Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội 2 dự án Luật để xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Thang bảng lương của nhà giáo: Đưa vào Đề án Cải cách chính sách tiền lương
Điểm 6, mục II Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 29 của Trung ương, Bộ GD&ĐT đã dự thảo sửa đổi Điều 81 của Luật GD về thang bảng lương nhà giáo, theo đó đề xuất “Lương của nhà giáo được xếp cao trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” vì công việc của người thầy là đào tạo con người, có ảnh hưởng lớn đến tương lai đất nước, chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập hiện chưa tương xứng với vị trí và trách nhiệm được giao.
Ngày 15/1/2018, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD. Chính phủ có ý kiến không sửa Điều 81 về lương của nhà giáo trong Dự án Luật vì hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để trình Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Theo đó, tiền lương của nhà giáo sẽ được nghiên cứu đưa vào Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Lương sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.
Phát triển đội ngũ nhà giáo phải đồng bộ, đáp ứng kịp thời với yêu cầu Chương trình và SGK phổ thông mới |
Miễn học phí cho HS THCS: Tạm thời chưa đưa vào Luật
Quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập GD; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh phổ cập THCS và phân luồng, Bộ GD&ĐT đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến HS THCS trường công lập trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD.
Tuy nhiên, khi Chính phủ thảo luận vấn đề này, một số bộ, ngành băn khoăn về tính khả thi, ở chỗ nguồn kinh phí chi cho GD còn hạn hẹp, chưa đủ khả năng đáp ứng việc HS THCS không phải đóng học phí. Cũng có ý kiến cho rằng có thể không miễn học phí một cách đồng loạt mà phân tích ra các đối tượng HS khác nhau để miễn học phí.
Trước những ý kiến còn khác nhau và do trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, Chính phủ quyết định tạm thời chưa đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD về vấn đề miễn học phí cho HS THCS để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ họp vừa qua. Tuy nhiên, Luật GD hiện hành và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về chính sách học phí đã quy định chính sách miễn, giảm học phí đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, HS nghèo, cận nghèo, HS dân tộc, HS khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
Chính sách học phí đối với HSSV sư phạm
Theo quy định hiện nay, HS, SV sư phạm không phải đóng học phí, tuy nhiên chính sách này đã tồn tại một số hạn chế, bất cập như: SV tốt nghiệp ra trường không làm việc trong ngành GD, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực ngân sách.
Vì vậy, trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đã quy định “HS, SV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành GD đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm”.
Vì yếu tố quyết định việc lựa chọn ngành nghề của HS hiện nay là chế độ đãi ngộ sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm; việc thu hút HS giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng. Để thu hút được HS giỏi vào các trường sư phạm cần thay đổi chính sách tiền lương của giáo viên, không phải là duy trì chính sách miễn học phí sư phạm.
Ngoài ra, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GD trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch hệ thống các trường sư phạm theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và theo Luật Quy hoạch năm 2017; nghiên cứu đề xuất trong Đề án Cải cách tiền lương của Chính phủ theo hướng lương của nhà giáo được xếp vào thang bảng lương riêng thuộc nhóm ưu tiên; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên, giảng viên để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và chính sách đãi ngộ nhà giáo, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nêu: “Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở GD nghề nghiệp phải có trình độ từ ĐH trở lên, có năng lực sư phạm”. Như vậy, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, THCS lên ĐH sư phạm được đề cập trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD là tất yếu và sẽ là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Hiện nay cả nước có 59,63% giáo viên tiểu học đạt trình độ đào tạo từ ĐH trở lên, còn 40,36% (159.934 giáo viên) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn; giáo viên THCS có trình độ từ ĐH trở lên chiếm tỷ lệ 74,6%, còn 25,4% (78.974 giáo viên) cần được bồi dưỡng nâng chuẩn.
Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên ĐH trong thời gian khoảng 5 năm và chủ trương không tuyển mới giáo viên có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm cùng với lộ trình nâng chuẩn.
Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường ĐH sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay SGK mới theo hình thức “cuốn chiếu” cùng với lộ trình triển khai hàng năm ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thực chất, không chạy theo số lượng.
Đối với những giáo viên chưa đạt trình độ ĐH còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương phối hợp với các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.
Để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 119a quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, THCS quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 77 của Dự thảo Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 77. Quy định này nhằm xác định cụ thể lộ trình đào tạo, sử dụng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Điểm mới về chế độ cử tuyển
Cử tuyển là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách dân tộc nhằm tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Trong nhiều năm qua, chính sách cử tuyển đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc đào tạo cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc bố trí việc làm cho SV tốt nghiệp cử tuyển rất khó khăn. Nguyên nhân là do hình thức tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi theo quy định Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ học cử tuyển theo vị trí việc làm; xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu số lượng giữa các dân tộc chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở một số địa phương khác công tác rà soát, bám sát theo quy hoạch, ưu tiên các dân tộc có nguồn nhân lực thấp còn chưa hiệu quả.
Từ thực tiễn đặt ra, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD bổ sung một số nội dung về chế độ cử tuyển, theo hướng “người được cử đi học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển, việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp”, nhằm tạo định chế mới phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và để hoàn thiện chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác cử tuyển đối với HSSV là người dân tộc thiểu số, miền núi; gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương.