Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (Center for Strategic and International Studies, CSIS) mới đây đã có công trình nghiên cứu về nguy cơ xung đột Nga-NATO và đưa ra nhận định về hướng xung đột có khả năng xảy ra nhất giữa hai bên sẽ là vùng Baltic.
Trong một báo cáo nghiên cứu của CSIS về mức độ sẵn sàng chiến tranh của NATO chống lại Liên bang Nga nêu rõ, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc với bất cứ kết cục nào, một cuộc đụng độ giữa Nga và Liên minh Bắc Đại Tây Dương rất có thể sẽ xảy ra ở khu vực biển Baltic.
Tài liệu nhấn mạnh rằng, để đối phó với nguy cơ lớn về an ninh kể từ năm 2022 trở lại đây, nỗ lực chính của khối quân sự phương Tây tập trung vào việc tăng chi tiêu quốc phòng và ít nhất là khoảng 20% số tiền này sẽ được dùng để hiện đại hóa quân đội của các nước thành viên trong khối.
Theo số liệu công bố của CSIS, vào năm 2024, có tới 23 quốc gia thành viên NATO dự kiến sẽ đạt mức chi tiêu quân sự lên tới 2% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội - Gross Domestic Product).
Xét về tổng chi tiêu quân sự, con số này sẽ lên tới 380 tỷ USD, gấp 1,6 lần so với năm 2014 với 235 tỷ USD.
Các nhà phân tích của CSIS lưu ý, Liên minh NATO có kế hoạch tăng đáng kể lực lượng triển khai tiền phương ở Bulgaria, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia với mục tiêu thành lập thêm các đơn vị cấp lữ đoàn (từ 35-50 lữ đoàn), với mô hình biên chế và tư duy tác chiến mới chỉ để đối phó với Nga.
Báo cáo nêu rõ, các nhà chiến lược của khối đã dự định xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu của khối lên tới 100 nghìn quân nhân, chỉ để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong mười ngày đầu tiên của cuộc xung đột nếu xảy ra, khoảng thời gian mà họ coi là “thời gian vàng” để chặn đứng bước tiến trong đòn tấn công phủ đầu.
Trong 20 ngày sau đó, 100 nghìn quân nhân khác cũng sẽ được huy động tham gia vào sứ mệnh quân sự và trong vòng sáu tháng tiếp theo, NATO sẽ sẵn sàng huy động thêm nửa triệu binh sĩ nữa vào các hoạt động chiến đấu.
Rút ra những kinh nghiệm trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay, các vấn đề về phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng của nhiều quốc gia được lên kế hoạch giải quyết bằng cách điều chỉnh và mở rộng cấu trúc chỉ huy, cũng như tăng cường các cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn.
Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh, “gót chân Achilles” (điểm yếu) của khối NATO đã bị bộc lộ trong quá trình cung cấp đạn dược cho quân đội Ukraine hiện nay. Các nước thuộc liên minh có rất ít năng lực sản xuất đạn pháo, thậm chí nguồn lực của cả khối còn kém xa Nga, khiến Lực lượng Vũ trang Ukraine hàng ngày sử dụng chưa tới 1/10 số lượng đạn pháo mà Nga bắn ra.
Một ví dụ khác là trong cuộc xung đột ở Libya năm 2011, chỉ trừ Hoa Kỳ, tất cả các thành viên còn lại của NATO đã hết đạn dẫn đường chính xác ngay trong tháng đầu tiên của cuộc chiến.
Tuy nhiên, tài liệu cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề này đang được NATO tích cực giải quyết.
Chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia NATO ở châu Âu đang ưu tiên đầu tư cho các tập đoàn công nghiệp quân sự để tăng cường sản xuất và mở rộng quy mô nhà xưởng, khôi phục các dây chuyền đã đóng trước đây.