Dạy trẻ yêu lao động: Từ vun trồng đến phát triển toàn diện

GD&TĐ - Trẻ đến tuổi đi học nhưng chưa biết quét nhà, rửa bát hay gấp quần áo vì người lớn làm thay không hiếm. Dạy trẻ yêu lao động để các em không dựa dẫm, lười biếng và biết cách giúp đỡ người xung quanh...

Học sinh Trường MN Trí Đức 1 chăm sóc vườn rau.
Học sinh Trường MN Trí Đức 1 chăm sóc vườn rau.

Trân quý thành quả lao động

Để phát triển toàn diện, bên cạnh phát triển trí lực, trẻ cần được giáo dục lao động, xây dựng kỹ năng tự lập từ nhỏ. Thực tế, trẻ được làm quen với lao động từ rất sớm, khi chứng kiến người thân trong gia đình làm việc và hưởng thụ thành quả từ công việc.

Vốn bản tính ham học hỏi, trẻ thường chú ý đến thao tác lao động của người lớn rồi dần dần học theo. Những hành động này mới dừng ở việc bắt chước nhưng trẻ chưa hiểu hết giá trị và tầm quan trọng của lao động. Vì vậy, nếu được tự tay làm và hưởng thụ thành quả, trẻ sẽ hiểu và trân trọng giá trị của lao động.

Bên cạnh giáo dục tại nhà, trường học cũng đóng vai trò quan trọng giúp trẻ thêm hiểu ý nghĩa, lợi ích của lao động. Trong đó, trường mầm non, tiểu học là nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Chính vì thế, việc giáo dục ý thức lao động trong các trường mầm non, tiểu học rất được quan tâm trong những năm gần đây.

Từ tháng 9/2019, Trường Mầm non Trí Đức 1, TPHCM, bắt đầu triển khai mô hình trồng rau sạch. Vườn rau được chia thành nhiều khu riêng, nằm trong khuôn viên trường. Mô hình không chỉ thu hút sự quan tâm từ các em nhỏ, mà còn nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ phía phụ huynh.

Trong vườn trường, các bé từ 3 - 6 tuổi được thầy cô hướng dẫn ươm mầm rau, tưới nước, nhổ cỏ, theo dõi quá trình phát triển hay học cách làm giá đỗ. Sau khi thu hoạch, trẻ sẽ quan sát, phân loại, nhặt và rửa rau rồi chuyển vào bếp để chế biến thành món ăn.

Cô Nguyễn Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trí Đức 1 cho biết: Việc dạy trẻ yêu lao động được thực hiện qua phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, thông qua các hoạt động thực hành trải nghiệm giúp thể hiện bản thân. Từ hoạt động trồng rau xanh, nhà trường nhận thấy trẻ biết yêu môi trường thiên nhiên hơn, có ý thức bảo vệ môi trường.

Không chỉ trồng rau xanh, Trường Mầm non Trí Đức 1 còn tổ chức nhiều hoạt động như quét rác, nhặt lá cây… Cuối tuần, cô trò cùng nhau vệ sinh và sắp xếp đồ chơi trên kệ gọn gàng, hướng dẫn trẻ qua hoạt động “Bé vào bếp”. Nhờ đó, trẻ có thể tự làm những việc vừa sức như thay quần áo, gấp quần áo, bao gối...

Cô Thư nhận xét, những hoạt động này có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt, hiện nay, phụ huynh đều mong muốn con biết hình thành kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết yêu lao động. Tận hưởng những thành quả do chính tay mình vun trồng, các em càng cảm thấy quý trọng hơn thành quả đó.

Chị Phạm Thị Hiền, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Trí Đức 1 chia sẻ: Thông qua dự án trồng rau trong trường học, con gái được tìm hiểu về tên gọi, hình dáng của các loại rau, cách chăm sóc. Bé cũng hiểu thế nào là lao động và ý nghĩa của lao động chăm chỉ là thu về thành quả. 

Học sinh Trường Hội nhập Quốc tế iSchool tham quan nông trại Phan Nam.
 Học sinh Trường Hội nhập Quốc tế iSchool tham quan nông trại Phan Nam.

Phát triển toàn diện

Không chỉ trồng rau tại trường, mô hình trang trại giáo dục kết hợp giữa nông trại, giáo dục và du lịch là điểm trau dồi sáng tạo cho các em học sinh. Là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nông trại Ong Vàng, TPHCM, ông Lương Hữu Tuệ cho biết: Nông trại bắt đầu hoạt động từ năm 2017. Sau 2 năm, nông trại có diện tích 13.000 m2 tập trung khai thác trải nghiệm cho trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học.

Đến nông trại, các em nhỏ được thăm hệ thống trồng rau thủy canh với nhiều sản phẩm như bầu, mướp, bí, cà chua; học bắt cá; gói bánh. Ông Tuệ bày tỏ: Nông trại thu hút rất nhiều đoàn, tour học sinh đến trải nghiệm các trò chơi, được tiếp xúc với thú nuôi, câu cá, trồng rau trong khi người lớn tận hưởng cảm giác trở về tuổi thơ.

“Mục tiêu của chúng tôi là giúp các bé trực tiếp thực hành, tương tác với hoạt động lao động trong thực tế. Đây là những trải nghiệm rất khác biệt so với sách vở, video trong trường học và gia đình”, ông Tuệ nói.

Nằm trong chương trình giáo dục giá trị - kỹ năng sống, ngày 8/4, Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long Xuyên, tỉnh An Giang, đã tổ chức cho học sinh khối tiểu học thăm nông trại Phan Nam.

Giáo viên Phan Thị Ngọc Điệp cho hay: Chương trình giáo dục giá trị - kỹ năng sống được trường đưa vào giảng dạy từ năm 2016 với mục đích xây dựng thế hệ học sinh 5H: Heart (biết yêu thương), Head (có trí tuệ), Hand (biết làm việc), Health (có sức khỏe), Human (trở thành con người hoàn thiện đầy nhân bản).

Trong chuyến thực tế vừa qua, học sinh được tham quan khu vực trồng rau, khám phá nhà dưa lưới, tự tay hái và thưởng thức cà chua bi ngay tại vườn, thăm vườn thú, tham gia trò chơi tập thể…

Cô Điệp đánh giá: Những hoạt động này giúp các em trang bị kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, biết cách phân biệt các loại rau, hiểu về quá trình trồng rau, chăm sóc và bảo vệ vật nuôi. Từ đó, trẻ dần hình thành lòng yêu lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm, tinh thần trách nhiệm chung với công việc được giao.

Ngoài ra, mỗi dịp Tết Trung thu, học sinh được tự làm bánh, bán và gây quỹ mua quà tặng các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Tết đến Xuân về, trường tổ chức chương trình Xuân yêu thương khuyến khích các em quyên góp, thăm hỏi và chúc Tết những hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn.

Những hành động nhỏ này giúp học sinh nhận ra ý nghĩa tích cực của lao động đối với cá nhân và xã hội, từ đó thêm phần trân trọng người lao động. Ngoài giáo dục lao động, hoạt động trải nghiệm và sáng tạo khơi gợi niềm đam mê học tập, tìm tòi khám phá của trẻ. Cô Phan Thị Ngọc Điệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ