi chuyên Lý, song niềm đam mê lịch sử vẫn không nguôi. Em quyết định theo đuổi môn Lịch sử chuyên sâu và thử thách mình với cuộc thi HSG quốc gia môn Sử.

“Nhiều bạn ngại và sợ học sử vì phải ghi nhớ nhiều con số, sự kiện nhưng bản thân em thấy nếu có đam mê, quyết tâm và phương pháp học tốt, Lịch sử không phải môn học khó...”, Đoàn Quang Huy bày tỏ.

Với cô HS lớp 10 chuyên Sử - Lương Phương Mai (Trường THPT chuyên Lào Cai) - nhờ sự đam mê và học đúng phương pháp, em giành giải Nhất HSG cấp tỉnh môn Lịch sử.

“Từ khi học lớp 3 Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai), em tự đặt câu hỏi vì sao trường mình lại có tên Lê Văn Tám? Lê Văn Tám là ai? Có thành tích gì mà lại được nhà trường đặt tên?... Em dùng máy tính và lên mạng tìm hiểu về Lê Văn Tám. Cũng từ đó em bị cuốn theo những thông tin lịch sử về Lê Văn Tám và nhiều vị anh hùng khác như Nguyễn Bá Ngọc, Kim Đồng, Võ Thị Sáu… Càng đọc em càng ngưỡng mộ sự dũng cảm, hy sinh của họ...”, Lương Phương Mai chia sẻ.

Bước vào lớp 4, Lương Phương Mai được học môn Lịch sử chính khóa. Mỗi bài học, bài giảng của cô giáo giúp em thêm hiểu và yêu lịch sử đất nước. Mai mê mẩn những tiết học lịch sử cũng như những cuốn sách về lịch sử trong đó có cuốn “Búp Sen xanh”. Cứ thế niềm đam mê, yêu thích học lịch sử trong Mai càng thêm lớn.

Lương Phương Mai cũng chia sẻ: Khi quyết định thi vào lớp 10 chuyên Sử, gia đình em với truyền thống ngành Y cộng chút định kiến về môn học (môn học thuộc, khó xin việc…) đã tác động, ngăn cản.

Lương Phương Mai chia sẻ cách học lịch sử hiệu quả là dùng bút màu gạch chân sự kiện, thông tin quan trọng. Ảnh: NVCC
Lương Phương Mai chia sẻ cách học lịch sử hiệu quả là dùng bút màu gạch chân sự kiện, thông tin quan trọng. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, Mai kiên quyết bảo vệ con đường mình chọn với lập trường: Đây không chỉ là đam mê, mà còn là năng lực cá nhân. Vì vậy hãy để em được học chuyên sâu môn học mình có năng khiếu chứ không cố học môn “hot” nhưng chưa chắc đã đạt thành công theo mong muốn của gia đình…

Sự thuyết phục và thành công ban đầu của Mai đã giúp gia đình và bạn bè hiểu: Lịch sử là môn học hay, thú vị. Đặc biệt người học có thể cống hiến chuyên môn ở nhiều ngành nghề ý nghĩa. Một xã hội phát triển không chỉ có bác sĩ, doanh nhân mà cần có cả những nhà báo, luật sư, giáo viên dạy Lịch sử…

Tương tự, Nguyễn Hồng Phúc – HS Trường THPT chuyên Lào Cai cũng là một trong những trường hợp “đặc biệt” với lựa chọn thi HSG quốc gia môn Lịch sử nhưng đang thuộc “quân số” lớp 11 Toán - Tin.

“Bác ruột em là liệt sĩ. Khi còn bé, mẹ kể cho em rất nhiều những câu chuyện thời chiến tranh, về người bác đã anh dũng hy sinh cho độc lập, bình yên Tổ quốc… Lịch sử dần thấm vào em lúc nào không biết. Em thấy mình thích đọc, tìm hiểu lịch sử.

Thi vào THPT, Phúc chọn lớp Toán - Tin để thỏa ước nguyện học ngành Công nghệ thông tin, bắt kịp thời đại 4.0 nhưng tình yêu với môn Lịch sử không suy giảm, thậm chí như được “tiếp lửa” khi nghe các thầy cô dạy lịch sử giảng bài. Không còn dừng lại ở tìm tòi kiến thức, lịch sử cũng không còn được coi như cuộc “dạo chơi” tuổi thanh xuân mà em quyết định học một cách nghiêm túc để tham gia cuộc thi HSG quốc gia môn Lịch sử...”, Nguyễn Hồng Phúc bày tỏ. 

Để Lịch sử là môn học hấp dẫn

Theo Đoàn Quang Huy, để học lịch sử thành công nhất định HS phải tìm ra phương pháp hiệu quả. “Học lịch sử phải học thuộc, ghi nhớ nhiều kiến thức, mốc thời gian, sự kiện… do đó, em thường chọn buổi sáng - khoảng thời gian tỉnh táo nhất trong ngày để học. Học xong sẽ làm bài tập thực hành, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tự luận ngay để nhớ kiến thức lâu hơn...”, Huy chia sẻ.

Đoàn Quang Huy cũng bật mí: Bên cạnh tài liệu thầy cô cung cấp trên lớp, em còn nghiên cứu tài liệu do các GS dạy học lịch sử viết, xem các kênh truyền hình chính thống về quân đội như Quốc phòng Việt Nam, An ninh TV… Điều đó giúp Huy thêm hiểu và tích lũy được nhiều kiến thức lịch sử dân tộc. Kinh nghiệm rút ra sau kỳ thi HSG quốc gia môn Lịch sử của Huy là kiến thức chiếm 95%, may mắn chiếm 5%.

Theo quan điểm của Nguyễn Hồng Phúc: Học sinh cần xem video, phim ảnh về lịch sử nhiều hơn; Được trải nghiệm lịch sử trong thực tế qua việc tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử. Giáo viên cần tạo cơ hội cho HS được nghe hướng dẫn viên thuyết trình lại các câu chuyện… Mỗi thầy cô phải là người “truyền lửa”, dìu dắt giúp đỡ HS hiểu sâu và yêu thích môn học bằng những phương pháp phong phú, phù hợp.

Chia sẻ về phương pháp học lịch sử hiệu quả, Phúc khẳng định cần học vững kiến thức nền, biết vận dụng tư duy logic, xâu chuỗi các sự kiện để trả lời những câu hỏi vận dụng cao, liên hệ thực tế...

Với Lương Phương Mai, để ghi nhớ trong quá trình học môn Lịch sử, em thường dùng bút màu gạch chân vào các mốc thời gian, sự kiện khó nhớ, các từ khóa. Như vậy, khi mở sách ra sẽ đập vào mắt những sự kiện đáng nhớ này. Hoặc có thể viết ra giấy chú ý và dán trên góc học tập giúp người học mỗi khi ngồi vào bàn học có thể đọc và nhớ ngay kiến thức.

Để giờ học môn Lịch sử hấp dẫn, quan điểm của Mai là thầy cô nên cho HS thảo luận nhóm nhiều hơn để tự tìm hiểu vấn đề, bản chất sự kiện lịch sử. Khi HS được chủ động, tự tìm hiểu sự kiện lịch sử sẽ cảm thấy hứng thú hơn, có nhiều cách nhìn, tiếp cận đa chiều hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ