Hà Nội đang là khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong 23 tỉnh, thành xuất hiện có dịch kể từ ngày 29/4 đến nay.
Đến sáng 9/5, Hà Nội đã ghi nhận tổng số hơn 100 ca mắc COVID-19, tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (61 ca), Bệnh viện K (11 ca)… và rải rác ở nhiều quận, huyện.
Liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, ở ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, HN), chiều 5/5, đã có quyết định cách ly y tế sau khi ghi nhận 14 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
UBND TP Hà Nội quyết định phong tỏa cơ sở Đông Anh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 5/5 đến 19/5, không tiếp nhận bệnh nhân khác trong thời gian này.
Việc phong tỏa nhằm nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch và đảm bảo an toàn cho y bác sĩ tuyến đầu.
Điểm "nóng" thứ hai ở Hà Nội là Bệnh viện K đã phát hiện bốn người nhà, sáu bệnh nhân mắc Covid-19 và chính thức tạm thời phong tỏa sáng 7/5.
Sáng 7/5, kiểm tra việc phong tỏa tại Bệnh viện K Tân Triều, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá, tình hình dịch bệnh là rất phức tạp, phức tạp hơn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bởi Bệnh viện K cũng là tuyến đầu và có bệnh nhân ở tất cả các tỉnh thành đến chữa trị.
Sau phong tỏa, Bệnh viện K sẽ chỉ còn nhận bệnh nhân nặng, cấp cứu (bởi là tuyến cuối), còn sẽ "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Liên quan đến ổ dịch ở xã Tô Hiệu, Thường Tín, tính từ ngày 29/4 đến sáng 8/5, trên địa bàn huyện có 10 ca F0 đều tại xã Tô Hiệu (7 ca tại thôn Tử Dương và 3 ca tại thôn An Duyên). Cơ quan chức năng của huyện đã phong tỏa tạm thời phố Tía, thôn Tử Dương và 2 thôn An Duyên và Đông Duyên (những nơi có F0). Sau khi rà soát, xét nghiệm, xã sẽ có những biện pháp tiếp theo.
Đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Thường Tín, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhận định, ở ổ dịch này sẽ có thể tiếp tục có ca mắc Covid-19 mới. Do đó, ông lưu ý, lực lượng y tế cùng tổ Covid-19 và đặc biệt là lực lượng công an cần tiếp tục rà soát các trường hợp F1, F2, đảm bảo nhanh chóng, triệt để.