Những hậu quả do bị tiêu chảy

GD&TĐ - Tiêu chảy là loại bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất xảy ra với nhiều lứa tuổi, từ các cháu sơ sinh đến các cụ ông, cụ bà.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nhà chuyên môn phân chia bệnh thành tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính để có thái độ “hành xử” thích hợp.

Tiêu chảy là một thuật ngữ dùng chung. Các nhà chuyên môn sau khi hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm đưa ra một chẩn đoán chính xác người bệnh bị mắc tiêu chảy cấp tính (acute diarrhoea) hay tiêu chảy mạn tính (chronic diarrhoea).

Người mắc bệnh tiêu chảy là người đại tiện phân lỏng quá 3 lần hoặc lượng phân nhiều hơn 200 gram trong vòng 24 giờ. Trường hợp mới xảy ra việc đi cầu phân lỏng nhiều lần trong ngày thì gọi là tiêu chảy cấp. Nhưng nếu “sự kiện” trên diễn ra kéo dài quá 2 tuần, gọi là tiêu chảy mạn.

Tên gọi chi tiết của bệnh tiêu chảy tùy thuộc vào tính chất của bệnh. Tính chất đó chính là khoảng thời gian mà bệnh diễn ra ngắn hạn hay kéo dài. Cụ thể ở đây là bệnh diễn ra dưới 2 tuần hoặc trên 2 tuần.

Bệnh tiêu chảy cấp đến nhanh, rút nhanh sau vài ngày, thậm chí là chỉ một lần uống thuốc và không để lại “dấu ấn” gì đặc biệt. Nhưng bệnh tiêu chảy kéo dài thường gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, gây suy mòn ở người lớn và các bệnh cơ hội khác có thời cơ thuận lợi để bùng nổ.

Việc giải quyết nguyên nhân của tiêu chảy đôi khi gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, với tiêu chảy cấp tính có 2 nguyên nhân cơ bản:

- Nguyên nhân do ăn uống: Nếu ăn phải thức ăn “lạnh”, thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc thức ăn… lạ - tức là loại thức ăn mới thưởng thức lần đầu hay lâu lâu mới có dịp đánh chén, cơ thể nhiều người, đặc biệt là những ai “tỳ vị yếu” không nồng nhiệt tiếp đón mà tống khứ ra ngoài cho sạch của “nợ” sau một cơn ậm ịch khó chịu hoặc đau quặn ở vùng bụng.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Riêng trẻ nhỏ, tiêu chảy cấp xảy ra thường do chế độ ăn không phù hợp với độ tuổi, như cho ăn dặm quá sớm hoặc cho ăn các loại thức ăn khó tiêu.

- Nguyên nhân do nhiễm khuẩn: Bệnh tiêu chảy cấp khởi nguồn từ sự xâm nhập và “làm loạn” bởi các loại virus như Rotavirus hoặc vi khuẩn như Compylorebacter, E. Coli, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ… và các loại ký sinh trùng như Amibe, Lambia Giardia…

Tiêu chảy mạn tính xảy ra do 3 nguyên nhân:

- Những yếu tố cá nhân: Cơ thể đang mắc các bệnh gây ra sự giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp, nhất là ở trẻ nhỏ. Nhiều lần liên tiếp rủi ro vì bệnh tiêu chảy cấp hoành hành.

- Do thuốc điều trị: Sử dụng các loại kháng sinh không phù hợp hoặc thời gian sử dụng quá dài làm chết các loại vi khuẩn có lợi cho quá trình tiêu hóa, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn cơ hội phát triển, gây loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến tiêu chảy mạn.

- Do vi khuẩn: Shigella và E. Coli được xem là thủ phạm số một. Ban đầu, chúng xâm nhập vào hệ thống ống tiêu hóa gây ra tiêu chảy cấp và sau đó là tiêu chảy mạn khi thời gian “chạy cầu” kéo dài quá 2 tuần.

Việc điều trị cả hai bệnh tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn, nói chung là giống nhau, gồm:

- Bồi phụ nước và điện giải: Nhằm mục đích trả lại “các chất” bị mất do phân mang theo ra bên ngoài cơ thể, đảm bảo duy trì tuần hoàn ổn định.

- Chống nhiễm khuẩn: Các trường hợp có bằng chứng nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn cần sử dụng kháng sinh để diệt trừ. Tốt nhất là dùng theo sự chỉ định của bác sĩ.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm đảm bảo sự hấp thu và bổ sung năng lượng, tăng cường sức chống đỡ cho cơ thể của người đang mắc bệnh tiêu chảy.

Nếu tiêu chảy kéo dài là do kháng sinh hoặc nghi ngờ là do kháng sinh thì bệnh nhân hoặc người nhà cần tham vấn bác sĩ trước khi tạm thời đưa ra quyết định ngưng sử dụng thuốc.

Sau khi ngưng sử dụng kháng sinh, cần bổ sung các loại men tiêu hóa như Biolactin, Probio… để ổn định lại “trật tự” của vi khuẩn đường ruột, lập lại thế cân bằng cho hệ thống tiêu hóa hoạt động bình thường.

* Lời khuyên về việc dùng thuốc cầm tiêu chảy

Trong khá nhiều trường hợp bệnh lý, tiêu chảy chỉ là phản ứng tích cực của cơ thể nhằm thải trừ tác nhân gây bệnh, tức là loại bỏ bớt các độc tố và vi khuẩn ra khỏi cơ thể người mắc bệnh.

Việc dùng thuốc “phanh” đột ngột hoặc lạm dụng thuốc nhiều khi mang lại những kết quả tồi hơn là sự mong đợi của nhiều người.

Những “tai họa” do dùng thuốc điều trị tiêu chảy không đúng như chỉ định, điển hình như liệt ruột gây chướng bụng hoặc bị táo bón “hành hạ” - đây là điều mà những người bị xơ vữa mạch máu hoặc tăng huyết áp phải tránh.

Sự tham vấn bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc chữa bệnh là yếu tố đảm bảo an toàn nhất cho mọi người bệnh. Đó là điều cần nhớ và nhắc mọi người cùng nhớ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.