Những 'đám cháy' mới

GD&TĐ - Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang bất ngờ xuất hiện thêm những diễn biến khiến tình hình căng thẳng hơn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang bất ngờ xuất hiện thêm những diễn biến khiến tình hình căng thẳng hơn, thậm chí Hungary còn cảnh báo xảy ra Thế chiến 3 nếu Ukraine chậm trễ đàm phán hòa bình với Nga.

Diễn biến mang tính quốc tế nổi bật gần đây là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 đưa ra bình luận rằng NATO “không loại trừ khả năng” sẽ đưa quân tới Ukraine trong tương lai. Ông cho biết hiện chưa có sự đồng thuận nào của khối quân sự về việc này, nhưng NATO sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn Nga giành chiến thắng.

Bình luận không mang tính khẳng định này của Tổng thống Pháp lập tức gây ra phản ứng gay gắt từ phía Nga và khiến ngay cả quan chức NATO phải lo ngại. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định khối đang có những hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine nhưng không có kế hoạch nào đưa lực lượng chiến đấu trên thực địa tới Ukraine.

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng khẳng định không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine và cho biết tuyên bố của Tổng thống Pháp là quan điểm riêng của nước này, chứ không phải của NATO. Một loạt nước khác như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Czech, Thụy Điển, Slovakia, Hungary và Italy cũng nhanh chóng bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Pháp.

Tuy nhiên, bình luận của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn nhanh chóng “chọc giận” Nga. Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev ngay sau đó tuyên bố, đây là ranh giới của NATO và việc đưa quân tới Ukraine sẽ được Nga coi là “một lời tuyên chiến” và dẫn đến “kịch bản thảm khốc”.

Còn Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO là không thể tránh khỏi nếu các quốc gia thành viên gửi quân tới Ukraine.

Trong suốt những ngày qua, bình luận của Tổng thống Pháp tiếp tục là chủ đề căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và khối NATO vốn ở thế đối đầu kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Khi vụ việc này còn chưa lắng xuống thì lại bất ngờ xuất hiện đoạn ghi âm bị rò rỉ, trong đó một tướng không quân của Đức thảo luận về cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc tấn công vào cây cầu dân sự Crimea do Nga kiểm soát.

Nga đã tung đoạn ghi âm ra giữa Liên Hợp Quốc và cáo buộc đây là bằng chứng quân đội Đức có âm mưu phá hủy hạ tầng dân sự của Nga, điều mà Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky chỉ trích rằng nó “tương đồng với quá khứ đen tối thời Thế chiến 2 của phát xít Đức”. Đoạn ghi âm dài 38 phút bị rò rỉ lập tức trở thành mối căng thẳng mới giữa Đức cũng như NATO với Nga.

Hầu hết các quan chức cao cấp Nga đều lên tiếng chỉ trích Đức bằng những ngôn từ gay gắt nhất và yêu cầu Berlin phải giải thích. Bộ Quốc phòng Đức và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều thừa nhận đây là một vụ việc rất nghiêm trọng và đang cho điều tra.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, đoạn ghi âm sẽ gây ra những hệ lụy quân sự sâu xa hơn và Nga có thể còn công bố nhiều cuộc trao đổi quân sự nhạy cảm khác liên quan đến NATO.

Các diễn biến nghiêm trọng mới xuất hiện trong bối cảnh quân đội Nga đang giành ưu thế trên chiến trường, trong khi Ukraine liên tục để mất các vị trí quan trọng và phải rút lui trong cuộc phản công của mình.

Tình thế này được cho là bước lùi quan trọng của Ukraine và Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 5/3 cảnh báo rằng, nếu Ukraine không sớm bước vào đàm phán với Nga thì sẽ nhận kết quả ngày càng tồi tệ, thậm chí kịch bản Thế chiến 3 còn có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các nhà nghiên cứu đã kết nối song song nhiều sợi và dệt chúng lại với nhau thành một loại vải. Ảnh: Đại học Linkoping

Vải thông minh mang lại sức mạnh

GD&TĐ - Vải kết hợp với cơ bắp nhân tạo là một lĩnh vực nghiên cứu mới có nguồn gốc từ Đại học Linkoping và Đại học Boras (Thụy Điển).