Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong lòng những người ở lại: Còn đó những giai điệu đẹp và ấm áp

GD&TĐ - Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã để lại nỗi mất mát, niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng.

 Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lúc sinh thời. Ảnh: INT
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lúc sinh thời. Ảnh: INT

Theo bà Vũ Thị Cẩm Tú - vợ nhạc sĩ - cho biết ông mất tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Cuối đời, ông mắc nhiều bệnh tuổi già, thường xuyên ra vào bệnh viện. Cuối năm 2021, nhạc sĩ bị Covid-19 và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Hà Nội cho biết thêm, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mất vì bệnh phổi. Trước đó ít ngày ông mới khỏi bệnh Covid-19, vài ngày sau khi ra viện, ông lại mắc bệnh phổi và được gia đình đưa tới bệnh viện điều trị nhưng tiếc rằng đã không qua khỏi.

Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khiến các đồng nghiệp, nghệ sĩ tiếc thương. Ca sĩ Đinh Thành Lê viết lời tiễn biệt: "Biển lặng sóng thuyền em dong khơi, khoan giọng hò thương anh cách vời... Những giai điệu đẹp đẽ và ấm áp của ca khúc Xa khơi như in đậm mãi vào tâm trí của cháu. Cháu từng được bác chỉ dạy rất nhiều trong ca khúc kinh điển của âm nhạc Việt Nam. Một khuôn mặt hồn hậu, trái tim yêu nhạc và cả một đời cống hiến cho âm nhạc".

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người rất yêu anh em nghệ sĩ trẻ. Ông không phải là người cao giọng cậy mình là người cao tuổi nên "bề trên răn dạy bề dưới" mà trái lại ông rất chan hòa, luôn chia sẻ với anh em trẻ, đó là điều rất đáng quý. 

"Có thể nói cuộc đời của ông là cuộc đời cống hiến trọn vẹn và tất cả mọi người đều quý mến giai điệu của Nguyễn Tài Tuệ  và giai điệu của ông sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam", nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.

Hay tin nhạc sĩ qua đời, ca sĩ Tân Nhàn đau buồn chia sẻ trên báo chí, năm 2005, khi thi Sao mai, ca sĩ chọn nhạc phẩm Xa khơi để biểu diễn và đoạt giải. Tại các chương trình, khán giả thường xuyên yêu cầu cô thể hiện bài hát. Sau cuộc thi, có lần Tân Nhàn nhận được điện thoại của nhạc sĩ. Ông nói hài lòng với phiên bản cô thể hiện, chỉ sau Tân Nhân, Anh Thơ. Cả hai sau đó gặp gỡ, trò chuyện về âm nhạc. Ca sĩ Tân Nhàn cho biết dù không được gặp nhạc sĩ nhiều nhưng luôn biết ơn lời động viên, chia sẻ của nhạc sĩ dành cho mình khi mới vào nghề. Đó là phần thưởng lớn giúp cô tiến xa đến hôm nay.

Bàng hoàng trước tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ra đi, NSND Thu Hiền chia sẻ trên báo chí rằng: "Tôi cùng chung nhà hát với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từ khi ông học ở Triều Tiên về nên tôi có nhiều thời gian được gần nhạc sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người Nho học. Ông sống khuôn mẫu nên luôn đề cao giáo dục về cách sống nhân văn của người nghệ sĩ. Khi thể hiện tác phẩm của ông phải đến gặp ông, làm việc rất chu đáo và hết sức cẩn thận.

Biết tin nhạc sĩ qua đời, chia sẻ trên báo chí, NSƯT Thu Lan, nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia (từng có thời gian dạy con trai của nhạc sĩ là Nguyễn Thiều Quang) khẳng định rằng các sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ có tầm học thuật cao, đa số được sử dụng trong giáo trình giảng dạy. Chị cho biết: “Bài Suối Mường Hum chảy mãi rất hay, nhiều cung quãng rất thuận cho học sinh thanh nhạc mới vào học. Học sinh trung cấp chuẩn bị lên ĐH hầu như em nào tôi cũng cho học bài đấy. Xa khơi tầm ĐH và trên ĐH mới sử dụng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15/5/1936 tại Thanh Văn, Thành Chương, Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác và viết ca khúc đầu tay "Lời ca gửi noọng" vào năm 1958, khi chỉ mới 22 tuổi. 

Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật mấy mươi năm, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là những ca khúc về truyền thống, cách mạng như "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Xa khơi", "Xuân về trên bản Nhắng", "Về mỏ", "Xôn xao bến nước"...  Ngoài ra, ông còn viết khoảng 10 tác phẩm khí nhạc và từng xuất bản "Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Tài Tuệ"...

Với những cống hiến của mình cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt I (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì; được trao Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.