Những điều mới mẻ học được từ cuộc thi “LABCITOYEN 2018”

GD&TĐ -  Sinh viên Trần Lê Minh Ngọc đã đạt giải nhất trong cuộc thi LabCitoyen 2018 tại Việt Nam qua một đoạn phim ngắn về bình đẳng giới. Phần thưởng dành cho bạn là một chuyến đi Paris để tham dự LabCitoyen với những bạn đoạt giải đến từ nhiều nước trên thế giới.

Sinh viên Trần Lê Minh Ngọc cùng bạn quốc tế tham quan Paris
Sinh viên Trần Lê Minh Ngọc cùng bạn quốc tế tham quan Paris

Chúng ta cùng trò chuyện với Minh Ngọc về chuyến đi thú vị này.

- Đoạn phim đoạt giải của bạn nói về việc cần thay đổi quan niệm giáo dục trẻ nhỏ theo chuẩn được “đóng khung” sẵn của giới tính, kiểu như con trai thì không được khóc và con gái thì phải thùy mị. Vì sao bạn chọn khai triển đề tài này?

- Thời cấp 3, tôi từng được học trong giờ tiếng Pháp về chủ đề “Les métiers ont-ils un sexe?” (Nghề nghiệp thì có giới tính hay không?). Ở bài học này, cô giáo dạy về việc định hướng nghề nghiệp của mỗi người thường được định hình từ khi còn rất bé một cách vô thức từ những lời nói hay những hành động chỉ bảo của người lớn.

Chủ đề này đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về vấn đề bình đẳng giới. Trước đó, tôi luôn nghĩ những điều mẹ dạy từ nhỏ như con gái phải mặc váy, con gái phải để tóc dài, con gái nên làm cô giáo,… là rất bình thường. Nhưng sau khi học bài “Les métiers ont-ils un sexe?” ở lớp, tôi bắt đầu nghĩ rằng vì sao con gái phải giới hạn bản thân trong những chuẩn mực rập khuôn như vậy? Đây là một chủ đề tôi rất yêu thích và mong muốn mọi người có thể thay đổi nhận thức giống như mình.

- Bạn có thể kể về những ấn tượng khi đến Paris và đặc biệt là khi được tham gia LabCitoyen 2018?

Sinh viên Trần Lê Minh Ngọc
Sinh viên Trần Lê Minh Ngọc 

- Ấn tượng của tôi khi đến Paris và khi tham dự LabCitoyen 2018 là mọi người rất thân thiện. Người dân Paris, các anh chị hướng dẫn, các bạn cùng tham dự chương trình và các nhà báo “cố vấn”, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình và cởi mở. Mỗi lần trò chuyện với mọi người tôi đều được học thêm những điều mới.

Trong lần tham dự LabCitoyen này, để di chuyển đến các địa điểm khác nhau, chúng tôi chủ yếu dùng tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm cũng là điều tôi cảm thấy rất ấn tượng khi ở Pháp (do Việt Nam chưa có, tôi mong rằng Việt Nam sẽ sớm có) và đây cũng là lần đầu tiên tôi trải nghiệm tự lấy tàu đi thăm thú Paris.

Mỗi ngày, sau khi kết thúc lịch trình của LabCitoyen, tôi cùng các bạn chia thành các nhóm nhỏ, tự lên kế hoạch tham quan thành phố. Chúng tôi vừa thăm thú, vừa trò chuyện với nhau nên ngoài kiến thức về “kinh đô ánh sáng”, còn có thể hiểu thêm về văn hóa của các nước khác trên thế giới. Đây là điều thú vị nhất đối với tôi trong chuyến đi lần này. 

- Bạn đã chuẩn bị ra sao để tham dự?

- Vì chuyên ngành của tôi không phải là giáo dục hay luật nhưng chương trình lại chuyên sâu về nhân quyền cũng như giáo dục nên sau khi nhận được những chủ đề của 5 ngày diễn ra LabCitoyen, tôi đã tích cực lên mạng tra cứu để có thêm được nhiều từ vựng chuyên ngành cũng như thông tin về các chủ đề. 

- Những gì thu nhận được từ chuyến đi, bạn có mong muốn tiếp tục phát huy khi về Việt Nam, đặc biệt là về chủ đề mà bạn đã thể hiện trong đoạn phim ngắn dự thi?

- Sau chương trình, tôi nhớ mãi mô hình “l’école de la deuxième chance” (trường học dành cho các bạn đã bỏ học nhưng muốn đi học lại, không phải chỉ học các chương trình văn hóa, mà còn có cả học nghề). Tôi mong muốn sẽ có thể tìm hiểu và bằng cách nào đó phát triển mô hình này tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, về vấn đề giáo dục và bình đẳng giới, tôi đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến sáng tạo từ các bạn trẻ đến từ khắp thế giới, cũng như những lời khuyên từ các nhà báo “cố vấn” của đoàn.

Tôi nghĩ sẽ lấy bản thân làm minh chứng, làm ví dụ rõ ràng nhất để thay đổi nhiều quan điểm chưa đúng đắn về vấn đề này, bắt đầu từ người thân, bạn bè. Trong tương lai gần, tôi mong rằng sẽ tìm được một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi phụ nữ cũng như giáo dục để có thể tham gia và làm lan tỏa những điều tốt đẹp.

LabCitoyen là cuộc thi thường niên do Viện Pháp tổ chức dành cho các bạn trẻ từ 20-26 tuổi, yêu mến nước Pháp và biết tiếng Pháp, với các chủ đề về nhân quyền. Những bạn đoạt giải nhất ở các quốc gia trên khắp năm châu sẽ được mời đến Pháp trong khoảng 10 ngày để tham dự hội thảo, thảo luận, thuyết trình, tham quan, học hỏi về chủ đề chính của từng năm. Chủ đề của cuộc thi LabCitoyen 2018 là “Giáo dục và Nhân quyền”.

Thí sinh đạt giải nhất cuộc thi LabCitoyen Việt Nam năm nay là bạn Trần Lê Minh Ngọc, sinh năm 1998. Minh Ngọc đã theo học chương trình song ngữ tiếng Pháp từ nhỏ, cấp 3 học tại trường chuyên Lê Hồng Phong và hiện đang là sinh viên năm 3 của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ