Nhạc sĩ Thuận Yến và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng có điều tương tự, khi hai ông cùng xoay quanh chủ đề khát vọng, thậm chí cùng đặt tên ca khúc là “Khát vọng”, song mỗi người lại mang tới cho công chúng một cảm nhận khác nhau, một chiều kích suy tư khác nhau…
Một tiếng lòng
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tên khai sinh là Phạm Văn Thành, sinh năm 1942, quê gốc ở Xuân Trường, Nam Định. Ông từng đảm trách nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam...
Tuy vậy, bây giờ, mỗi khi nhắc tới Phạm Minh Tuấn, công chúng thường nhớ tới ông với những ca khúc như: “Qua sông”, “Đất nước”, “Bài ca không quên”, “Dấu chân phía trước” (thơ Hồ Thi Ca)…
Riêng tôi, trong lúc tâm trạng chênh chao, tôi lại nhớ tới bài hát “Khát vọng” của Phạm Minh Tuấn với lời ca tha thiết: “Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội/Hãy sống như đời núi vươn tới những tầm cao/Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng/Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông…”.
Theo lời nhạc sĩ, bài hát này được phỏng từ thơ của tác giả Đặng Viết Lợi. Khoảng cuối năm 1984 đầu năm 1985, một hôm nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tình cờ đọc được bài thơ của tác giả Đặng Viết Lợi trên một tờ báo.
Có một điều gì đó rất trùng khít với mong muốn bấy lâu nay của ông là phải viết một ca khúc mới, thể hiện những khát vọng cống hiến, dựng xây cho quê hương, đất nước với quan niệm “sống trên đời phải có ích cho đời”.
Ngay lập tức, ông suy nghĩ, tìm cách chắp cánh cho bài thơ này. Không phổ toàn bộ bài thơ, Phạm Minh Tuấn chỉ dùng một số câu, ý của tác giả Đặng Viết Lợi để phát triển thành bài hát “Khát vọng”, do vậy ở văn bản bài hát công bố, nhạc sĩ đề: Lời phỏng thơ Đặng Viết Lợi.
Bài hát được hoàn thành ngày 20/1/1985, với nhịp 6/8 thong thả, bài hát được đặt trong cấu trúc AB. Trong đó đoạn A nằm ở âm vực thấp, thể hiện nỗi trăn trở từ lâu đang chất chứa trong lòng.
Còn sang đoạn B, giai điệu chợt vút lên như muốn bày tỏ khát vọng, ý nguyện thiết tha mong muốn được cống hiến cho xã hội. Ngay sau khi ra đời, bài hát đã vang lên qua giọng ca của các nghệ sĩ: Quý Dương, Măng Thị Hội, Hồng Nhung, Cao Minh, Quang Dũng…
Cũng chủ đề này, nhạc sĩ Vũ Hoàng cũng có bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” được nhiều đoàn viên, thanh niên hát vang: “Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời/Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới… /Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà cần tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.
Bài hát trầm hùng, khỏe khoắn này được tác giả viết năm 1995, thể hiện những khát vọng của thế hệ trẻ muốn đóng góp sức mình cho công cuộc dựng xây đất nước. Đây là bài hành khúc đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Hoàng.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.
Đồng thanh tương ứng
Trong khi đó, nhạc sĩ Thuận Yến cũng có một bài hát mang tựa đề “Khát vọng”, với lời ca: “Gửi tình yêu vào đất/Được hoa trái đầy cành/Gửi lên trời cao rộng/Sẽ được ngọn sao xanh/Em trao cả cho anh/Một tình yêu nồng cháy/Như một cánh buồm xinh/Hiến mình ra biển rộng…”.
Tôi nhớ mãi lần đến thăm nhạc sĩ Thuận Yến. Trong nhà ông có chiếc giá sách với rất nhiều tập thơ. Thơ về quê hương đất nước cũng có, mà thơ tình yêu cũng rất nhiều. Rất nhiều tập trong số đó do chính tác giả gửi tặng. Giữa thời buổi thơ ca ít được nâng niu, giá sách của ông giống như một bộ sưu tập độc đáo. Chỉ có điều ai nghĩ ông sưu tập thì nghĩ, còn ông thì không hẳn như vậy.
Đọc thơ với nhạc sĩ Thuận Yến từ lâu như một nhu cầu. Nhu cầu tìm kiếm cái mới. Vì làm nghệ thuật là phải có được những ý tưởng mới lạ. Trong nghề viết ca khúc, nếu mình không tự nghĩ ra được thì thơ ca chính là một con đường, một sự gợi ý để âm nhạc cất lên tiếng nói.
Chúng ta cũng từng thấy nhiều nhạc sĩ được ví như “ông hoàng phổ thơ”, như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, như nhạc sĩ Phú Quang. Và nhạc sĩ Thuận Yến cũng nằm trong danh sách ấy.
Những bài hát được nhiều người yêu thích của Thuận Yến thường được chắp cánh từ những vần thơ. Có được “Vầng trăng Ba Đình” sau khi ông đọc bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh; “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn” nảy ra từ thơ Hoài Vũ; “Màu hoa đỏ” bừng nở từ thơ Nguyễn Đức Mậu… Ca khúc “Khát vọng” cũng được hình thành sau khi ông đọc bài thơ của thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến.
Theo nhạc sĩ Thuận Yến, ông viết “Khát vọng” năm 1993, sau khi được nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến tặng tập thơ “Lỡ một thời con gái”. Đọc tập thơ này, ông rất tâm đắc với bài thơ “Gửi tình yêu”. Bài thơ dài 20 câu, khiến ông bùi ngùi nghĩ về tình yêu, tình người, và suốt từ lúc đọc nó, ông bị ám ảnh.
Thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến khi đó đã rất nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu, về khát vọng được yêu, về “chồng chị, chồng em”. Thơ bà cũng được rất nhiều người thuộc, chép trong những cuốn sổ tay như một tâm tình tri kỷ.
Điều ấy càng thôi thúc Thuận Yến, càng khiến ông suy nghĩ để tìm kiếm một tứ nhạc chắp cánh thêm cho những vần thơ da diết ấy bay lên. Và không quá lâu sau đó, Thuận Yến đã tìm được cách để “hóa giải” cho chính mình.
Ông đã dùng nhịp 4/4 để viết, với sự khát khao nồng cháy, khắc khoải đớn đau như chính tinh thần của bài thơ nữ thi sĩ đã viết. Và trong từng câu thơ, nhạc sĩ cũng không sửa nhiều, ông chỉ thay đổi một số câu chữ cho phù hợp hơn với giai điệu và tính chất của ca khúc.
Đặc biệt, ông sử dụng điệp khúc “Em muốn ôm cả đất/Em muốn ôm cả trời, mà sao anh ơi, không ôm nổi trái tim một con người…” để xoáy sâu vào lòng người, khiến ai cũng cảm nhận được nỗi nghẹn ngào, da diết.
Theo nhạc sĩ Thuận Yến, ông phổ thơ nhiều, nhưng “Khát vọng” là một trong những ca khúc ông ưng ý nhất. Nó thực sự là cuộc giao duyên của những tâm hồn đồng điệu.
Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu “Khát vọng” được Cẩm Vân thể hiện. Nhưng lúc đó, bài hát chưa gây được sự chú ý. Mãi đến năm 1997, trong chương trình Làn sóng xanh, với bản phối của Quốc Trung, ca sĩ Thanh Lam - con gái nhạc sĩ Thuận Yến, đã khiến khán giả “sởn gai ốc” khi nghe ca khúc này.
Và ít người biết, chính Thanh Lam là người đã đặt tên cho ca khúc này. Lúc đầu nhạc sĩ Thuận Yến đặt tên cho bản nhạc là “Tình yêu”, sau đó với sự trẻ trung tràn đầy năng lượng sống, Thanh Lam đã đề xuất đổi thành “Khát vọng”.
Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1935 trong một gia đình nhà giáo tại tỉnh Duy Xuyên - Quảng Nam.
Có lẽ ảnh hưởng từ người cha biết chơi đàn bầu nên nhạc sĩ Thuận Yến đã đến với âm nhạc bằng con đường tự thân: Học qua bạn bè, học trong sách vở, chứ không phải được đào tạo bài bản. Phải đến năm 1961, Thuận Yến mới ra Nhạc viện Hà Nội học sáng tác một cách chính quy.
Cuối năm 1964, ông rời Nhạc viện Hà Nội cùng bạn gái Hồ Thanh Hương tình nguyện gia nhập vào Đoàn Văn công quân Giải phóng Thừa Thiên - Huế. Nhạc sĩ Thuận Yến cũng đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.
Tấu lên khát vọng cuộc đời
Hai ca khúc, của hai nhạc sĩ tên tuổi, cùng có chung một tựa đề “Khát vọng”. Đến bây giờ, cả hai bài hát đều được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn. Mỗi người lại khám phá ra cách mới để đưa các ca khúc đi vào lòng người.
Nhưng bây giờ, nếu tìm kiếm trên Google, phải tra đầy “Khát vọng Thuận Yến”, “Khát vọng Phạm Minh Tuấn” thì mới ra kết quả như ý. Điều đó đúng là có chút bất tiện.
Vẫn biết, trong nghệ thuật, việc đặt trùng tên tác phẩm, tên bút danh là điều không nên, nhất là bây giờ, sự trùng tên còn khiến cho việc tìm kiếm trên mạng khó hơn, dễ nhầm hơn, thậm chí cả chuyện có thể bị thiệt về tác quyền nữa, nhưng thực tế đã và đang xảy ra những chuyện trùng tên như vậy.