Những hiện vật biết nói tại triển lãm 'Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình'

GD&TĐ - Sau 50 năm, những hiện vật hiện diện trong triển lãm “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” giúp khán giả cùng lặng để đối diện…

Triển lãm 'Hà Nội 1972 - Khát vọng Hòa Bình' có góc nhìn riêng về nỗi đau chiến tranh. Ảnh: Bình Thanh.
Triển lãm 'Hà Nội 1972 - Khát vọng Hòa Bình' có góc nhìn riêng về nỗi đau chiến tranh. Ảnh: Bình Thanh.

Một đôi dép nhựa (quai hậu) màu nâu đỏ và chiếc váy trắng viền xanh cho trẻ lên 2. Một đôi tất, chiếc mũ sợi rồi cả tã và áo lọt lòng của trẻ 19 tháng tuổi. Một quả bóng da xẹp hơi cùng con búp bê đứng đó… Sau 50 năm, những hiện vật ấy hiện diện trong triển lãm “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” giúp khán giả cùng lặng để đối diện…

Sưởi ấm niềm tin

Được mở cửa từ 27/12, triển lãm “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” gồm 3 chủ đề: “Khoảng lặng”, “Đối mặt” và “Hòa bình” giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội với giặc lái B52 Mỹ.

Chủ đề “Khoảng lặng” đã mở ra không gian triển lãm bằng các bức ảnh tư liệu đen trắng, sắc nét… và cùng kể chuyện người Hà Nội từ em nhỏ cho đến cụ già tranh thủ lúc ngừng bom rơi, đạn nổ liền vội vã sơ tán, đào hầm, giao thông hào, xây dựng các trận địa pháo…

Có lẽ, nhiều người vẫn nghĩ, thời chiến, ở những khoảng lặng này người người phải nín thở lo lắng đến căng thẳng. Nhưng điều thường thấy ấy chưa hẳn đã đúng với người Hà Nội ở các bức ảnh mà Chi cục Văn thư Lưu trữ Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết lưu giữ.

Những tấm ảnh ấy đã ghi lại gương mặt hăng say đào hào, xây trận địa pháo; nụ cười của đám trẻ đội mũ rơm ẩn nấp ở giao thông hào; ánh mắt trẻ thơ trong trẻo ngồi sau xe đạp được mẹ chở đi sơ tán...

Nhất là, bức ảnh chụp được khoảnh khắc học sinh Trường cấp 2 Dịch Vọng, Từ Liêm (tập hợp từ nhiều nơi sơ tán về) hiên ngang giơ cao những búp măng non chào cờ Tổ quốc trong ngày khai giảng năm học 1972 – 1973 sao mà bình yên…

Từ “Khoảng lặng” ấy, triển lãm dẫn dắt công chúng bước vào không gian “Đối diện” - đó là sự đối diện của quân và dân Hà Nội với giặc lái B52 của Mỹ. Cùng với tư liệu hình ảnh phong phú, các hiện vật biết nói của Bảo tàng Hà Nội được triển lãm sắp đặt đầy chủ ý đã thêm một lần khẳng định sự đối diện này chưa bao giờ cân sức và người dân Hà Nội đã từng phải chịu bao mất mát đau thương, nhất là khi giặc Mỹ điên cuồng rải thảm khu phố Khâm Thiên…

Nhưng, thật lạ, ở triển lãm này, trong nỗi đau ấy luôn được sưởi ấm bằng những khát vọng, những niềm tin về ngày mai chiến thắng. Góc này tái hiện ngôi nhà bị đánh bom thủng trần, đổ nát nhưng bên dưới vẫn bập bùng đốm lửa.

Góc kia, bên trên là những tư liệu bản đồ (do Trung tâm Lưu trữ quốc gia cung cấp) thể hiện các cuộc công kích dày đặc của không lực Mỹ tại Hà Nội từ 19 – 29/12/1972 và bản đồ của quân Mỹ đánh dấu những địa điểm để đánh bom, hay hình ảnh máy bay tiêm kích F105 bay trên bầu trời miền Bắc năm 1972 thì bên dưới là tiếng còi báo động giòn giã.

Hai chiếc hòm đạn mang những hiện vật 'biết nói' được trưng bày tại triển lãm 'Hà Nội 1972 - Khát vọng Hòa Bình'. Ảnh: Bình Thanh.

Hai chiếc hòm đạn mang những hiện vật 'biết nói' được trưng bày tại triển lãm 'Hà Nội 1972 - Khát vọng Hòa Bình'. Ảnh: Bình Thanh.

Hiện vật biết nói

“Đây là sự kiện ý nghĩa khép lại chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Là một khách tham quan đồng thời cũng là một nhân chứng từng có mặt chứng kiến 12 ngày đêm khói lửa ấy, tôi thấy triển lãm đã giới thiệu đến công chúng nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật có giá trị cùng góc nhìn riêng, không xoáy vào những bi thương, mất mát của chiến tranh mà từ những sự thật ấy khơi gợi cho công chúng hôm nay niềm khâm phục, tự hào về một ý chí, khí phách quật cường của quân và dân Hà Nội không chỉ hôm qua, mà cả hôm nay” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Đặc biệt, phía dưới các bức ảnh về ghi lại cảnh đổ nát ở Bệnh viện Bạch Mai, Ga Yên Viên, Gia Lâm hay góc phố Khâm Thiên… từng được công bố ở nhiều cuộc triển lãm là hai chiếc hòm đạn sơn xanh mở nắp.

Dù kích thước khá khiêm tốn nhưng hai hòm đạn ấy vẫn đủ sức giữ chân khách tham quan bằng những hiện vật biết nói.

Chiếc hòm bên phải đựng những chú gấu bông, ngựa bông, mèo gỗ và các bộ nhận biết số, chữ cùng khung ảnh giấy. Chiếc hòm bên trái đựng quả bóng xẹp hơi, đôi dép nhựa quai hậu, đôi tất len, chiếc mũ sợi, con búp bê nhựa, chiếc váy thân trắng viền xanh, tã, áo lọt lòng và tờ giấy khen của trạm bao bì xuất khẩu cho bà Nguyễn Thị Nguyệt. Trên nắp hòm này còn dán 3 tấm ảnh đen trắng đã bắt đầu ố.

Nếu bước thoáng qua, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Những hiện vật đó không liên quan đến chiến tranh mà sao hiện diện ở đây? Nhưng khi dừng bước thì đó là cả một ký ức rưng rưng, xót xa.

Chiếc hòm bên phải dành cho Trường Mầm non Đống Đa - ngôi trường bị bom B52 làm hư hỏng nặng, đồ dùng và tài sản bị phá hủy vào đêm 26/12/1972. Những chú gấu bông, ngựa bông hay con mèo gỗ, bảng nhận biết số, nhận biết chữ kia vốn được các em thơ ôm ấp, chơi đùa, học tập… là những thứ còn sót lại.

Chiếc hòm bên trái là câu chuyện của gia đình ông Ngô Bá Quý - người may mắn sống sót khi giặc lái B52 của Mỹ rải thảm xuống Khâm Thiên. Những búp bê, quả bóng hay chiếc váy, mũ sợi, áo lọt lòng… đều là của cô bé 2 tuổi Ngô Minh Thu và cô bé 19 tháng Ngô Minh Hà - con gái ông Ngô Bá Quý và bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Cũng trong đêm 26/12/1972, tổ ấm ấy bị trúng bom và người mẹ cùng 2 cô con gái bé bỏng đã mãi mãi đi xa… Và, các hiện vật vẫn còn đó để là nhân chứng kể tiếp những tháng năm chiến tranh vô cùng tàn khốc, đau thương nhưng với người Hà Nội thì: “Ních Xơn hủy diệt khối nhà/Giết người, phá của lòng ta không sờn!”, câu thơ viết trên bức tường còn trơ lại ở góc phố Khâm Thiên bị đổ nát bởi bom B52 của giặc Mỹ, năm 1972, được chụp lại trong tấm ảnh của tác giả Trịnh Hải, cũng trưng bày tại triển lãm này.

Có thể thấy, câu chuyện từ hai chiếc hòm đạn hay những tấm ảnh, tư liệu được trưng bày ở triển lãm “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức không mới nhưng thêm một lần nhắc nhớ lại ký ức năm xưa để người hôm nay cùng đối diện.

Có đau đớn, có xót xa, có căm thù nhưng để vững vàng bước ra khỏi nỗi đau chiến tranh, không ngừng khẳng định mình để vươn lên dựng xây cuộc sống mới trong hạnh phúc, hòa bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ