Những đứa trẻ “xóm Đài Loan”: Lối hẹp vào đời

GD&TĐ - Không giấy khai sinh, không hộ khẩu là tình trạng chung của những đứa trẻ là con lai, theo mẹ về quê khi cuộc hôn nhân không hạnh phúc nơi xứ người. Chuyện học hành hay chăm sóc y tế lúc ốm đau của các em vì thế cũng… bế tắc vì thủ tục hành chính.

Nhiều em theo mẹ về Việt Nam sinh sống được đi học chỉ để biết chữ chứ không có hồ sơ, học bạ. Ảnh: T.G
Nhiều em theo mẹ về Việt Nam sinh sống được đi học chỉ để biết chữ chứ không có hồ sơ, học bạ. Ảnh: T.G

Chuyện buồn xứ cù lao

Sau đợt cập nhật dữ liệu dân cư của TP Cần Thơ, có một con số khiến ai cũng ngậm ngùi, đó là có đến 1.100 trẻ em là con lai không có giấy tờ, không được học hành hoặc học để biết chữ mà không có hồ sơ, học bạ. Trong số đó, có rất nhiều trẻ em là con lai có cha là người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Các em ra đời sau những cuộc hôn nhân “chớp nhoáng” thông qua mai mối hoặc những người làm trung gian để các chàng trai từ nước ngoài vào chọn vợ. Đa phần phụ nữ chọn con đường lấy chồng ngoại quốc vì hoàn cảnh nghèo khó, muốn đổi đời, muốn giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần… Chi phí cho đám cưới vỏn vẹn vài chục triệu đồng, sau đó các cô dâu xuất ngoại, may mắn tìm được việc làm để có tiền gửi về hỗ trợ gia đình.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) có hơn 1.000 cô gái lấy chồng ngoại quốc. Có gia đình có đến 2, 3 cô con gái lấy chồng Đài Loan. Người trước trở về giới thiệu, mai mối để bạn bè, người thân tiếp tục xuất ngoại với mong muốn đổi đời. Thực tế, có cô lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc gặp gia đình nhà chồng tử tế, có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống hạnh phúc. Nhưng cũng không ít cô dâu sang nhà chồng bị bạc đãi, bạo hành hoặc hôn nhân không hạnh phúc. Đường cùng, nhiều cô đành dẫn con bỏ trốn, trở về quê hương với cuộc sống hết sức khó khăn.

Do không có sự chuẩn bị trước nên đa phần không mang theo giấy tờ tùy thân. Các thủ tục về ly hôn, khai sinh cho con cũng như thủ tục về quốc tịch không được thực hiện. Vì thế, khi về Việt Nam sinh sống, các trẻ em diện con lai không thể làm giấy khai sinh hoặc làm hộ khẩu. Cũng vì thiệt thòi này mà nhiều em không được đến trường hoặc có em đến trường học chỉ để biết chữ chứ không có học bạ. Trong quá trình học tập, các em chỉ được theo dõi, ghi nhận rồi để đó chứ không lập hồ sơ, vì điều này sai với quy định.

Theo thầy Võ Ngô Điền - Trường TH Tân Lộc 3, điều đầu tiên muốn cho trẻ đến trường là phải có giấy khai sinh. Nếu không có khai sinh thì học đến lớp 5 không thể tiếp tục học được nữa. Trước mắt, nhà trường tạo điều kiện cho các em học chứ không để cho các em thất học!

Ngậm ngùi chuyện học

Chuyến phà chở khách sang cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Ảnh: T.G
Chuyến phà chở khách sang cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Ảnh: T.G 

Cần Thơ có hàng trăm học sinh theo diện con lai không có khai sinh, mặc dù đã lấy thông tin và xác nhận của địa phương để giải quyết tạm thời cho các em được đi học. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể hoàn thành thủ tục pháp lý để cấp bằng tốt nghiệp cho những đối tượng này.

Để hỗ trợ cho đối tượng này, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT và Công an hướng dẫn các quận, huyện làm giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài, để trẻ có giấy tùy thân đi học. Tại cù lao Tân Lộc, hơn 30 trẻ con lai khi về nước có mang theo giấy tờ, được chính quyền địa phương linh động tạo điều kiện cho học hành, đến nay có em học tới lớp 10, 11. Tuy nhiên, nhiều trẻ em có yếu tố nước ngoài về quê ngoại sống, không đủ giấy tờ nên không làm được thủ tục thường trú, tạm trú tại địa phương, dẫn đến không đủ điều kiện đến trường.

Ngành GD đã nhiều lần đề nghị Sở Tư pháp hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho trường hợp thiếu giấy tờ. Theo quy định, trường hợp không có khai sinh, gia đình phải đến cơ quan Tổng lãnh sự tại TPHCM nhờ trích lục lại và xác nhận… Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, nhiều bà mẹ không có điều kiện làm các thủ tục khai sinh và nhập hộ khẩu để con được đến trường.

Khó nhất là những trẻ theo mẹ về Việt Nam sinh sống mà không mang giấy tờ tùy thân hoặc trẻ mang quốc tịch nước ngoài nên không thể làm thủ tục khai sinh, hộ khẩu. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng vào cuộc và sẵn sàng hỗ trợ nhưng về mặt pháp lý không thể giúp được, bởi phải đợi đến năm 18 tuổi, các em tự quyết chọn quốc tịch nào, ông Ngô Văn Sách - cán bộ Tư pháp phường Tân Lộc lý giải đồng thời cho biết: Địa phương có kiến nghị với Sở Tư pháp để hướng dẫn cho các em làm thủ tục như giấy khai sinh. Tuy nhiên đến nay chưa có công văn giải quyết vấn đề con có yếu tố nước ngoài!

Cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) được mệnh danh là “đảo Đài Loan” vì có nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan để đổi đời. Sau thời gian làm dâu xứ người, không ít người trong số này dẫn con trở về quê hương vì hôn nhân không hạnh phúc. Những đứa trẻ  được khai sinh, mang quốc tịch nước sở tại nhưng về Việt Nam vì lý do nào đó không làm lại giấy tờ tùy thân, bởi vậy chuyện học hành nhiều khi dang dở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ