Những dấu chấm phẩy đầu đời

Những dấu chấm phẩy đầu đời

(GD&TĐ) - Khi viết những dòng này, tôi có một khát khao được gặp lại cô giáo Yến, không rõ cô còn có trên cõi dương gian này. Cô là người đầu tiên kèm cặp tôi, chấm câu và đặt dấu phẩy sao cho đúng chỗ trong từng bài văn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhớ lại môn học văn năm cấp 2 ở một trường ven sông Đáy, cô đã luôn cho tôi một dấu – (ví dụ 5-) chẳng hạn. Năm học 1967 - 1968 nhà trường ấn định điểm 5 thay cho điểm 10, tôi làm bài văn hay vì lỗi dấu phẩy, dấu chấm, luôn bị ám ảnh những dấu trừ cho điểm 5 của cô. Nhưng tôi luôn luôn là học sinh có giọng văn theo cô là đầy hứa hẹn. Hồi đó đi học phải đội mũ rơm, ngày chạy xuống hầm mấy lần, lấy đâu ra ước mơ xa vời ngoài việc học được ăn no dù chỉ một bát cơm gạo trắng. Cô Yến hay đến thăm chúng tôi ở trọ nhà dân nơi sơ tán. Có hôm cô chờ tôi rất lâu vì tội tôi đi kéo te ở ao làng Giá, kiếm thêm ít tép ăn cơm chiều.

Bữa kéo te ở ao về được mẻ tôm riu cô giáo cùng cắt râu tôm với trò, cùng gợi cho tôi ý tưởng về một bài văn hay, cô còn lưu ý dấu phẩy của tôi trong bài văn đặt không đúng chỗ. Có đoạn rất dài mới ngắt câu. Cô mang cho tôi một quyển sách có nhiều bài văn hay để đọc. Đèn dầu ban đêm hết dầu, cô dạy tôi cách phơi vỏ bưởi khô, để đốt về ban đêm, cùi vỏ bưởi cháy thơm và những câu chuyện riêng tư của đời cô giáo cũng được chia sẻ với trò như một gia đình. Cô có mối tình đầu, duy nhất với chú D. Chú và cô ở làng Trung Hà nơi ngã ba sông Đà, sông Thao, hợp lưu vào dòng chảy sông Hồng. Cả hai đều bơi rất giỏi, cưới nhau được ba ngày chú D trả phép rồi đi biền biệt bao năm không thư từ. Cô dạy cách nhà 20 cây số, cô coi gia đình trò nghèo như gia đình, thân tình và ấm áp.

Những năm dài dạy học, cô trò đợi ngày chú đi bộ đội trở về, nhưng dù chỉ một lá thư ngắn cũng không có. Có lần cô đưa chúng tôi ra sông Đáy tập bơi, phao là cây chuối đẵn ở vườn học trò, cô dạy tôi bơi và cô bơi qua sông Đáy như thể khoát nước cho vơi nỗi buồn nhớ chồng.

Ngày lễ Tết, chúng tôi không có quà tặng cô, dù là rất nhỏ. Còn cô luôn có quà tặng cho trò, quyển sổ, chiếc bút máy, một bưu thiếp nho nhỏ là tiền lương của cô dành cho chúng tôi. Khi thấy tôi đọc “Khúc ba rừng thẳm tuyết dày” của nhà văn Trung Quốc Kiếm Ba, đọc “Viên mỡ bò” của G.Môpâtxang và cả nhà văn Nga Goocki với “Thời thơ ấu của tôi”. Cô giáo Yến đã đọc hết các cuốn sách văn học Nga, Pháp, Trung Quốc… cô còn khơi gợi cho tôi hướng tới vẻ đẹp của thiên nhiên rực rỡ và huyền bí của chính nước đó. Thiên nhiên chảy đẫm trong tôi đó là dòng sông Thao hùng vĩ với sông Hồng mùa cạn, trơ trọi bãi phù sa ở quê cô Yến; đó là bữa cơm với mùi cá kho tương bốc lên từ mái rạ nghèo, là bát canh rau rền nước đỏ, là bát canh ngải cứu có hương vị gừng ngon lắm. Trong cách kể của cô Yến món ngon nào cũng tứa nước miếng, món ngon nào cũng ngon nhất thế gian.

Tôi nhìn rất rõ ngấn nước trong mắt cô, đôi mắt màu tro, khuôn mặt tròn dưới mái tóc tơ và chiếc cặp ba lá kẹp ngang mớ tóc dài chấm gấu áo. Cô dịu dàng và nhẫn nại, khi đọc một bài văn thi cuối kỳ thấy tôi không chấm câu sai. Tiến bộ lắm Hằng nhé. Lúc đó tôi nghĩ cô quá cẩn thận đấy thôi, có dấu chấm quan trọng gì đâu mà phải cần tiến bộ. Tiến bộ ghê gớm vậy sao? Dấu chấm rất ghê gớm trong câu chữ bạn ạ. Không ngờ sau này câu chữ của tôi vẫn hay vấp phải lỗi diễn đạt không mạch lạc, đến nhà văn Tô Hoài cũng phải dặn nhà văn Triệu Bôn, chồng tôi là hãy giúp “nó” rèn luyện câu chữ nhé. Tôi đã học như học từ lớp một, học đọc và học viết như trẻ nhỏ để sau này viết văn, làm thơ. Sau những giải thưởng thơ ca, tôi luôn nhớ đến cô  Yến, trong xa thẳm ngôi trường ven sông Đáy, bên này là chợ Chùa Rừng, cô vẫn đi bộ lững thững ở trọ một nhà dân, bao năm dạy dỗ chúng tôi những áng văn hay, những dấu chấm và những dấy phẩy trong câu chữ đầu đời của tôi. Cuối cùng, tôi vẫn nhớ đến cô giáo Yến, mong sao vẫn là dấu phẩy, dấu chấm phẩy, trong đợi chờ hẹn gặp lại cô, tôi vẫn hy vọng không phải gặp dấu chấm, nếu như hay tin cô đã đi xa. Cô là cô giáo, là người mẹ tinh thần, người từng cho tôi một cách học đọc, học cảm nhận, nghĩ ngợi trong hành trình viết văn khó nhọc của đời tôi.n

 MS:  1002

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ