Học giỏi, thông minh có tiếng nhưng Dũng (quê Thái Bình) lại nghiện game online. Dũng bắt đầu lẻn ra quán net chơi game online từ năm lên lớp 8. Khi biết Dũng ra quán net để chơi game, bố em đã đánh em một trận thừa sống thiếu chết.
Tưởng đánh con thật đau con sẽ chừa, ai ngờ Dũng vẫn tiếp tục lén lút theo chúng bạn ra quán net. Để kiểm soát và ngăn chặn con đam mê vào game, bố mẹ Dũng đã cắt cử nhau dõi theo từng bước chân của con. Vợ chồng anh còn cắt cử một người nghỉ việc để theo dõi và quản lý con. Họ sợ con mình trở thành con nghiện game thì coi như mất con.
Mẹ Dũng (chị Thương) cho biết, không chỉ riêng con chị. Chị đến quán net nhiều, cũng gặp nhiều phụ huynh cùng cảnh. Trong số những phụ huynh chị gặp, không ít người có con cái học giỏi giang như con chị.
"Có một điểm chung ở mấy đứa học giỏi này là, khi mê là mê lắm không biết lối ra. Chúng nó như bị ma nhập ấy. Mọi lời khuyên nhủ phân tích thiệt hơn của bố mẹ đều trở nên vô nghĩa", chị Thương nói.
Theo các chuyên gia của công ty tư vấn An Nam, đối với các bậc phụ huynh, việc con cái nghiện game là cả một cơn ác mộng khiến họ lo lắng. Việc tiếp cận với internet quá sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các con lạm dụng vào các trò chơi trên mạng.
Có nhiều cha mẹ bực tức, khó chịu khi biết con mình nghiện game nên đã sử dụng bạo lực với con. Không chịu lắng nghe những điều con nói hay áp đặt suy nghĩ của người lớn vào với đứa trẻ. Vì vậy, chúng ta không chỉ đóng vai trò làm cha làm mẹ mà còn phải sát cánh như một người bạn với con, nhất là với những em nghiện game để có thể đưa ra các phương pháp tốt nhất giúp con bỏ chơi game.
1. Không dùng bạo lực với con
Một trường hợp cha mẹ phạt con chơi game online từng gây xôn xao trong dư luận. Ảnh internet.
Đây là một điều cấm kỵ mà các bậc phụ huynh không nên dùng trong cách ứng xử với con cái, nhất là với những đứa trẻ nghiện game. Khi con mình ham chơi điện tử, không chịu học tập thì nó cũng có nguyên nhân của nó.
Là người lớn, chúng ta không nên nghĩ đó là lỗi tại con mà hãy xem xét thật kỹ xem nó có liên quan đến những cái khác như cách giáo dục của cha mẹ, sự ức chế trong các mối quan hệ, bị bạn bè rủ rê…
Nếu trong hoàn cảnh này, chúng ta chỉ biết cứng nhắc dùng bạo lực với con, đánh con để con sợ mà bỏ game; hay đánh con để răn đe và làm gương cho những đứa trẻ khác trong gia đình.
Thế nhưng, những việc làm đó chỉ là vô nghĩa mà đôi khi còn phản tác dụng. Trong suy nghĩ của con hiện tại, nó đang bị cuốn vào vòng xoáy của game và sự đam mê ở đó. Đồng thời những đứa trẻ như vậy thường chán học và rất bướng, nếu bạn có ý định đánh con để con bỏ điện tử thì khó có thể thành công được.
2. Không xem game là xấu
Thật ra các trò chơi điện tử trên mạng không phải là việc làm xấu, mà chỉ vì các con quá lạm dụng nó mới khiến cho nó trở nên bị lạm dụng. Thế nhưng, với người lớn chúng ta, chỉ cần chơi game là không tốt rồi, và các trò chơi đó cũng là xấu. C
húng ta đổ lỗi cho game vì không muốn nhìn nhận sự thật là do chính con người chúng ta tạo ra các thói xấu cho mình.
Nếu là một đứa trẻ không ham mê game thì chắc chắn bạn sẽ cho con chơi để giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng. Nếu con bạn học tốt thì game sẽ được các bạn cho con dùng một cách thoải mái. Vì vậy, cái gì cũng có hai mặt của nó, chúng ta không nên nhìn phiến diện một phía về vấn đề này.
3. Ra điều kiện với con học tốt mới được chơi game
Nghiện game cũng giống như nghiện rượu hay nghiện thuốc lá vậy, nó rất khó bỏ được. Có nhiều phương pháp mà các bậc phụ huynh sử dụng để giúp con hết nghiện game và có một điều rất hiệu quả đó là ra điều kiện với con.
Những đứa trẻ thường thích được thưởng, vậy nên nếu bạn áp dụng quy luật thưởng – phạt vào các việc làm của con thì sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Con làm tốt, ba mẹ sẽ thưởng cho con; nếu con làm sai con phải chịu phạt. Cũng như vậy, nếu con học tốt ba mẹ sẽ cho con chơi game 1-2 tiếng/ ngày và ngược lại.
4. Uốn nắn từ nhỏ
Đây là việc quan trọng mà tất cả các bậc phụ huynh cần phải làm từ khi con đang còn nhỏ. Ông bà ta có câu "dạy con từ thuở còn thơ" chính là như vậy, dạy con không chỉ là dạy về kiến thức, dạy về cuộc sống mà cũng cần uốn nắn con về việc này.
Ngay từ nhỏ các con cũng cần phải biết nghe lời, biết sợ và biết cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Điều đó sẽ giúp con có ý thức tốt hơn khi lớn và con có thể kiểm soát được những việc làm của mình.
5. Nghiêm khắc trên quan điểm lắng nghe
Có nhiều gia đình con cái không chịu nghe lời cha mẹ cũng chỉ vì cha mẹ quá nghiêm khắc khiến con cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Nghiêm khắc là tốt, là cách để con biết sợ và biết có nên làm hay không nên làm gì. Nhưng nghiêm khắc cũng phải biết lắng nghe.
Cái gì đáng nghiêm khắc thì cha mẹ nên nghiêm khắc, cái gì không thì cũng nên hiểu biết và lắng nghe con. Có những việc con làm con muốn nói cho ba mẹ biết, có những chuyện con muốn nói để ba mẹ hiểu con hơn. Nếu cha mẹ thật sự lắng nghe con thì con sẵn sàng chia sẻ cũng như tâm sự với cha mẹ.
6. Cho con gặp nhà tâm lý
Trong trường hợp các vị phụ huynh không thể nào giải quyết được vấn đề cho dù dùng rất nhiều biện pháp cũng như cách làm với con thì hãy đưa con đến gặp nhà tâm lý. Có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do tâm lý, vì chuyện này chuyện khác khiến con ức chế và tìm đến game.
Chuyên gia tâm lý sẽ là người khai thác thông tin cũng như giúp con đưa ra hướng giải quyết vấn đề cho con của bạn.