Những điểm chính trong học thuyết quân sự mới của Nga

Ngày 26/12, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga, chỉ ra hàng loạt mối đe dọa mới đối với nước Nga và các biện pháp đáp trả.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, ngày 24/12 vừa qua. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, ngày 24/12 vừa qua. (Nguồn: Reuters)
Ngày 26/12, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga, chỉ ra hàng loạt mối đe dọa mới đối với nước Nga và các biện pháp đáp trả. 


Văn kiện dài 29 trang gồm 58 điều mục này, được công bố trên trang web của Điện Kremlin, vẫn mang tính phòng thủ. Tuy nhiên so với phiên bản trước, năm 2010, học thuyết mới đã được cập nhật đáng kể.

Ví dụ lần đầu tiên trong học thuyết đề cập tới cái gọi là khả năng "răn đe phi hạt nhân" để đối phó với khái niệm "quyền lực mềm" của Mỹ. Và trong số các hiểm họa mới, học thuyết đề cập tới rủi ro tác động của thông tin có hại tới dân chúng.

Học thuyết mới nêu rõ những điểm được Nga xem là hiểm họa chiến tranh gồm:

- NATO mở rộng tiềm năng sức mạnh, sự xích lại của cơ sở hạ tầng quân sự NATO sát biên giới LB Nga, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khối này.

- Triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với LB Nga.

- Hình thành và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, hủy hoại sự ổn định trên toàn cầu, thực thi khái niệm "cú đòn toàn cầu", ý định đưa vũ khí lên vũ trụ.

Trang mạng của Hội đồng An ninh Nga cho biết các hiểm họa mới đối với nước này xuất hiện trong tình hình tại Ukraine và xung quanh nước này, cũng như các sự kiện tại châu Phi, Syria, Iraq và Afghanistan.

Giống như phiên bản trước, học thuyết mới có bản chất phòng thủ, nghĩa là sức mạnh quân sự của Nga được sử dụng khi hoàn toàn không còn các khả năng sử dụng các biện pháp khác.

Học thuyết mới lần đầu tiên đã đề cập tới khả năng răn đe phi hạt nhân. Đó là tổ hợp các biện pháp đối ngoại, quân sự và kỹ thuật quân sự nhằm ngăn chặn xâm lược chống LB Nga bằng các phương tiện phi hạt nhân.

Văn kiện viết: "LB Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt khác chống Nga và các đồng minh của mình, cũng như trong trường hợp vũ khí thông thường được sử dụng để xâm lược LB Nga, khi có mối đe dọa tới sự tồn tại của nhà nước Nga. Tổng thống LB Nga là người ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân"./.

Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ