Xã hội hiện đại đã giải phóng vai trò mặc định của cả nam và nữ trong cuộc sống và trong gia đình. Dù vậy, vẫn còn nhiều quan niệm từ trước đến nay áp đặt cho nam giới khiến họ cảm thấy mệt mỏi.
Giống như phụ nữ thường gắn với vai trò nội trợ, chăm sóc con cái, nữ công gia chánh thì nam giới cũng bị gắn nhiều trách nhiệm với cái mác là “phái mạnh”. Hãy cùng nhìn xem những áp lực nào đàn ông đang phải gánh:
Vai trò kiếm tiền
Thông thường, nam giới hay bị xã hội quan niệm rằng họ phải là trụ cột, là người làm ra tài chính chủ đạo trong gia đình. Áp lực này khiến nhiều người đàn ông cảm thấy căng thẳng, sợ mất vị thế trong gia đình và bị mất đi sự chủ động nếu kiếm tiền ít hơn vợ.
Thậm chí, chính họ cũng không cảm thấy tự tin nếu tài chính của mình không được như mong muốn.
Sự chủ động
Phần lớn mọi người vẫn hay mặc định nếu là nam giới thì nên giành quyền chủ động trong mọi lúc, từ chuyện tỏ tình, ga lăng, tới việc kết hôn, đời sống chăn gối...
Như vậy là không công bằng và gây khó khăn cho những anh chàng nhút nhát không dám thể hiện, trong khi có nhiều bạn nữ mạnh mẽ rất muốn tỏ tình hay thể hiện ham muốn với chuyện “tế nhị” nhưng lại không thể vượt qua ranh giới vô hình kia. Những điều mặc định này khiến cả nam và nữ có thể mất đi những cơ hội quý giá.
Sự mạnh mẽ
Nếu thấy một người đàn ông mau nước mắt hoặc dễ xúc động, mọi người thường tỏ thái độ coi thường, thương hại hoặc chê là “đàn ông mà cũng khóc”, hoặc “kiểu này chỉ bám váy vợ”, thậm chí người đó còn bị quy kết là nhu nhược và yếu đuối.
Điều này khiến cho nam giới nhiều khi phải kiềm chế cảm xúc, không dám thể hiện ra bên ngoài, thậm chí phải cố lên gân, tạo vỏ bọc bằng sự mạnh mẽ, cứng rắn cho “hợp nhãn” số đông. Không sống thật với cảm xúc của mình sẽ khiến họ mệt mỏi. Sự mạnh mẽ thuộc về tính cách chứ không thể mặc định với vai trò giới.
Ở rể
Với một người con gái đi lấy chồng thì chuyện làm dâu và ở nhà chồng là điều hiển nhiên. Thế nhưng, với một người đàn ông, khi ở rể, họ thường phải chịu vô số áp lực từ những cái nhìn không thiện cảm của xã hội và cả sự mặc cảm trong chính họ.
Trong khi đó, việc ở rể hay không đâu có ảnh hưởng đến vai trò chăm sóc của một người con với cha mẹ. Áp lực này đã khiến cho các chàng rể thường có tâm lý ngại ngần và cố gồng mình lên để có cuộc sống riêng tư cho dù họ không hẳn là muốn thế.
Trách nhiệm và công việc gia đình
Thông thường, nam giới hay mặc định có vai trò là người kiếm tiền chủ yếu trong gia đình, còn trách nhiệm nuôi dạy con cái và làm các công việc trong nhà là của người phụ nữ. Vai trò này đã đặt lên nam giới gánh nặng buộc phải hoàn thành trọng trách, nếu không họ sẽ bị mất vị thế làm chồng, làm cha.
Trách nhiệm nuôi dạy con và các công việc gia đình là như nhau ở cả hai giới. Tương tự, chuyện kiếm tiền hay phụ trách công việc ngoài xã hội nên tùy thuộc vào sự phân công cho hợp lý với khả năng và sở thích của hai vợ chồng.
Việc đặt gánh nặng kinh tế lên vai nam giới, mặc định việc nhà là của phụ nữ, đã khiến nhiều chị em tự bó buộc mình trong những công việc quen thuộc, còn nam giới cũng mất đi sự hứng thú sáng tạo trong các lĩnh vực khác mà dồn ép vào các công việc có thể bản thân họ không mong muốn.