Những người miệt mài “gieo chữ”

GD&TĐ - Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, các nhà giáo âm thầm lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Cùng lắng nghe tâm sự của các thầy, cô giáo – những người miệt mài “gieo chữ” nơi vùng đất khó.

 Cô Mùa Thị Chứ - giáo viên Trường tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La)
Cô Mùa Thị Chứ - giáo viên Trường tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La)

* Cô Mùa Thị Chứ - giáo viên Trường tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La): Hạnh phúc khi học sinh đến lớp đầy đủ

Nơi tôi dạy, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ huynh chủ yếu là làm nông nghiệp nên hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, nhận thức về sự học của người dân còn hạn chế. Nhiều gia đình còn cho con nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nương và đi chăn trâu.

Vì thế tôi và các đồng nghiệp thường xuyên phải đến tận nhà học sinh để vận động các em đến trường. Có những hôm chúng tôi đi vận động từ 5 giờ sáng và 9 – 10 giờ đêm mới về đến nhà.

Vất vả nhưng nếu đón được các em trở lại trường lớp thì bao khó khăn, mệt nhọc đều tan biến. Vì thế, niềm vui lớn nhất của giáo viên chúng tôi là học sinh đến lớp đầy đủ và chăm chỉ học hành.

Đó là món quà vô giá, là động lực để chúng tôi tiếp tục bám trường, bám lớp. Dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng không lùi bước và nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

* Thầy Nguyễn Việt Tuấn – giáo viên Trường Hermann Gmeiner (Đà Nẵng): Gieo niềm tin vào cuộc sống cho học sinh mồ côi

Thầy Nguyễn Việt Tuấn
 Thầy Nguyễn Việt Tuấn

Nơi tôi công tác giảng dạy là ngôi trường của tổ chức Quốc tế nhân đạo chuyên dạy trẻ mồ côi nên không phải là trường công lập.

Tuy nhiên, giáo viên chúng tôi vẫn được Bộ GD&ĐT quan tâm, động viên khen thưởng và vinh danh ngay tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và tham dự chương trình “Thay lời tri ân”. Đó là niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến của những giáo viên ngoài công lập như chúng tôi.

Qua đó cho thấy, Bộ GD&ĐT đã không phân biệt trường công, hay trường tư. Quan trọng là mình đã cống hiến như thế nào với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

37 năm giảng dạy, tôi đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò khôn lớn, thành người. Tôi đã gieo niềm tin cho các em vào cuộc sống, để từ đó các em nỗ lực vươn lên trong học tập.

Trong đó, tôi ấn tượng nhất là một học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vượt lên hoàn cảnh, em đã trở thành học sinh xuất sắc và nhận được được học bổng du học nước ngoài. Hiện nay em đó đã về nước và cống hiến tài năng, sức trẻ cho quê hương.

Tôi yêu công việc của mình, yêu nghề dạy học và hạnh phúc khi các em khôn lớn trưởng thành và thành người có ích cho xã hội.

* Cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai – Giáo viên Trường THCS Đoàn Giỏi (Châu Thành, Tiền Giang): Ở nhà các em có bố mẹ, còn ở trường, các em có thầy cô 

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai
 Cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai

Khi biết được mình có tên trong danh sách được tham gia lễ vinh danh nhà giáo tiêu biều toàn quốc năm 2018, tôi vô cùng vui sướng và tự hào.

31 năm đứng trên bục giảng với biết bao kỷ niệm vui buồn, tôi nhớ mãi, trong lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh gia đình khó khăn. Chị gái em này vừa đỗ đại học nên em ấy đã nghỉ học lên TP Hồ Chí Minh để tìm việc làm phụ giúp gia đình.

1 tuần sau khi trốn học lên TP Hồ Chí Minh, gia đình không liên lạc được với em đó. Mẹ em lo lắng và tìm đến tôi nhờ trợ giúp. Tôi đã nhận lời và quyết định lên thành phố một mình, quyết tìm em đó bằng được.

Gần một ngày trời vẫn không tìm được, may mắn được một học trò cũ giúp đỡ, chúng tôi tìm đến một khu công nghiệp, đến từng quán cơm chỉ mong tìm được em.

Cuối giờ chiều, mọi thông tin tưởng chừng như vô vọng nhưng khi chúng tôi đến một quán cơm nơi con hẻm sâu, từ xa tôi nhìn thấy một bé gái đang ngồi nhặt rau.

Như một phản xạ khi có khách đến cửa hàng, em đó đứng lên mời chào và niềm vui vỡ hòa vì đó chính là học sinh tôi đang tìm kiếm. Cô trò ôm nhau khóc tức tưởi, rồi tôi động viên em ấy về để tiếp tục việc học hành.

Nghe lời tôi, em ấy đã về và học hành ngày càng tấn tới. Hiện em là một trong những học sinh giỏi, xuất sắc của trường.

Là giáo viên là vậy, chỉ cần học sinh chăm ngoan, học giỏi là vui lắm rồi. Ở nhà các em có bố, mẹ còn ở trường, các em có thầy, cô – những người mẹ hiền thứ hai. Chúng tôi sẽ tiếp tục gieo niềm tin cho các em và cuộc sống để mai này các em trở thành người có ích cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.